ClockChủ Nhật, 12/11/2023 12:19

Như một giấc mơ

TTH - Hắn khóc, những giọt nước mắt nóng hổi cứ lăn dài trên má, lòng hắn đang lâng lâng một thứ cảm xúc thật khó tả.

Người thay thế

Người đời vẫn nói: “Mỗi lần khóc là một lần đau”. Từ lúc cha sinh mẹ đẻ, hắn không nhớ nổi mình đã khóc bao nhiêu lần nữa, khóc vì đói, vì rét, vì bị ngã đến sứt đầu mẻ trán,... Thế nhưng cái lần hắn khóc vì “đau” thì cả đời này hắn sẽ chẳng bao giờ quên.

- Nín đi, nín đi, bác xin mày đấy, mày nín đi!

 

Hắn cuống quýt khẩn cầu thằng Tí nhưng nó vẫn khóc toáng lên. Thằng bé chừng 4 tuổi, nó là con của em trai hắn. Bố mẹ nó vừa ly hôn, thằng anh ở với mẹ, thằng em đi theo bố. Bố nó thì làm gì có nhà có cửa, nương náu nhà vợ giờ bị mẹ nó đuổi đi, đành bế theo con cùng cái vali quần áo bắt xe khách mấy trăm cây số mà về quê. Ừ, thôi thì về với bà và bác. Tuy nhà cửa chẳng ra hồn gì nhưng cũng có cái chỗ mà nương thân. Từ lúc về quê, thằng Tí cứ khóc mãi. Hôm ấy thằng em bế con về nhà, cái tướng nó vốn khắc khổ nay lại thêm vẻ tiều tụy, mệt mỏi, đôi mắt nó thâm quầng, khuôn mặt sầm sì trông đến tội. Mẹ già thấy vậy, khóc toáng lên:

- Ôi trời ơi, sao lại thế này?

Thằng em ậm ự, tiếng nói mắc nghẹn:

- Vợ tôi nó bỏ tôi rồi, nó đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi đem thằng Tí về bầm và anh trông nó giúp để tôi còn đi kiếm tiền nuôi nó.

- Trời đất ơi, sao cháu tôi lại khổ thế này.

Bà lão đón lấy cháu khóc nấc lên, rồi ngồi thụp xuống thềm. Thằng bé cũng vì thế mà khóc càng to hơn.

- Bầm đừng trách mẹ nó nữa, lỗi là do tôi, tôi nghèo, tôi hèn, tôi đáng bị như vậy!

Vài hôm sau, thằng em có đưa cho mẹ già một chút tiền dặn dò ở nhà chăm sóc thằng Tí, nó đi làm xa một thời gian có tiền sẽ gửi về ngay. Từ hôm đó, đêm nào thằng bé cũng khóc, tiếng khóc đến nhói lòng. Bà già vốn xấu tính, thấy thằng bé khóc lại càu nhàu, khó chịu, thế là nó lại càng khóc to hơn. Hắn bối rối không biết phải làm gì để an ủi thằng bé. Có hôm hắn ôm thằng bé vào lòng, khẽ vuốt tóc nó, một lúc thì nó nín. Những khi ấy lòng hắn bỗng thấy ấm lạ lùng và nhịp tim cũng trở nên rộn ràng hơn.

Từ nhỏ hắn đã quen với cuộc sống nghèo khổ. Trong mớ ký ức mờ nhạt, hắn nhớ ngôi nhà hắn ở luôn xiêu vẹo, mọi thứ như xô nghiêng theo điệu cười ngặt nghẽo của bố hắn. Bố - người luôn mỉm cười ngô nghê mỗi khi nhìn con, người mà mỗi khi con khóc thì vẫn chỉ biết ngạo nghễ cười. Đúng là trời không lấy hết của ai cái gì, hắn cứ thế mà lớn lên, không ốm đau, bệnh tật, có ngã cũng không ai dỗ dành, khóc chán rồi sẽ nín. Với hắn, hơi ấm tình thương của bố mẹ vốn là một cái gì đó rất xa xỉ, vượt quá sức tưởng tượng của hắn. Vì thế nên ngoài 30 rồi nhưng hắn đích thị là một thằng bé to xác, hay người ta vẫn quen miệng gọi là thằng Nam ngố.

Một ngày nọ, hắn không thấy thằng Tí khóc nữa, nhưng đôi mắt nó đờ đẫn, môi thâm lại, người nóng ran. Chị Yến - y tế thôn hốt hoảng:

- Sao lại để thằng bé sốt thế này, gọi xe đi viện ngay!

