ClockChủ Nhật, 13/08/2023 14:05

Ông Tú

Con mèo đen

- Đừng đi qua đó, tao cảnh báo trước rồi đó.

- Mày sợ gì chứ. Hằng ngày bọn mình vẫn đi qua con đường đó có sao đâu.

- Ừ. Nhưng hôm nay thì có sao đấy. Mày chưa biết gì hả?

- Biết gì?

 - Thì ông Tú… tù đó! Ông ấy mới đi tù về. Mẹ tao dặn đừng có lại gần ông ấy. Nếu không…

- Nhưng ông ấy cũng là người mà. Tao tin ông ấy không đáng sợ như mọi người nghĩ đâu.

Mặc cho thằng Lập ngăn cản với đủ lý do thì Tân vẫn mạnh dạn bước trên con đường bờ ruộng nhỏ hẹp quen thuộc dẫn lối vào dưới bóng cây hồng bì già giáp cánh đồng. Đây là địa điểm mà Tân và hội bạn vẫn thường lui tới mỗi khi đi chăn bò, nhiều nhất vẫn là mùa hè, thời điểm cây hồng bì vào mùa rộ quả. Mỗi ngày, sẽ có một đến hai đứa được giao nhiệm vụ hoặc ngồi dưới gốc cây, hoặc vắt vẻo trên cành cây canh giữ an toàn cho cây suốt mùa quả chín.

leftcenterrightdel
 

Sáng nay, đến phiên thằng Tân làm nhiệm vụ. Vẫn như thường lệ, nó thoăn thoắt bước từng bước dài, miệng cười tí toét, bụng hí hửng mừng thầm khi nghĩ đến những chùm hồng bì căng mọng, chua thanh ngòn ngọt sắp sửa vào mùa thu hoạch. Mải nghĩ đến thức quà mà cả bọn dày công canh quản, Tân quên cả lời cảnh báo của thằng Lập khi nãy. Cho tới khi chân bước hụt, cả người nằm bất động trên mặt ruộng nước loang loáng, nó kêu lên một tiếng “Á…!” rồi loay hoay không biết đứng dậy thế nào. Đang lúc mặt mũi dính đầy bùn đất, cố gượng dậy chưa xong, bỗng đôi bàn tay chắc nịch nhấc bổng nó lên rồi nhẹ nhàng đặt nó ngồi xuống bãi cỏ mềm. Một giọng nói ồm ồm cất lên:

- Cháu nhắm chặt mắt lại. Để ông rửa sạch bùn cho đã. Tân nghe giọng là lạ thì lập tức trong lòng phỏng đoán đấy chính là ông Tú mà thằng Lập đã nói. Mắt nhắm tịt nghe lời nhưng Tân vẫn không quên tò mò hỏi:

- Ông ơi, ông có phải là ông Tú không ạ?

Người đàn ông, tay vục nước từ dưới ruộng lên rửa mặt, rửa chân tay cho Tân, lát sau mới chậm rãi đáp:

- Sao cháu biết tên ông?

- Dạ cháu nghe bạn cháu nói nên cháu đoán ạ.

Người đàn ông không nói lại, chỉ cười thành tiếng rồi vui vẻ bảo Tân:

- Được rồi. Bây giờ thì cháu có thể mở mắt ra.

Tân hấp háy đôi mắt rồi từ từ mở ra. Dù hai mắt vẫn còn cay xè vì bùn đất nhưng nó vẫn nhìn rõ hình ảnh người đàn ông ngồi trước mặt mình. Dáng người cao to lực điền, đầu trọc nhẵn, khuôn mặt già đanh khô quắt. Đôi mắt của người đàn ông chằm chằm nhìn Tân khiến thằng bé ban đầu có hơi run sợ nhưng sau đó thấy ông mỉm cười trìu mến, ân cần hỏi han thì nó lại cảm thấy không hề sợ sệt nữa.

 - Cháu cảm ơn ông đã cứu cháu!

- Không có gì đâu cậu bé. Cháu không sao là tốt rồi. Từ nay đi đứng phải cẩn thận là được.

Tân mỉm cười, dạ một tiếng rồi cứ thế nhìn ngắm khuôn mặt người đàn ông đã giúp đỡ mình. Rõ ràng Tân thấy ông Tú rất thân thiện và dễ gần chứ không như thằng Lập đã nói, rằng ông rất đáng sợ.

