Đời người đàn ông có mấy việc nhất định kinh qua mới trưởng thành: Cưới vợ, tậu trâu, làm nhà. Đâu đó, ông đọc được chân lý xa xưa này. Nhưng ông lại chẳng ngờ rằng từng tuổi ấy, một lần nữa ông phải đối mặt với từng thứ vật liệu, bản vẽ, bày trí sắp xếp sao cho vừa vặn với số tiền còn sót lại của một cặp vợ chồng già. Quên, còn có đứa trẻ con tuổi vừa lên chín nữa chứ.
Cơn ác mộng bắt đầu vào một cuối chiều, con gái ông bước vào nhà với bộ dạng của một kẻ chiến bại. Thả người xuống cái sa lon cũ kỹ ở phòng khách, Ngân mặc kệ thằng con trai. Ông chỉ nghĩ con gái mệt mỏi, cho tới khi nghe thằng cháu ngoại kêu lên:
- Ơ mẹ khóc nhè à? Ai làm gì mẹ đấy? Hay là mẹ hư?
Những lời ngây ngô của thằng bé dường như khiến cho nước mắt Ngân cố kiềm nén nãy giờ bật ra, nức nở. Ông vội vàng hỏi han con:
- Đã xảy ra chuyện gì? Bình tĩnh nói ba nghe xem nào?
Ngân không trả lời câu hỏi ấy của ông. Hôm đó, và cả sau này, vợ chồng ông lẫn bà con nội ngoại đều không ai được biết, thực hư vấn đề ở chỗ nào. Ăn xài ư? Không ai có thể chi tiêu chừng đó tiền nhanh như vậy. Huống gì con gái ông cũng chẳng sắm sửa vật dụng hay ham hố chơi bời gì cho đáng. Bị lừa ư? Tình hay tiền, hay cả hai? Trên mạng hay ngoài đời thực? Bài bạc cá độ các kiểu ư? Cả tin bị người ta qua mặt, nên sập bẫy vay mượn? Không! Đứa con gái duy nhất của vợ chồng ông máu liều ít lắm, chẳng có tính đỏ đen, tham vọng cũng tầm thường. Vậy thì tại sao?
Rất nhiều đêm trong khoảng thời gian dằng dặc đó ông mất ngủ. Gặng mãi, nó vẫn chỉ lòng vòng là hùn hạp làm ăn bị thua lỗ, nên phải vay mượn để trả, cuối cùng lún sâu vào, không có cách nào thoát ra. Ông chỉ biết duy nhất một điều, là con ông thiếu nợ người ta. Nhiều lắm. Vài trăm triệu là cả gia tài dành dụm dưỡng già của vợ chồng ông. Nhưng rồi cũng đành mang ra để cứu lấy đứa con gái độc nhất. Đâu ngờ, đó chỉ là khởi đầu cho chuỗi ngày đằng đẵng phía sau. Ông điếng người lúc nhận ra, phía trước tăm tối hơn ông tưởng. Giống như một chiếc xe tuột dốc không phanh, con Ngân chẳng còn có điểm dừng nữa. Nó vẫn cứ vòng vo.
Nhà ông tan nát cạn kiệt. Nội ngoại bàn tán xầm xì. Ai làm thì nấy chịu trách nhiệm, hà cớ gì đổ lên đầu cha mẹ. Sao có thể cưu mang mãi được. Giải pháp bán nhà được đưa ra. Đành vậy. Hy vọng một lần dứt điểm sẽ giúp con ông thoát hẳn kiếp nạn của nó, cũng là để cả nhà có thể ngủ một giấc bình yên.
Ông bà chỉ có mỗi một đứa con gái. Sau này trăm tuổi thì cũng là dành cho con. Thôi thì coi như con hưởng trước, tạm ứng khoản thừa kế kia, mai này hết rồi, khỏi nghĩ ngợi. Chỉ là, ông vẫn không cam lòng. Câu hỏi “vì đâu” luôn lảng vảng. Từ bé, con gái vốn chăm học, siêng năng việc nhà, hiếu thuận. Ông thật không nghĩ ra…
***
Thị xã nhỏ, nằm cách thành phố lớn nhất của phương nam hơn một giờ ngồi xe đò. Thế mà khác hẳn. Vắng vẻ, bình yên vô cùng. Tận tuổi này, ông bỗng nuốt một mình cảm giác cay đắng, thừa thãi, vô dụng. Bị động. Không nhà cửa công việc. Cả thế giới đang quay lưng lại với ông chăng? Như lúc ông cầm quyết định hưu sớm trên tay, thấm thía nỗi đột ngột. Không ai đuổi ông, một biên tập viên kỳ cựu, cũng như các anh em khác trong tòa soạn. Nhưng việc hết rồi, khi cái tờ tuần san do cả tập thể nâng niu đã ngừng xuất bản. Ông dành cả buổi lang thang quanh thành phố, trước khi quyết định rời khỏi. Thật ra ban đầu chỉ là tâm lý chạy trốn của bước đường cùng.
