ClockThứ Sáu, 28/07/2023 14:17

Sinh nhật của Lin

TTH - Mưa nặng hạt, quất ràn rạt như muốn hùa theo gió hất người và xe ngã xuống vực. Nhưng khi Lin xuống đèo Kim Quy thì bên này trời tạnh ráo. Cũng phải mất hơn một tiếng nữa mới về tới nhà. Lin thầm trách mình đã chần chờ theo mấy cuộc gọi không có tín hiệu phản hồi, không đi sớm hơn để khỏi muộn bữa trưa cho ông. Cô dừng xe vội ở chân đèo để cởi áo mưa, lắc đầu tránh không nghĩ thêm khi đưa tay quệt món tóc ướt đẫm bết dính trên trán.

Con mèo đen

leftcenterrightdel
 

Ông Dài ngẩng lên nhìn ra khi nghe tiếng xe máy dừng ngoài sân. Đứa cháu nội chạy ùa vào nhà, giọng trong và cao vút như tiếng con chim trên núi:

- Cháu về rồi!

Ông già buông mấy thanh nứa và sợi dây mây xuống, đứng hẳn lên, chùi hai bàn tay bám đầy bụi đất lên vải quần kaki đã sờn bạc:

- Về rồi à? Tốt rồi! Mày làm tau lo quá!

Lin ôm cổ ông, cười khúc khích. Cô bỗng lùi ra, đứng thẳng người:

- Chẳng phải cháu đã cỡi xe như gió về đây gặp ông rồi sao!

Hai tháng liền Lin không về nhà. Đứa bạn cùng làm thêm ở quán ăn đã nghỉ ngay khi nhiều ca nhiễm COVID-19 rộ lên trong cộng đồng. Chủ quán nhờ Lin làm thêm phần của bạn. Vì vậy mà ông Dài vừa trông vừa lo. Giờ thì cái bụng hết lo rồi. Vui rồi.

Nhưng Lin chỉ vui được một lát thôi. Cô mở toang mấy cánh cửa sổ cho ánh sáng tràn vào căn nhà có mùi hăng mốc vì ẩm thấp, nhanh nhẹn thu vén mấy món áo quần vắt dày trên dây treo đem ra hiên phơi. Bầy muỗi được thể bay vật vờ, nhiều như trấu. Cầm phích nước đã nhẹ hẫng lên, cô quét nhà rất nhanh rồi nhóm bếp đun nước sôi. Màu lửa rực lên trong gian bếp nhỏ, soi lấp lánh đôi mắt nâu to đang thoáng buồn khi nhớ đến anh. Anh tốt nghiệp loại khá, hồ sơ xin việc gửi đi nhiều nơi nhưng chưa thấy chút phản hồi tích cực nào. Anh dù sao cũng ở ngay thành phố, không bị sức ép của các khoản tiền thuê trọ, tiền ăn và chi tiêu vặt vãnh... Tiếng nước réo sôi lục xục nhắc cô đứng dậy.

- Lin à, gọi chú đưa cá suối đến nhé! Hôm qua chú nói có nhiều cá kyrêng mà mày thích.

- Để chiều chú đến, nướng cá uống rượu với ông cũng vui mà!

Lin ngồi nhìn ông ăn. Những nếp nhăn cày sâu trên mặt, từ trán đến đuôi mắt, khóe môi, má và cằm. Ông ăn không còn nhanh như trước. Những sợi ria mép đã bạc nhấp nháy theo mỗi lần ông cẩn thận nhai và trầm trồ khen ngon, có vẻ cũng đang chậm dần, mỏi mệt. Những ngón tay cầm đũa đã lóng ngóng và khẽ rung khi gắp thức ăn. Ông không hề biết gì về chứng Parkinson. Lin chợt thấy thương ông quá chừng...

