ClockThứ Hai, 10/07/2017 13:51

Những kỷ niệm với nhà thơ Hải Như

TTH - Nhà thơ Hải Như tên thật là Vũ Như Hải, sinh ngày 23/8/1923, quê ở Nam Định. Ông được độc giả nhiều thế hệ biết đến là một nhà thơ mà tên tuổi đã gắn liền với những bài thơ viết về Bác Hồ.

Chiều thứ 6, ngày 30/6, tôi nhận được tin nhắn từ KTS. Vũ Như Hạnh: "Nhà thơ Hải Như từ trần lúc 7h30 sáng nay..." khi đang viết bài về tạp chí Nam Phong nhân kỷ niệm 100 năm. Đó cũng là lý do chậm trễ của bài viết này. Rất mong được thân nhân của nhà thơ thứ lỗi.

Nhà thơ Hải Như

Nhà thơ Hải Như tên thật là Vũ Như Hải, sinh ngày 23/8/1923, quê ở Nam Định. Ông được độc giả nhiều thế hệ biết đến là một nhà thơ mà tên tuổi đã gắn liền với những bài thơ viết về Bác Hồ. Có lần ông tâm sự cùng tôi: "Đề tài Bác Hồ là vô tận, nhưng tôi mới sáng tác được khoảng bốn mươi bài".

Phần lớn nhà thơ của Việt Nam trưởng thành sau năm 1945 đều có tác phẩm ngợi ca Bác Hồ kính yêu. Nhưng viết nhiều, hay, với một phong cách riêng, và nhất quán, có lẽ chỉ có một Hải Như. Khi viết về Bác Hồ, Hải Như không phong thánh lãnh tụ, vì theo quan niệm của ông thì lãnh tụ trước hết cũng là một con người rất gần gũi với quần chúng. Và ông đã rất thành công khi "kéo" lãnh tụ về với đời thường bình dị. Hình ảnh Bác Hồ hiện lên thật giản dị trong thơ Hải Như. Sự vĩ đại của Người thể hiện qua những chi tiết nhỏ bé, đời thường. Những chi tiết nhỏ ấy đã thể hiện vẻ đẹp của tâm hồn, nhân cách con người Hồ Chí Minh. Ví dụ: Là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn nhưng khi mọi người gọi Bác là nhà thơ thì Bác lại rất khiêm tốn, hóm hỉnh:

Làm nhà yêu nước đủ rồi. Bác cảm ơn!

Đừng bắt Bác “cõng” thêm nhà thơ

Người cười vui: Bác mệt.

Quen thân Hải Như từ lâu nhưng cứ mỗi lần gặp gỡ, trò chuyện, giữa ông và tôi lại nẩy ra một cuộc "đối thoại" văn học cởi mở, với nhiều tình tiết bất ngờ, thú vị. Tôi đã "lẩy" từ những câu trả lời bất ngờ ấy để làm đầu đề cho các bài viết của mình. Là tác giả thơ - ca từ của khá nhiều bài hát nổi tiếng, trong đó có những bài đã trở thành "địa phương ca", hay "nhạc hiệu" của một số chương trình trên các Đài Phát thanh quốc gia và địa phương (tiêu biểu nhất là Thành phố Hoa phượng đỏ, Cả Hà Nội hành quân, Chuẩn bị sẵn sàng đi chiến đấu), khi tôi hỏi về những bài thơ "trả nợ" quê hương Nam Định, những bài thơ viết về các vùng đất đã từng qua, ông không coi đó là những bài viết theo đơn đặt hàng, mà đưa ra chính kiến: "Nhà thơ phải tự đặt hàng cho chính mình".

Trong bài phỏng vấn: Nhạc và lời - nhạc sĩ và thi sĩ, tôi hỏi: "Cho đến nay, ông đã được bao nhiêu nhạc sĩ phổ thơ"? Ông đề nghị tôi nên đưa ra câu hỏi "giữ giá cho nhà thơ". Ví dụ như: "Nhà thơ đã dùng tên chung tác giả với bao nhiêu nhạc sĩ". Vì lâu nay ít ai nghĩ thơ cất cánh cho nhạc, thơ gây men tạo chất xúc tác cho nhạc...

Mùa thu năm 2000 tôi có việc vào TP. Hồ Chí Minh, trước khi trở về Huế tôi đến thăm ông tại nhà riêng ở đường Lê Văn Sĩ. Tôi ngạc nhiên vì khác với thông lệ, ông đang chuẩn bị lên Đà Lạt với mấy người bạn cao niên đều là dân Hà Nội vào miền Nam sinh sống. Tôi hỏi: "Tại sao anh không trở về Hà Nội khi ngoài ấy đang tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 990 năm đất rồng bay"? Ông hóm hỉnh: “Muốn về lắm chứ, nhưng bọn mình đã nghỉ hưu từ lâu, do đó chỉ được phép đi xa khi được... mời”!