Sau lần trò chuyện đầu tiên, Tân bỗng thấy quý mến ông Tú. Dẫu chưa biết rõ tường tận lý do vì sao ông Tú lại đi tù, thế nhưng, nó tin ông không hoàn toàn là người xấu.

Tân đem chuyện được ông Tú giúp đỡ, kể lại cho bọn thằng Lập, thằng Tăng, con Tình nghe thì đứa nào cũng há hốc miệng ngạc nhiên. Rõ ràng người lớn trong làng đều rỉ tai nhau nói thế. Nghe Tân kể về ông Tú, cả bọn đều tò mò muốn được gặp ông. Chúng hẹn nhau, sau khi thành công trốn giấc ngủ trưa mà không bị người lớn phát hiện, cả bọn sẽ tụ tập tại cây hồng bì. Đúng giờ, từ nhiều ngả đường trong làng, bốn đứa đã tề tựu...

Ngày bằng tuổi bọn thằng Tân bây giờ, ông Tú là đứa trẻ bất hạnh. Cha mẹ ông bị sét đánh chết khi đang mò cua, bắt ốc ngoài đồng giữa trời mưa giông. Khi đó, ông vừa tròn 13 tuổi, em trai ông mới lên 10. Cha mẹ chết, hai anh em sống vật vờ, nhờ có xóm giềng giúp đỡ được một thời gian, đi qua được thời đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, trong làng Cao Sơn ngày ấy, nhà nào cũng khó khăn, cũng đói khổ cả, anh em ông chẳng thể cứ vin mãi vào sự yêu thương, đùm bọc của mọi người. Không muốn trở thành gánh nặng cho xóm giềng, ông cùng em trai học cách tự lực cánh sinh, cáng đáng nuôi nhau. Hồi ấy, ông Tú dù tuổi còn nhỏ nhưng đã biết quan tâm, chăm sóc em trai thay cha mẹ. Hàng ngày, hai anh em đi mò cua bắt ốc đổi lấy tiền đong gạo. Vào mùa, bất kỳ ai thuê mướn việc gì, hễ làm được, ông Tú đều nhận. Khi cuốc ruộng, làm cỏ, vác lúa; khi chăn vịt, cắt cỏ, hái củi, ông đều thạo việc.

Trong khi bạn bè cùng trang lứa được cắp sách tới trường thì ông Tú đã phải bươn chải với đủ nghề để mưu sinh. Những tưởng nỗi bất hạnh của anh em ông như thế đã là giới hạn cuối cùng, ai ngờ, cuộc đời chẳng ai biết trước được chữ ngờ. Em trai, người thân duy nhất và cuối cùng của ông cũng rời bỏ ông mà đi sau tai nạn giao thông trên đường đi học về. Ông Tú lâm vào tuyệt vọng. Sự mất mát lớn lao khiến ông không còn đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Trong cơn bĩ cực ấy, ông đã bất cần, buông xuôi tin và nghe theo đám người xấu vì mong muốn đổi đời, đổi vận mệnh. Ở cái tuổi ngoài 20 xuân xanh căng tràn, ông Tú đã cầm đầu băng nhóm buôn bán vũ khí và gây ra cái chết thương tâm cho bao người vô tội. Cuối cùng, ông đã phải trả giá cho sự mê muội, ngông cuồng của mình bằng cái án tù hơn 30 năm.

Ngày ông Tú đi tù, cả làng Cao Sơn ai cũng bất ngờ. Họ chẳng thể tin một người hiền lành như đất, chất phác, lực điền luôn sống và nghĩ cho người khác như ông Tú lại dễ dàng sa chân vào con đường tội lỗi như vậy. Thế nhưng, một khi đã vướng vào vòng lao lí thì dù sớm hay muộn cũng phải chấp nhận sự trừng phạt của pháp luật. Ông Tú đi tù, người trong làng lấy đó dặn dò con cháu, chớ có dại dột mà đi theo con đường ông Tú đã đi, nếu không muốn phải ngồi trong song sắt nhà giam để rồi mất đi cả đời người.

Thời gian trôi đi, ít ai còn nhớ ông Tú đã từng là một thành viên của làng Cao Sơn. Cuộc sống của người dân quê bên trong lũy tre, bờ đê, gốc lúa cứ thế hồn hậu, bình yên cho đến khi ông Tú trở về lại làng vào một buổi chiều chập choạng.

