ClockChủ Nhật, 27/08/2023 10:12

Món quà

TTH - Hắn mất cha từ nhỏ, sống với mạ và chị gái, nhưng mạ hắn tính tình cũng dở dở ương ương, đầu óc không được bình thường như người ta. Chị hắn thì lấy chồng xa một hai năm mới về nhà một lần nên coi như nhà chỉ còn có hai mẹ con hắn.

Con mèo đen

 

Từ nhỏ, hắn vốn đã như cái cây mọc hoang ngoài vườn, cứ thế mà sống, mà tự bảo vệ và tự vươn lên. Người ta bảo: “Con không cha như nhà không nóc”, kể ra cũng có phần đúng, ít ra là với trường hợp như hắn.

Chừng mười tuổi, hắn đã rời xa ghế nhà trường rồi. Hàng ngày hắn chơi bời lêu lổng với đám trẻ trạc tuổi, hư hỏng và ngỗ ngược. Chúng tụ tập bày đặt hút thuốc, đánh bài, uống rượu, hết tiền tiêu xài thì đi trộm cắp vặt trong xóm. Mỗi lần hắn cùng bạn bè bày cuộc rượu ở nhà thì chắc chắn cả đêm đó xóm hắn không tài nào ngủ được, bởi tiếng nhạc phát ra đinh tai nhức óc cả đêm. Ai cũng khổ sở, bực mình nhưng cũng chỉ biết chịu đựng vì sợ, không dám góp ý với hắn.

Cứ thế, hễ thấy hắn ở đâu là người ta lẳng lặng lảng ra. Họ sợ bị hắn vô cớ gây gổ, kiếm chuyện, hoặc cũng có thể người ta không thèm chấp với hắn, một “Chí Phèo” thời hiện đại của xóm “Cây bàng”.

Rồi hắn cũng lấy được vợ. Hôm đám cưới, hắn gửi thiệp mời đến những người hàng xóm lân cận. Nhưng rồi, đám cưới của hắn chỉ có vài người bà con và đám bạn cùng trang lứa đến tham dự. Riêng hàng xóm thì chỉ có vợ chồng chị đến dự. Thấy cảnh nhà hắn ngày cưới, vợ chồng chị lặng lẽ ái ngại nhìn nhau. Lòng chị bỗng dâng lên một niềm thương cảm khi nhìn thấy ánh mắt buồn buồn của hắn trong bộ veston chú rể... Sau ngày đó, vẻ như hắn lại càng bất mãn với xóm giềng, hắn luôn miệng chửi thề, văng tục. Rượu vào là hắn chửi, hắn chửi người, chửi đời, và sẵn sàng sinh sự với những ai lại gần, đôi khi chỉ với một ánh nhìn e sợ hay cái lắc đầu hắn cũng kiếm cớ gây sự. Nhưng lạ thay, hắn lại chừa gia đình chị ra, không kiếm cớ gây sự và như luôn giữ một khoảng cách, dè dặt mỗi lần chị cố gắng tiếp xúc.

Rồi vợ hắn mang thai, lúc sinh nở chị gói ghém lúc thì cân giò heo, lúc thì nải chuối, nhờ mạ hắn trao hộ. Nhưng rồi, lúc thằng cu đang bập bẹ tập nói vì không thể chịu nổi tính khí hung hăng thất thường của hắn nên sau một thời gian cố gắng, cô vợ đã bỏ đi biệt tăm. Rồi mạ hắn cũng từ giã cõi đời. Từ đó, hắn sống cô độc một mình. Hắn làm đủ mọi công việc từ bốc vác, thợ hồ đến lơ xe..., ai kêu gì làm nấy. Công việc bấp bênh, tiền chỉ đủ để đắp đổi qua ngày. Đến tối, hắn làm chai bia hoặc vài xị rượu đế. Hắn càng ngày càng sống biệt lập, xa cách với hàng xóm.