- Nhưng, nhà tôi không có điện thoại, gọi xe ở đâu?

- Ối giời ơi là giời, để tôi gọi cho, mau chuẩn bị đồ đạc, mang tiền theo nữa.

Bà lão luống cuống moi đồng hai trăm nghìn cùng vài đồng tiền lẻ nhàu nhĩ trong chiếc túi dắt ở cạp quần ra đưa cho hắn.

- Đây, tao mua thức ăn, mua sữa còn mỗi đồng này thôi.

Hắn nhận lấy mấy tờ tiền mà lòng hụt hẫng. Thật lòng chị Yến bảo cầm theo thì hắn cầm thôi chứ quả thật hắn đâu biết lo toan gì.

- Bấy nhiêu thì không đủ tiền xe chạy từ đây xuống huyện, chứ nói gì... Thôi được rồi, xe đến rồi, tôi đưa đi. Giọng chị Yến bực bội.

Thật tình, lắm lúc bà con lối xóm cũng phát bực với nhà hắn. Họ dễ nổi cáu, mắng mỏ kèm mấy lời nói hơi chua ngoa, nhưng mỗi khi khó khăn, hoạn nạn thì họ vẫn một lòng giúp đỡ. Lại nói, năm nào cũng vậy cứ mỗi độ rà soát hộ nghèo, nhà hắn luôn đứng đầu trong danh sách, nhiều người mỉa mai, châm chọc. Thành ra hắn rất ngại những nơi đông người, ai nhìn hắn thì hắn cũng đều nghĩ hình như họ đang cười nhạo mình. Thế nhưng hôm nay, hắn đang đưa cháu đến bệnh viện, hắn sợ hãi không biết phải làm gì. Có nhờ hàng xóm gọi điện cho bố nó nhưng không liên lạc được.

- Thằng bé bị viêm phổi cấp, suy hô hấp rồi, cấp cứu ngay, sao lại để con đến nông nỗi này! – Nữ bác sĩ nhìn hắn với vẻ bất lực.

Người hắn run lên cầm cập, hắn khóc, hắn thấy lo cho thằng Tí quá. Lại một lần nữa hắn cảm nhận được sự khốn cùng của nghèo khó. Đúng là làm gì cũng cần tiền và sự hiểu biết. Nếu không có chị Yến, một bà chị họ xa lắc xa lơ, một người tuy nóng nảy nhưng tốt bụng giúp đỡ thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Hôm thằng Tí xuất viện về nhà, bà lão lu loa:

- Chị ơi, nhà tôi đội ơn chị, tiền chị lo viện phí cho thằng Tí, khi nào bố nó gửi về tôi sẽ trả cho chị ngay!

Chị Yến không nói gì, thở dài vẻ bất lực. Chị nhỏ nhẹ nói với hắn:

- Chị bảo, tiền ấy không cần trả chị đâu nhé, chị cho thằng Tí, chị thương nó quá. Hai anh em nhà mày cố gắng mà bảo ban nhau làm ăn đi, chứ thấy cảnh nghèo nó có khổ, có nhục không?

Nói rồi, chị lặng lẽ ra về. Tai hắn ù đi nhưng từng lời nói của chị Yến lại như xoáy sâu vào tận cõi lòng. Cõng thằng Tí trên lưng, hắn cứ đi đi lại lại quanh sân. Hắn đang nghĩ, phải có lẽ là suy nghĩ, lần đầu tiên hắn nghĩ và nhất định phải nghĩ.

- Bác, Tí đói rồi! Giọng thằng bé nũng nịu.

- Ừ, bác lấy sữa Tí uống nhé!

- Thôi, lát Tí uống, uống nhiều lại hết mất.

- Cứ uống đi, hết lại... mua!

Lòng hắn bỗng thắt lại. Mua ư, lấy gì để mua đây? Ngày trước mỗi mùa gặt, người ta còn thuê hắn gánh lúa, chứ giờ máy gặt xuống tận ruộng, chỉ việc mang thóc về nhà phơi, ai người ta còn thuê. Sắp đến mùa thu hoạch sắn rồi, mà năm nay nắng nhiều, sắn mất mùa, ai người ta thuê nhổ sắn nữa. Mà người ta có thuê như dạo trước thì cũng chỉ đủ tiền đong gạo và mua ít cá mắm về ăn chứ có làm được gì đâu. Hắn lại thấy bế tắc. Thằng Tí uống sữa xong thì ngủ thiếp ngay trên vai. Hắn đặt nó nằm trên giường, nhìn thằng bé ngây thơ ngủ đến là thương. Phải rồi, thằng Tí không thể lê la, bò toài, gặm củ sắn, củ khoai để mà sống qua ngày như bác và bố nó khi xưa được, cuộc đời của nó phải khác.

