ClockChủ Nhật, 23/08/2020 18:00

Phải dứt!

TTH - Ly ôm mẹ khóc. Nước mắt làm phiến áo bà Liên ướt một mảng lớn. Bao nhiêu nước mắt, dường như dồn cả vào một lần này, tràn ra hết. Nhưng nước mắt càng chảy, lòng Ly càng thêm đau. “Nếu đắng quá, nuốt không xuống thì nhổ ra. Đừng gắng làm chi. Đã không nuốt được, có gắng cũng vô dụng”. Bà Liên vừa vuốt vuốt mái tóc con gái, vừa thủ thỉ.

Chuyện ở xóm ThươngMùa hạ trong tim

“Đi rửa mặt mũi đi. Lớn vậy còn khóc lóc đến mặt mũi nhìn không ra. Không sợ mấy đứa nhỏ nó cười cho”. Bà Liên vừa nói vừa kéo con gái đứng dậy. Nhìn Ly ủ rủ bước vào phòng tắm, ngực bà Liên thắt lại, khó chịu vô cùng. Bà đưa mắt liếc ánh trăng treo ngoài cửa sổ. Bà nhớ những đêm trăng, hồi Ly chưa lấy chồng, Ly thường bắt võng nằm ngoài hiên. Những đêm trăng sáng, tiếng giun dế sau hè dường như cũng kêu to hơn. Ly nói chúng ca hát vì hạnh phúc.

Nhà ngay mặt sông, nên gió đêm thổi lên ràn rạt. Ly thích nằm nghe tiếng mấy ngọn cây sau hè va vào nhau trong gió, rồi quệt lên mái nhà rột rạc thật vui tai. Đôi khi, tiếng đò máy trên sông chạy ngang, cũng khiến cơn gió hốt hoảng, kéo luôn tâm hồn mơ mộng của Ly trở về. Ly hay nói với mẹ, chỉ cần nằm như thế, nhìn ánh trăng chầm chậm trôi qua ngọn dừa trước nhà, bao nhiêu nhọc nhằn của một ngày cần mẫn ngoài đồng đều trôi hết. Còn bà thì hay giục con gái đi ngủ cả khuya, mai còn dậy sớm ra đồng.

Hồi chiều, khi đi làm đồng về, bà Liên thấy hai đứa cháu ngoại ghé chơi, rồi ở luôn không chịu về nhà. Con bé Út kéo tay bà kể, nhà nó có khách, do ba nó dẫn về. “Lúc đó, con đi chơi bên nhà dì Mơn vừa về. Con thấy cô Mén ngồi trên chân ba đó ngoại. Con đâu có chịu, con chạy đến kéo cô đó ra. Rồi con ngồi lên chân ba. Mà chị Hai kỳ lắm ngoại, đã không ở nhà “giữ” ba thì thôi, còn len lén ra cửa sau bỏ đi mất. Đã vậy còn vào kéo con đi cùng nữa chớ”. Con Út nói liếng thoáng.

Bà Liên biết, mấy lâu nay vợ chồng con gái lục đục. Con rể bà vẫn canh cánh chuyện vợ không sinh được con trai. Cái làng này nhỏ xíu xiu, nên việc Khang hay tới lui quán con Mén ở cuối làng ai cũng biết. Người ta đang đồn ầm lên Khang muốn kiếm thêm thằng cu, bà muốn không biết cũng khó. Nhưng bà không nghĩ, Khang lại dẫn con Mén về nhà. Lại còn để hai đứa con gái bắt gặp.

***

Phụ nữ ở cái làng này, người ta ngán con Mén dữ lắm. Con Mén không có chồng, nhưng có đứa con trai năm nay gần 7 tuổi. Con Mén mới 25, nên độ mặn mà có dư. Năm 18 tuổi, con Mén về phố làm bưng bê cho một nhà hàng. Thoát ly khỏi ruộng đồng, nên con Mén da trắng, tóc dài, xinh gái hẳn. Đi làm chưa được năm thì con Mén có bầu. Nghe đâu người đàn ông đó, còn lớn tuổi hơn ba con Mén.

