Khi chuyển tới nhà mới ở khu tập thể của ngành giáo dục thành phố, tôi lấy làm lạ trước cảnh khác người của ông Mạnh ở sát nhà. Là giáo viên một trường trung học nhưng chẳng bao giờ ông có học trò tới thăm, kể cả vào ngày tôn vinh nhà giáo. Thắc mắc được giải toả khi tôi biết ông là thầy giám thị nổi tiếng nghiêm khắc. Thầy giám thị thì không gắn bó riêng với lớp nào, môn học nào mà là thầy chung của trường; “cha chung…” mà. Vả lại, chắc ông giáo này cũng chẳng có nội dung gì để phụ đạo, dạy thêm; trong khi đó, trò ngoan chắc ngại gần thầy giám thị, trò hư thì càng xa lánh. Thế mới có cảnh, sau ngày lễ, nhất là ngày Nhà giáo Việt Nam, các thầy cô khác thu gom hoa (giờ đã là rác) cho vào bịch ni lông, chất đầy xe của công ty vệ sinh thì nhà ông Mạnh trống trơn, hoa không, quà càng chẳng có. Tôi tức cảnh, tái chế một câu Kiều: “Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người xài không hết, người không có gì”.
Nghỉ hưu, ông Mạnh mở quán cà phê tại nhà. Ngay khi ông vừa treo tấm biển viết vội “Cà phê Bình An” trên cây bàng trước ngõ, ông hàng xóm đối diện đã lắc đầu với tiên đoán tiêu cực: “Ngay cái tên đã báo hiệu sự giậm chân tại chỗ rồi!”. Ông Mạnh nhìn tấm biển còn ướt sơn, ưng ý với cái lý: “Khu phố mình khi xưa có tên là làng Bình An đấy”. Người kia vẫn tiếp tục kê kích: “Làm ăn thì phải cạnh tranh khốc liệt như đánh nhau, trong khi ông cứ muốn bình lặng yên ổn thì hỏng rồi!”. Vừa nhen mộng ông chủ đã bị phủ đầu, nhưng ông Mạnh không lấy đó làm điều và cũng chẳng đổi ý.
Tôi không dám chọc thẳng mặt như ông hàng xóm, nhưng xét một cách toàn diện thì tương lai quán này có vẻ mù mịt lắm. Quán cà phê là cõi thư giãn và cũng là nơi hội ngộ những ý tưởng; là chốn hẹn hò của đôi lứa nhưng có khi là góc riêng cho kẻ thất tình. Đã vậy, không gian, với ngoại cảnh phông nền là hoa lá, chim cá rồi âm thanh ánh sáng phải đã tai thích mắt để có thể dẫn dắt, níu chân quý khách. Lắm người đi uống cà phê đâu chỉ để thưởng thức hương vị cao nguyên mà còn vì mục đích khác; nếu không thế thì mua về nhà pha uống, mất công đến quán làm gì.
Trong khi đó, quán Bình An đơn sơ như cái lán dã chiến. Ông Mạnh kéo tôn che hết khoảng sân khá rộng, đặt mấy bộ bàn ghế nhựa và phía trước để bốn chậu dừa cảnh lá vàng nhiều hơn lá xanh, thế là thành quán. Quán lại ở đường cụt, đến chỗ để xe cũng bí bách thì khách nào ưa tới. Hơn nữa, chủ quán kiêm nhân viên pha chế và chạy bàn là ông lão mắt kèm nhèm chân thủng thẳng nên khách đến đây đừng vội, đừng mong có bóng hồng mát mắt, đừng chờ lời mời thánh thót, cũng đừng hỏi mật khẩu wifi hay yêu cầu mở nhạc ưa thích; chỉ nên tập trung uống cà phê rồi về. Đơn giản và đơn điệu thế thôi.
Quán ế đến mức sau mỗi ngày ông Mạnh có thể điểm danh hầu hết quí khách. Dù vậy, chủ quán chẳng nôn nóng; có khi đang say nước cờ, ông còn bảo khách chờ, lúc quay ra thì ngơ ngác bởi khách đã đi không thèm ngoảnh lại. Khách vãng lai thì vắng, nhưng khách láng giềng coi đây là điểm vui chơi thì có đều. Lắm ông tới quán gọi ly cà phê với mấy điếu thuốc rồi ngồi suốt buổi với bàn cờ tướng; vây quanh là đám chầu rìa, xỏ mồm vô chỉ đạo người chơi rồi cãi nhau um xùm. Có ông ngồi tán chuyện lâu đâm mỏi, liền vào cái võng trong góc quán ngả lưng, hóng hớt và góp chuyện từ xa. Với tuổi về già thì chuyện “ngày xưa” cứ miên man bất tận.