Hàng ngày đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về, thời gian đầu chị cũng ngại tiếp xúc với hắn lắm. Nhưng rồi hàng ngày nhìn cảnh hắn thui thủi một thân một mình, ra vô nơi căn nhà tuềnh toàng bừa bộn, đôi lúc chị cũng cảm thấy mủi lòng. Hắn xem chừng còn nhỏ tuổi hơn đứa em út của chị nữa, mặc dù mặt mày hắn luôn tỏ vẻ bất cần, kiểu như viên pháo chỉ cần ai châm là sẵn sàng nổ ngay.

Hai hôm nay nhìn qua chị không thấy bóng dáng hắn ra vào ngôi nhà, cũng như không thấy hắn khật khưỡng chửi thề như mọi hôm. Cảm nhận như có điều gì đó không ổn, chị đánh bạo qua ngõ nhà hắn. Qua khe ván hở, chị thấy hắn nằm thiêm thiếp trên tấm phản, trán ướt đẫm mồ hôi. Chắc hắn đang ốm rồi, nghĩ thế chị liền lên tiếng: “Cu Em ơi!”. Hắn hé mắt ra, giọng mệt mỏi: “Dạ, em đây, có việc chi không rứa chị?

Chị đẩy cửa bước vào, ngôi nhà xộc lên một mùi ẩm mốc khó chịu. Ngôi nhà không có bàn tay người phụ nữ tém vén nên bừa bộn, luộm thuộm. Nơi nào cũng có áo quần vứt bừa bãi lung tung. Dưới gian bếp vài chiếc nồi để vương vãi, tô chén chưa rửa nằm trong chiếc thau cáu bẩn. Ánh sáng lờ mờ hắt qua mấy khe ván hở càng làm cho ngôi nhà thêm ủ dột, tối tăm.

- “Em ốm à!

Hắn uể oải nhìn chị, trán đẫm ướt mồ hôi:

- “Dạ, em sốt hai ngày ni!”.

- “Rứa ăn uống, thuốc men chi chưa?!”.

Hắn khó nhọc lắc đầu.

Chị về nhà, nấu cho hắn tô cháo thịt bò thơm lừng mùi tiêu hành, còn nhờ chồng chạy đi mua một ít thuốc. Chị còn chu đáo khuấy một ca nước chanh, xong đâu đấy chị đem qua, giục hắn ăn. Hắn ngạc nhiên nhìn chị, rồi nhìn tô cháo nghi ngút khói thơm. Hắn lắp bắp muốn nói điều gì đó, nhưng rồi chỉ lí nhí nói lời cảm ơn chị. Chị mỉm cười:

- “Hàng xóm láng giềng với nhau mà em, ăn đi còn nghỉ ngơi cho chóng khỏe!”.

Trưa đó, chị giúp hắn quét dọn lại nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp. Lại còn cắm một bình hoa đặt bên cửa sổ, mua nải chuối đơm lên bàn thờ ba mẹ hắn, kêu chồng giúp hắn sửa lại hệ thống điện cho gọn gàng. Ngôi nhà giờ đây trông sáng sủa hẳn ra.

Hôm sau, mặt mày hắn đã tươi tỉnh lại, chị nhờ chồng xin cho hắn một chân làm bảo vệ nơi cơ quan của anh ấy. Hắn mừng lắm, và tỏ ra thật chăm chỉ, chịu khó. Từ một kẻ ăn chơi lêu lổng, nay sáng sáng hắn dậy sớm đi làm, chiều về nghỉ lấy sức mai đi làm tiếp. Những người hàng xóm không còn phải khó chịu vì những âm thanh huyên náo, không còn nghe những lời chửi thề. Hắn không còn gây gổ, quậy phá xóm làng nữa.