Hắn vội vã đạp xe đến nhà chị Yến, nhìn thấy hắn chị Yến hốt hoảng:

- Sao thế Nam, lại có chuyện gì à?

Hắn khẽ lắc đầu:

- Không phải, là… là…!

- Mày nói rõ cho chị nghe!

- Chị biết chỗ nào kiếm người làm thì chị bảo tôi, giờ không ai thuê tôi gánh lúa nữa, tôi không biết phải làm gì.

Chị Yến cười phào một cái như trút được gánh nặng:

- Chú mày nhớ nhé, cố gắng lên, làm phải cho ra làm, lần sau người ta lại thuê, ai cười thì mặc, cứ đang làm mà bỏ về là họ không trả tiền cho đâu nhé!

Nghe chị Yến nói chuyện, các bác lãnh đạo thôn ai cũng phấn khởi. Bác trưởng thôn dõng dạc nói:

- Có mô hình giảm nghèo hỗ trợ bò sinh sản, tôi lại đăng ký cho nhà nó một suất vậy. Nhưng mà phải theo dõi, hướng dẫn cho gia đình chăm sóc bò, sao cho nó sinh sôi và phát triển.

Bác bí thư chi bộ cũng phấn khởi:

- Tôi vừa gọi điện cho anh Hưng bên đoàn thanh niên, anh bảo dự án trồng cây dược liệu của anh ấy đang triển khai, cần thuê vài người làm cỏ, gieo hạt, chăm sóc. Cứ chịu khó làm anh sẽ trả công đầy đủ, làm được thì mai đi làm luôn.

Chị Yến mừng rỡ: - Vậy thì tốt quá ạ, trăm sự nhờ các bác!

***

Gần 40 tuổi, nhưng lần đi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản lại là lần đầu tiên hắn được đến lớp. Buổi tập huấn có cán bộ nông nghiệp tận trên tỉnh về hướng dẫn, vì không biết chữ nên hắn không thể đọc tài liệu cũng như ghi chép, hắn chỉ biết cố gắng quan sát thực hành. Bác trưởng thôn biết vậy nên cũng nhẹ nhàng động viên: “Cứ chú ý cô giáo hướng dẫn xem cách làm như thế nào, chỗ nào không biết thì cứ hỏi bác nhé”.

Phía cậu Hưng đoàn thanh niên cũng tận tình chỉ bảo, hắn nghe lời nên cặm cụi làm, nhìn những cây dược liệu lớn lên mỗi ngày, rồi đến mùa thu hoạch mà lòng hắn bỗng thấy xôn xao hạnh phúc. Vui hơn cả là cậu Hưng thấy hắn chăm chỉ làm lụng nên có thưởng thêm tiền.

Thằng Tí cũng ngày một lớn hơn, nó đã quen với cuộc sống ở quê. Chiều nào hai bác cháu cũng đi chăn bò, cắt cỏ vui ơi là vui. Chị Yến và các bác lãnh đạo cũng thường xuyên nghé qua thăm nhà hỏi han, hướng dẫn, chỉ bảo tận tình. Vì thế hắn cảm thấy yên tâm hơn, bệnh ngố người cũng được cải thiện phần nào.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, bẵng cái đã mấy năm, hắn đã bán được mấy lứa bê con. Thằng Tí giờ đã sắp tốt nghiệp tiểu học, bố nó sau mấy năm đằng đẵng làm thuê cũng tích cóp được chút tiền về sửa lại căn nhà kiên cố hơn. Còn hắn, sau nhiều lần vụng về, thì giờ hắn đã thạo việc cấy lúa, trồng rau, chăn bò, biết lo cái để mà ăn, mà mặc. Và hơn cả hắn hiểu được giá trị của sức lao động.

Hôm nay, trong ngày vào nhà mới, các bác lãnh đạo có đến dự tặng quà chung vui cùng gia đình hắn. Hắn chỉ biết rưng rưng xúc động, nước mắt cứ thế lăn dài.

Trần Tú
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng

TIN MỚI

Return to top