Khi ngồi một mình với mảnh vườn còn bề bộn, ông bỗng ngẫm ngợi ra nhiều điều. Gần bốn mươi tuổi, con gái ông lần đầu dọn ra ngoài ở thuê cùng chồng. Hãy để nó tự đi trên đôi chân mình, sau lần vấp ngã dúi dụi này. Ông xót đứt ruột nhưng cũng đành im lặng. Vợ chồng ông cũng phải dắt díu nhau về quê, mang theo cả đứa cháu ngoại. Mới tháng trước ông vẫn tiếp tục đi làm ở thành phố, mỗi cuối tuần đón xe đò về nhà. Hàng ngày thì ở nhờ bà con, gần bên căn nhà cũ giờ đã đổi chủ… Ông gầy sọp đi vì cơm hàng cháo chợ cộng thêm lo nghĩ. Bà muộn phiền bạc trắng cả đầu. Vợ chồng cuối đời xa cách, những buồn vui đành nhờ vào diện thoại. Cảnh nhà ly tán, hiu hắt. Ông tự hỏi, mình cả đời đã sai ở đâu…
Trên góc vườn nhỏ vừa được người anh vợ thương tình nhường lại, mọi thứ đều còn đơn sơ, cần được chăm chút. Mà ông thì, đâu còn tuổi trẻ để có thể cùi cụi làm cỏ, đào mương, sửa mái… Ngay cả việc kiếm tiền trang trải hàng ngày cũng là quá khó rồi. Cậy hết vào lương hưu. Điều an ủi là, vợ chồng ông đều mê thích cái vườn, dành rất nhiều tâm trí và cả mơ mộng cho nó.
Lúc xưa, ông bắt rể, cả nhà sống trong căn nhà phố rất nhỏ ở một quận vùng ven, nhưng cũng tạm gọi là êm ấm. Thế mà chỉ trong nháy mắt, cuộc đời bể dâu khôn lường. Ông tưởng tượng, có một người quen nào đó, bạn cũ đi xa về chẳng hạn, tới tìm ông. Lạ lẫm khó tin khi biết căn nhà mới đây đã đổi chủ. Ký ức đời người nhoáng cái mà thay đổi. Đừng ai hỏi câu “mãi mãi là bao lâu” để làm gì…
Ngang qua nghịch cảnh mới hiểu lòng người. Ông nhớ cuộc nói chuyện riêng tư giữa ông và cậu con rể vài tháng trước, lúc nó dọa sẽ ly hôn vợ. Hôm ấy, con rể ông đã bật khóc, khẳng định là chỉ muốn Ngân dứt dạt hẳn mọi góc khuất của cô ấy. Không ai nói thêm nhiều lời, đúng như cái cách giữa hai người đàn ông với nhau. Ông cảm ơn con rể, tin rằng những âu lo trong lòng mình đã quá thừa thãi rồi.
Con gái ông vừa bước vào cổng nhà. Cứ cách vài tuần, nó lại về thăm bố mẹ và con trai một lần. Trộm vía, thằng bé vốn quen sống với ông bà ngoại từ nhỏ, nên không quá bám mẹ. Ngôi nhà cấp bốn rộng rãi lợp ngói ở quê giờ có cặp vợ chồng già ra vào, thêm một đứa trẻ mỗi sáng mỗi trưa được ông ngoại đưa đón. Vợ ông hái rau tập tàng ngoài vườn vào nấu canh tôm. Cá, tép dễ mua, tươi rói, ngọt lành. Âu cũng là cái duyên an hưởng, sau cả mấy thập niên dài cả nhà ở phố chợ, chen chúc hẻm nhỏ, sắm sanh nấu nướng món gì cũng sợ độc, sợ thuốc, sợ ung thư.
Thôi thì trong cái rủi cũng có cái may bàn tay. Chi bằng ta cứ bình thản mà đón nhận. Từ ngày nghĩ được như vậy, ông thấy mình bớt đau khổ. Ông còn có thể động viên ngược lại vợ. Ông cũng không còn giận con. Chắc đều là phần nghiệp của nó phải trả. Cuối cùng cũng xong.
Ông ngước lên nhìn trời. Đêm tháng mười một nhiều sao, bình yên đến lạ lùng.
HOÀNG MY