Nói vậy mà không phải vậy. Tôi đã đọc bài Thăng Long nghìn tuổi đang xanh lại rồi của Hải Như, đăng trên báo Tiền Phong xuân 2000, được nhạc sĩ Hoàng Đạm chọn làm ca từ cho bản hợp xướng không nhạc đệm. Đều từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh sống và làm việc sau năm 1975 nhưng hai tác giả Giáo sư - nhạc sĩ Hoàng Đạm và nhà thơ Hải Như luôn luôn ý thức mình là công dân thủ đô. Hai người bạn cao niên này muốn được đóng góp vào chương trình âm nhạc của Hà Nội nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cận Tết dương lịch năm ấy, tôi lại có công chuyện vào TP. Hồ Chí Minh. Dự tính ghé thăm ông thì đầu dây bên kia ông cho biết: "Tôi đang ở Hà Nội vì “nhớ rét”...". Thế là ông đã “về nguồn”. Chắc chắn rằng không khí của Hà Nội những ngày này sẽ gợi cho ông những cảm hứng mới về thủ đô Hà Nội, về “Thăng Long ngàn tuổi đang xanh lại rồi”. Trong ông vẫn còn “lửa” sáng tác. Ở TP. Hồ Chí Minh nhưng thường xuyên ý thức là công dân thủ đô và sáng tác về đề tài Hà Nội vẫn là cảm hứng thường trực đã lý giải tình yêu Hà Nội của nhà thơ Hải Như. Hơn một lần tôi đã nghe ông tâm sự: “Càng đi xa càng thấy Hà Nội đẹp và yêu Hà Nội hơn". Xa Hà Nội càng yêu Hà Nội là đầu đề của bài tôi viết về ông dịp ấy.

Vào vòng chung kết World Cup 2002 tôi gặp ông từ TP. Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng. Thật đáng nể, bước sang tuổi 80 mà ông vẫn đi và vẫn viết đều đều. Tôi đã gặp ông vài ngày trước đó trên báo Nhân dân với bài thơ viết về bóng đá, ca ngợi các cầu thủ Sénégal, những chàng lính mới lục địa đen đã hạ gục đương kim vô địch Pháp. Thế là tôi có một bài viết về ông với đầu đề là "Hai hiệp phụ của một nhà thơ". Một nhà thơ U80 vẫn sắc sảo, vững chãi để đá nhiều hiệp phụ khác.

Năm 2012, ra Hà Nội, tình cờ vợ chồng ông và tôi ở cùng khách sạn Thanh Niên, cạnh báo Tiền phong. Ngay trong ngày đầu tiên gặp nhau tôi lại có bài "Chinh phục độc giả không chỉ một thời". Đó là quan niệm của riêng ông về những giá trị đích thực của văn học - nghệ thuật trong bối cảnh các giải thưởng đang gây nhiều tranh cãi.

Khi chưa nghỉ hưu, năm nào tôi cũng gặp ông ở Huế, hoặc ở Đà Nẵng, trên hành trình từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, hoặc ngược lại. Ông thường gọi đó là những chuyến “về nguồn”. Trên hành trình “về nguồn” ông thường “lang thang” đó đây để tìm gặp bạn tri âm, tri kỷ, tìm cảm hứng cho những sáng tác mới. Mấy năm "cầm" trang văn hoá văn nghệ của báo Thừa Thiên Huế, mỗi lần ghé qua ông đều có thơ gửi cho tôi. Mỗi lần chỉ gửi một bài nhưng bài nào cũng hay và thích hợp với tờ báo của Cố đô Huế. Trong số đó, cho đến nay tôi vẫn thích nhất là bài Tiếng dạ quê hương và bài Gửi lại chợ Đông Ba. Bài Gửi lại chợ Đông Ba chưa in trong các tập thơ của Hải Như nhưng nhờ đọc bản thảo mà cho đến nay tôi vẫn thuộc:

Anh gọi sông Hương là con sông Nhớ

Chợ Đông Ba anh gọi chợ chờ

Anh đến Huế buổi đầu ngắn ngủi

Bị lạc đường bởi chiếc nón bài thơ.

...Những đêm Huế sông Hương thành sông nhớ

Chợ Đông Ba thành điểm hẹn chờ em

... Mai xa Huế Huế ơi hôn tạm biệt

Hôn mắt huyền giấu sau nón bài thơ.

 (Gửi lại chợ Đông Ba)

Qua tiếng dạ hiện lên hình đất nước

Tiếng dạ như những giọt đàn ai đó ta mê

Xin thú thật trong phút đầu bắt gặp

Ta lo hoài em đánh mất hồn quê.

 

Nghe em dạ anh soi vào đôi mắt

Đôi mắt sinh viên đêm trước xuống đường

Những đêm hát cho đồng bào nghe ấy

Ta đắm hồn trong tiếng dạ quê hương.

(Tiếng dạ quê hương)

Thanh Tùng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng đáng là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, chiều 18/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức buổi tọa đàm gặp mặt cán bộ Mặt trận tỉnh qua các thời kỳ.

Xứng đáng là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân
Return to top