Tôi bị hấp dẫn bởi những mẩu chuyện ông Mạnh kể về học sinh cá biệt của mình, chuyện có khi xót xa lẫn hồi hộp hoặc bi hài lẫn lộn. Là thầy giám thị, ông gần gũi học trò hoang nghịch, thậm chí sém hỏng hơn là con ngoan trò giỏi. Ông nhớ từng chi tiết sự vụ, từ thời gian địa điểm, đến cha mẹ, số nhà của những trò từng lầm lỗi. Ông được ví như chốt chặn cuối cùng trong giữ gìn kỷ cương của trường. Học sinh kính nể ông, đồng nghiệp thì chờ ông đưa ra cao kiến trước các tình huống đau đầu. Ông bảo, trừng phạt khi các em sai phạm thì dễ nhưng giáo hóa để chúng tự sửa mình mới khó. Ông bằng lòng với chính mình là luôn chọn cách khó và đã mãn nguyện. Giờ gặp lại, thấy học sinh hay phụ huynh có con em từng được ông uốn nắn đến chào hỏi rồi cảm ơn khi nhắc chuyện xưa, ông vui lắm.
Sau khai trương chừng nửa năm thì quán Bình An bất ngờ đông khách. Bất ngờ hơn là khách sàn sàn một lứa trẻ măng, đứng bên quán mà còn ghé tai tôi hỏi nhỏ: “Nhà bác Mạnh đây phải không, chú?”. Nhiều cậu đứng nhìn biển hiệu hồi lâu, lại thò đầu ngó vào trong như thể thăm dò rồi mới ngập ngừng bước vô. Sau lần đầu bỡ ngỡ, đám trẻ đến quán thường xuyên, nhất là sáng sớm; chúng đi thành từng tốp năm bảy đứa, tính ra số khách mới này chắc gần ba mươi. Với quán cà phê vốn chủ yếu phục vụ mấy ông chơi cờ nhẵn mặt hoặc đến đây giết thời gian thì việc xuất hiện đám khách trẻ giống như bước ngoặt doanh thu; quán lại thêm vui bởi tiếng nói cười tươi trẻ. Thêm nữa là hiệu ứng dây chuyền, khách đi ngang thấy quán rôm rả nên ghé vào càng đông.
Ông Mạnh luống cuống khi quán đột nhiên đông khách. Khách cứ nhướng cổ nhìn người phục vụ với vẻ xót ruột khiến ông càng bối rối, luôn mồm vỗ về người đợi: “Từ từ, xin cứ phải từ từ!”. Cũng chỉ lần đầu vậy thôi, từ lần sau đám khách trẻ tự chăm sóc cho mình. Dần dà, họ giống như người nhà, bước vào quán là tự pha cà phê, lấy nước rồi sắp xếp chỗ ngồi thay vì chờ được phục vụ. Có cậu còn nán lại quán lâu hơn để phụ giúp ông chủ bưng bê rồi thu dọn, rửa ly, lau bàn. Nghe ông bảo “các cậu vào quán cứ để tui phục vụ tự nhiên”, có đứa gạt đi: “Dù có là “thượng đế” nhưng để cha chú bê nước hầu mình thì áy náy lắm, bác ạ!”. Đám đông cộng hưởng bằng tiếng vỗ tay bốp bốp.
Tôi thắc mắc: “Chẳng lẽ đây là những học sinh cá biệt mà bác từng rèn giũa?”. Đáp lại là tiếng cười cùng lời phản bác dứt khoát: “Thôi đi chú, cá biệt mà đông như quân Nguyên thế thì có mà vỡ trường!”. Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên: “Hay học sinh trường cũ của bác?”. Ông Mạnh bảo chẳng phải, chính ông cũng không hiểu cơ duyên nào đưa đám khách trẻ đến quán ông cùng lúc như thế; họ lại tử tế khác thường. Chúng làm ông vui nhưng cũng có phần hại não bởi điều băn khoăn cứ lơ lửng. Tôi lân la hỏi bọn trẻ thì được biết hầu hết chúng là sinh viên đại học, có đứa đã đi làm. Sau lục vấn “sao biết cái quán trong hang cùng ngõ hẻm này” là giọng hồn nhiên: “Bởi cà phê ngon mà chú”. Thấy có vẻ khách sáo, tôi hỏi tiếp thì chỉ nụ cười thay cho lời đáp.