Họ nói ông kia không có con trai. Nên ổng để con Mén đẻ giùm. May mà con Mén đẻ được con trai. Nếu không, chẳng biết đời con Mén sẽ ra sao. Người đàn ông đó chu cấp cho con Mén tiền hàng tháng để nuôi thằng con trai. Nhiều người trong làng bảo, “số con Mén vậy mà sướng. Không dưng ngồi không có người nuôi”. Có người lại tặc lưỡi, “Con gái vừa lớn lên, phí cả đời”. Chỉ có con Mén là vẫn bình thản sống.

Con Mén ở vậy nuôi con, nên tiệm tạp hóa của mẹ con Mén bỗng dưng khách đến chơi khi chiều xuống nhiều hẳn. Toàn là đàn ông trong làng. Vậy là mẹ con Mén kê thêm mấy cái bàn, nướng mấy con mực, ướp lạnh mấy chai bia. Trong khi đàn ông trong làng có thêm chỗ nhậu lai rai, thì mấy bà vợ cứ lo ngay ngáy. Họ chỉ mong có ai “hốt” con Mén đi cho khuất mắt.

Vào một đêm trăng của nhiều tháng về trước, một người làng bắt gặp con Mén đang ngồi nói chuyện với chồng của Ly nơi triền sông. Con Mén với Khang đều bảo, chỉ tại trăng đêm đó quá đẹp. Trăng đẹp nên họ đi dạo, rồi vô tình gặp nhau, rồi ngồi xuống nói vài câu chuyện. Có ma mới tin lời giải thích đó. Nhưng vì đó là chồng Ly, nên không tin cũng phải tin.

Từ ngày xảy ra “vụ án ngắm trăng”, Ly thấy chồng thay đổi hẳn. Ly không hề biết Khang cũng có tính vũ phu. Những lúc Ly nhắc đến chuyện Khang qua lại với Mén, Khang thường nổi nóng. Lần đầu bị đánh, là do Ly không kịp chạy. Những lần sau, là do Ly không dám chạy. Ly đâu muốn để người làng biết vợ chồng Ly đánh nhau. Mà những lúc vợ chồng cãi nhau, Ly toàn bật ti vi to tiếng. Mấy lúc Khang đánh vợ, toàn kéo Ly vào nhà tắm. Khang mạnh tay mạnh chân, Ly chống không lại.

***

Ly nhớ mẹ hay kể chuyện bà cố ngoại. Bà không có con trai. Ráng mãi, ráng mãi, đến đứa thứ 6 vẫn là con gái. Ông cố bảo, không thể để họ Hoàng không người hương khói, nên cứ đi tìm mấy bà quá lứa lỡ thì trong làng trong xã, mong “kiếm” được thằng cu. Mà bà cố ghen dữ lắm. Suốt ngày cứ chạy theo ông cố đánh ghen. Hai người đàn bà sinh con cho ông cố, đều là con gái. Bà cố vui như bắt được vàng. Cuối cùng, không muốn ông cố theo người đàn bà đẹp hơn mình, bà cố đứng ra cưới vợ cho chồng. Người vợ mà bà chọn, vừa lùn lại vừa đen, mặt lại không đẹp. Nhưng lại sinh cho ông cố một người con trai. Mỗi lần nghe mẹ kể, Ly đều bảo, “nếu là con, con bỏ chồng từ đời tám hoánh rồi”. Rồi lần nào bà Liên cũng hỏi lại, “bỏ rồi lấy ai nuôi 6 con? Bốc đất mà ăn à?”.