Khoảng vườn sau nhà bấy lâu nay bỏ hoang, cỏ dại mọc rậm rì, nay chiều chiều thấy xuất hiện bóng dáng hắn dọn dẹp, cày cuốc. Dần dần, thấy lú nhú xanh những mầm rau. Rồi những luống rau như luồng sinh khí mới, xua tan cái cô đơn, trống trải của ngôi nhà. Sáng sáng, người ta thấy hắn dậy sớm, vươn vai thể dục. Xong hắn tưới cây, quét dọn vườn tược. Những người hàng xóm giờ đây không còn xa lánh hắn như trước nữa. Họ chủ động bắt chuyện, trầm trồ, đôi khi còn thân mật hỏi hắn có bí quyết gì không mà trồng rau luôn mơn mởn thế. Hắn vui lắm. Thi thoảng còn bắt gặp hắn hát một mình. Tiếng hát lúc là những lời ca yêu đời, lúc ẩn chứa một nỗi buồn man mác, ánh mắt nhìn vào khoảng không gian xa xăm. Năm nay chắc có lẽ đứa con trai của hắn cũng sắp bước vào lớp 1 rồi!

Thật lạ, dần dần nhà hắn đã có bóng dáng bọn trẻ con đến chơi. Lúc đầu còn loáng qua, sau chúng nán lại lâu dần, chơi rộn ràng dưới gốc bàng rộng tán của nhà hắn. “Đãi khách”, thỉnh thoảng hắn còn cho lũ trẻ vài chiếc kẹo, đôi khi cao hứng còn bày trò đá banh, chơi căn cù với chúng. Khoảng sân nhà hắn giờ đây là điểm hẹn vui chơi của lũ trẻ và kéo dần hắn đến gần hơn bà con hàng xóm láng giềng lúc nào cũng không hay.

Còn chị, thỉnh thoảng nhà có món gì ngon, chị lại sai con bưng sang mời hắn. Đi chợ thỉnh thoảng chị mua cho hắn cân cam, miếng mít, có khi chị còn mua tặng hắn chiếc áo nhân ngày sinh nhật hắn. Chả là khi làm hồ sơ xin việc cho hắn, chị ghi nhớ ngày hắn được mẹ sinh ra. Lần đó, hắn tỏ ra cảm động lắm. Hắn cúi đầu, không giấu niềm vui bất ngờ:

- “Chị ơi, lần đầu em được nhận quà trong ngày sinh nhật của mình đó chị!”.

Mỉm cười, chị nhìn hắn:

- “Ừ, chị coi em như em trai của chị vậy!”

Chiều nay cuối tuần, chị tranh thủ vun lại mấy chậu bông trong vườn. Bỗng thấy hắn đi tới, khệ nệ bưng một chậu hoa nhài đang trổ nụ. Hắn cười thật tươi:

- “Em biết chị thích trồng hoa nên dọc đường thấy người ta bán, em mua tặng chị đó. Chị ơi, hôm nay em được nhận tiền lương tháng này rồi! Em biết ơn anh chị nhiều lắm!”.

Nhìn theo bóng hắn, chị thấy lòng nhẹ nhõm thật nhiều. Chị biết, món quà hôm nay hắn mang tặng chị, đó không chỉ đơn thuần là một chậu hoa, mà chị tin lòng hắn cũng đang dần trổ những bông hoa thiện lương trong tim mình. Mỉm cười, chị cúi xuống những đóa hoa đang khoe sắc góp phần làm đẹp thêm xóm “Cây bàng” bình yên.

Trang Thùy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Lan tỏa giá trị sống bằng tình yêu ẩm thực

Đứng lớp dạy nấu ăn cho những người yếu thế trong xã hội, hay khi hướng dẫn cho các chuyên gia tìm hiểu về ẩm thực Huế, chị Lê Thị Thanh Hương (TP. Huế) luôn làm việc bằng một tình yêu say mê với ẩm thực. Không chỉ tận tâm giúp những người có hoàn cảnh thay đổi chất lượng cuộc sống, chị Hương còn tích cực lan tỏa văn hóa ẩm thực của quê hương đến với bạn bè quốc tế.

Lan tỏa giá trị sống bằng tình yêu ẩm thực
Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm

Trên những cánh đồng lộng gió mùa hè, một số nơi nông dân tranh thủ gặt lúa, gom lúa, trực canh lúa. Không khí mùa màng khi đêm về náo nức, rộn ràng không kém ban ngày.

Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm
“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

TIN MỚI

Return to top