Chiều qua, khi mấy khách quen vào quán, ông Mạnh liền bỏ dở ván cờ với tôi để tiếp đón. Thấy ông bước lại chỗ bàn để cà phê và phích nước sôi, cậu mang thẻ sinh viên có tên Đỗ Đức bước vội tới ngăn lại. Ôm gói đồ trên tay, Đức đứng đối diện ông Mạnh, giọng nói và cách xưng hô đột nhiên trịnh trọng: “Thưa thầy, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới, bạn Minh Tây nhờ chúng em chuyển lời chúc tốt đẹp đến thầy và gia đình. Còn đây là chút quà, Minh Tây kính biếu thầy”.
Ông Mạnh đứng ngay đơ, chắc quá bất ngờ. Quà được trao hai tay nhưng người nhận vẫn chưa đón lấy; ông ngơ ngơ nhìn khuôn mặt trẻ, lại lúng túng ngó gói quà. Tôi buột miệng, xen vào khoảng lặng: “Có phải là thằng Tây không, bác?”. Ông Mạnh giật mình, ngoái lại: “Đúng rồi!”.
Chuyện về cậu học sinh cá biệt này, tôi từng nghe; nhớ lâu là bởi chuyện khá hy hữu và khi kể, ông Mạnh cứ kêu “thằng Tây”, “thằng Tây”, khiến người nghe nhớ ngay đến bọn thực dân từng làm đồng bào mình khốn khổ. Nhớ nhất là lần ông Mạnh kịp thời ứng cứu; nếu không, cậu ta không hết đời thì cũng thành tật. Chuyện là khi ông Mạnh chăm sóc vợ trong bệnh viện và ra về khá khuya, khi tới đầu cầu dẫn vào thành phố thì thấy toán người nhốn nháo ở quán nhậu bên đường nên dừng lại. Đập vào mắt ông là mấy kẻ xăm trổ đầy mình, vừa khua hung khí vào khoảng không vừa luôn mồm hăm dọa, văng tục. Cạnh đó, một đứa đang bị trói vào trụ cổng, mặt mày đỏ bừng, cố vùng vẫy một cách tuyệt vọng trước sự xỉ xói của đám dữ tợn kia. Ông căng mắt nhìn, lạnh hết cả người khi nhận ra kẻ bị trói chính là thằng Tây! Người như run lên, ông vội bỏ xe, chạy tới hỏi căn nguyên. Thì ra Tây cùng đám bạn đi nhậu nhưng không đủ tiền nên giở trò chạy làng; cậu còn đứng ra cản đường, giải thoát cho bạn… Ông Mạnh liền vào vai thuyết khách, giảng hòa rồi mở ví cứu lấy đứa học trò hư.
… Ông Mạnh gỡ lá thư kẹp trên gói quà rồi líu ríu mở ra, chậm rãi đọc: “Thầy ơi, em là thằng Tây - siêu quậy của trường hơn năm năm trước đây! Hút thuốc, uống rượu, đập bạn, đá banh trong sân trường làm bể kính…là em đây! Ngày đó, nếu không có sự nghiêm khắc nhưng bao dung của thầy, chắc đời em hỏng rồi. Em biết, nếu thầy không bảo lãnh trước hội đồng kỷ luật của trường, em đã bị đuổi học từ giữa năm học lớp 11. Nghĩ về khoảng đời tuổi trẻ rồ dại của mình, em càng biết ơn thầy. Em mong mau học xong để về nước, thầy ạ…”.
Ông Mạnh chớp mắt, ngồi lặng hồi lâu rồi gấp lá thư để qua bên, nhìn Đỗ Đức dịu giọng: “Các em là gì với Tây?”. Tiếng đáp lại nhanh nhảu: “Dạ, là bạn, thầy ạ”. Thấy gia chủ nhìn nhìn, vẻ như còn thắc mắc điều gì, Đức nhoẻn cười nói thêm: “Mãi gần đây Minh Tây mới biết thầy mở quán cà phê nên bảo chúng em đến ủng hộ. Chúng em lại giới thiệu cho các bạn khác nữa…”.
Hóa ra sự đông khách bất ngờ của quán Bình An có đầu đuôi là vậy. Tôi nhìn ông Mạnh, nhanh mồm giục:“Gia chủ mau mau cảm ơn các tình nguyện viên đã quảng bá cho quán của mình đi chứ!”.
Ông gượng cười, cúi xuống giấu vẻ xúc động.
NGUYỄN TRỌNG HOẠT