Ly biết mẹ cũng không hạnh phúc. Chẳng có người phụ nữ nào hạnh phúc, khi chồng mình còn xây thêm một tổ khác bên ngoài. Mẹ Ly không như bà cố, hiếm con trai. Ly có hai anh trai và một chị gái. Ly còn nhớ rõ, năm đó ba dắt về một đứa nhỏ, nói là con ba. Lúc đó, Ly đang chơi trốn tìm bên nhà hàng xóm. Trưa nắng gắt gao, nên Ly chạy về uống nước. Vừa quẹo chân vô bếp thì nghe ba mẹ nói chuyện. Mẹ không khóc, cũng không nói gì. Ly cũng không thấy được đôi mắt buồn rười rượi đầy cam chịu của mẹ.

Sau này, khi Ly lớn, đã từng hỏi bà: Sao lúc đó không thấy mẹ khóc? Bà bảo, phải chuyện bất ngờ gì đâu mà khóc. Ba mầy ưa bà Đỏ làng bên kia, ai mà không biết. Tau chỉ không ngờ ông dắt thằng nhỏ về cho tau nuôi. Những lúc buồn, mẹ Ly hay bảo: Đời này việc ngu nhất tau làm, là nuôi con người ta. Khi nghe mẹ nói thế, Ly chỉ ngồi im re. Ly thương em trai mình, và cũng không ghét mấy đứa em gái đang ở với dì Đỏ. Ly gọi mẹ của Hiên bằng dì. Còn Hiên gọi mẹ Ly bằng mẹ, cũng gọi dì Đỏ bằng mẹ. Bây giờ, Hiên đã lấy vợ. Ba cắt cho Hiên miếng đất trong vườn, Hiên dựng ngôi nhà, ra riêng.

Ly nhớ hồi nhỏ, mỗi lần mẹ nổi cơn ghen, ba Ly còn dùng cả roi mây để đánh mẹ. Mà mỗi lần bị đánh, mẹ cứ ngồi im ru, mặc cho mấy anh em Ly xông vào can ngăn. Có bận mẹ bị đánh ngay hàng rào bên hông nhà. Mái tóc dài của mẹ xổ tung, quấn hết vào dây hàng rào thép gai. Ly và chị ba không cách gì gỡ được giúp mẹ, đành lấy kéo cắt bỏ đám tóc ấy. Người trong làng nói, ba cột tóc mẹ vào hàng rào thép gai rồi đánh, để bà không chạy được. Ly biết ba không làm thế. Vì có khi nào bị đánh, mà mẹ bỏ chạy đâu.

Ly nói với mẹ, nếu là con, con bỏ ba từ đời tám hoánh. Vừa hay đánh vợ, còn ra ngoài tằng tịu, tội nặng gấp đôi. Mẹ nói tỉnh bơ, ly hôn rồi, mấy đứa bây làm sao? Cả một đống con, sao tau nuôi cho nổi. Ly trề môi. Khác thế hệ, nói chuyện cũng khó.

***

Ly không nghĩ, đời mình lại xui đến thế. Không những gặp kiếp nạn như bà cố, không có con trai, chồng ra ngoài tằng tịu. Đã vậy còn vấp cảnh như mẹ ngày trẻ, chồng cũng có thói vũ phu. Hồi trước mỗi lần nói chuyện bà cố, hay nói chuyện của mẹ, Ly đều mạnh miệng nói ngay một tiếng “bỏ chồng”. Nhưng đến phiên mình, Ly lại lưỡng lự không quyết được. Ly vẫn cố níu giữ cho con một mái nhà trọn vẹn, dù đã sập xệ. Nhưng tối nay, nghe câu nói của mẹ, Ly bỗng thấy lòng vững hẳn. Ly không sợ phải nuôi con một mình như mẹ. Ly chỉ sợ con mình buồn, khi phải chứng kiến cuộc sống thiếu hạnh phúc của ba mẹ. Như Ly từng nhìn thấy từ cuộc hôn nhân bất hạnh của ba mẹ mình.

LÊ HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top