Sự xuất hiện của ông Tú ở làng khiến câu chuyện hơn 30 năm trước lại được đào xới lại. Đám trẻ con như tụi thằng Tân sinh sau đẻ muộn được phen mắt tròn, mắt dẹt. Cha mẹ chúng lúc nào cũng nhắc chúng phải tránh xa ông Tú như tránh xa cái xấu cái ác. Dường như cái tư tưởng “Gần mực thì đen” đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân làng Cao Sơn, vô tình biến ông Tú chẳng những cô đơn mà còn trở thành người cô độc trong làng. Dẫu ông Tú đã cải tà quy chính và biết ăn năn hối lỗi nhưng vẫn chưa được nhiều người trong làng bao dung, tha thứ. Bắt đầu con đường hoàn lương trên chính mảnh đất quê cha đất tổ, trong chính ngôi nhà cha mẹ để lại và hai anh em ông từng ra vào rau cháo nuôi nhau với chính cái nghề gia truyền mò cua, bắt tép, ông Tú những mong nửa đời còn lại của mình được sống trong yên bình.

Ông Tú chẳng giấu giếm bọn thằng Tân bất cứ điều gì khi kể về tuổi thơ và nguyên do tù tội của chính mình. Ông còn ân cần bảo:

- Đấy, đấy là toàn bộ cuộc đời của ông 50 năm qua. Các cháu hãy nhớ, phải biết nghe lời cha mẹ, ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập để sau này thành người tốt chứ đừng như ông. Lúc hối hận, ăn năn thì cũng đã muộn màng.

Ông Tú nhìn thấy ở lũ trẻ làng nghe lời thì vui lắm. Gần đến giờ đi giăng lưới, ông Tú nhổm dậy, tay cầm cây sào lớn giơ lên, hái liền mấy chùm hồng bì chín mọng xuống và phân phát cho từng đứa. Nghe ông bảo, cây hồng bì này có niên tuổi chẳng kém tuổi của ông hiện tại là mấy, tức thì đứa nào cũng ồ lên kinh ngạc. Chúng lại muốn được nghe ông kể chuyện về cây hồng bì, muốn biết tuổi thơ của ông có giống với bọn chúng bây giờ không. Ông Tú cười khà, hẹn lũ trẻ hôm sau sẽ tiếp tục câu chuyện. Thế là sau khi nhìn theo bóng ông Tú xa dần giữa cánh đồng, cả bọn hò lên sung sướng, vừa nhâm nhi hồng bì trên tay, vừa mong đợi thời gian trôi thật nhanh đến trưa mai lại được nghe ông Tú kể chuyện.

Ngày nào cũng vậy, hội thằng Tân, thằng Lập, con Tình cũng đều tìm đến dưới gốc hồng bì tụ họp. Không đơn giản vì tình bạn với cái cây, với mùa quả chín mà là vì ở đó có ông Tú. Những câu chuyện tuổi thơ của ông Tú gắn với cây hồng bì và mảnh hồn làng Cao Sơn thân thương khiến đứa nào cũng háo hức mong ngóng được nghe, được biết. Rồi chúng nhắn nhủ nhau, phải biết yêu gia đình, bạn bè, làng xóm và cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành người có ích.

Trưa nay, thằng Tân đem theo mấy củ khoai luộc, thằng Lập thì đem túi mận xanh, con Tình thì mấy quả ổi chín. Chúng còn rủ thêm mấy đứa bạn trong làng vừa mới quen, trên tay đứa nào cũng tay xách nách mang lỉnh kỉnh quà này, thức nọ… Gặp ông Tú, chúng đã lanh lẹ bảo, bố mẹ chúng bảo mang theo ăn cùng với ông và bạn cho vui.

Thế là, dưới cái nắng rực rỡ ngày hè, dưới bóng cây hồng bì cổ thụ, ông Tú cùng đám trẻ làng lại râm ran chuyện trò. Nào chuyện xưa tích cũ ông Tú thuộc làu, nào chuyện nảy chuyện nay bọn thằng Tân nằm lòng... Cứ thế, tình bạn giữa ông Tú và những đứa trẻ ngày một thêm thân thiết.

Lê Thị Xuyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình?

Khi mua máy rửa xe cho gia đình, có một số yếu tố cần lưu ý để đảm bảo bạn chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn lựa chọn máy rửa xe tốt cho gia đình.

Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Return to top