Buổi chiều, hai người đàn ông ngồi trầm ngâm bên ché rượu. Mùi cá nướng chấm muối sống với hạt tiêu rừng và nhiều ớt trái, quyện trong men rượu đoác ngọt dịu đã ngấm say khiến cả hai chập chờn nhớ. Người đàn ông sức vóc dẻo dai ấy không ai ngờ có thể bị lũ cuốn khi xuôi bè về cuối khe Târ Reenh, chỉ còn cách nhà một đoạn không xa. Đó là năm Lin mới lên mười. Mẹ thôi lên nương, theo người quen ngoài thị trấn đi buôn bán. Dạo này đánh hàng đi về cửa khẩu La Lay rất thuận lợi. Kiếm được tiền, mẹ mua được xe đạp cho Lin ra thị trấn học. Nhà có ti vi, lại sắm sửa thêm nhiều thứ mới và đẹp. Ông nội vui thấy cháu không phải khổ vì mất cha. Nhưng đến một ngày, rồi nhiều ngày không thấy mẹ về. Ông và chú bảo là mẹ bị tai nạn mất rồi, không tìm thấy được. Người trong bản lại nói không phải vậy. Là mẹ quên đường về. Lin vẫn cố tin như thế. Chỉ mong mẹ còn ở đâu đó. Không muốn về cũng được mà!... Đi học về, Lin lên nương cùng ông. Cô mạnh khỏe và tươi tắn như cây sến, cây chò, không mấy khi đau ốm. Chỉ khi Lin về tỉnh học và rồi có ý định kiếm việc làm dưới đó thì cha con ông Dài mới thấy mơ hồ một nỗi lo. Họ chợt nhớ đến chuyện người mẹ của đứa cháu mồ côi.

Nỗi lo đó không còn mơ hồ nữa. Anh tìm đến ngõ nhà Lin khi cô đang soạn mấy món đồ đựng cơm ra rửa sạch bụi và phơi cho kịp nắng.

- Đẹp thật!

Anh cầm lên ngắm nhìn cái tập có nắp và thân đều được đan bằng nứa, với những lát đan đều đặn sắc sảo. Một màu vàng nâu bóng láng ánh lên rất đẹp dù chúng đã cũ. Anh lấy điện thoại ra chụp hình, vừa nhìn cô tỏ ý muốn được giải thích.

Cô cười:

- Ở đây vẫn còn nhiều người dùng nó đựng cơm để bới theo khi vào rẫy. Nó giữ được mùi gạo thơm, tốt hơn các thứ bằng nhựa của người Kinh. Còn cái a điên kia là đựng xôi hoặc cơm dọn lên để ăn ở nhà. Nó giống cái rá của người Kinh, chỉ khác là có chân đế để cố định cho chắc chắn hơn thôi.

Anh ở lại đến chiều, cùng cô đi thăm mấy con suối và thác ở gần quanh. Đang lúc ít khách du lịch nên suối vắng và sạch, mấy túp nhà chòi trông thấp bé, hiu quạnh. Cô chợt nhận ra vẻ hào hứng của anh khi ngắm nhìn cảnh vật ở đây. Nhưng chỉ là để ngắm nhìn thôi. Cả khi anh hôn cô vội vàng bên hiên nhà trước lúc về xuôi. Một chút gì đó nhạt nhẽo và xa cách đang thoáng hiện dù rất mơ hồ.

Ông Dài không ăn cơm tối dù Lin đã nhắc đến lần thứ hai. Ông ngồi vấn thuốc hút lặng lẽ trước ngạch cửa trong bóng chiều hôm, từ khi nắng đã tắt sau núi cho đến chạng vạng tối.

Rửa dọn mâm bát xong, Lin đến ngồi cạnh ông:

- Ông ơi, cái bụng ông không đói à?

Rít thêm hơi thuốc thật sâu, ông mới quay sang nhìn cháu:

- Là cái bụng tau buồn. Mày không muốn ở với bản làng à? Là mày muốn bỏ đi theo người ở nơi xa à?

Ông thở dài. Cả hai ông cháu cùng im lặng, nghe cả tiếng muỗi vo ve.

- Mày nghĩ coi! Ai cũng đi xa để làm ăn thì bỏ lại thôn bản cho ai? Mày học giỏi, lẽ nào huyện không có việc cho mày?

Lin đưa tay lên ngực trái, ở đó chợt thoáng nhói đau. Cô cầm tay ông ủ giữa hai bàn tay mình. Thật ra cô muốn nói là cô chỉ chờ xin được việc dưới tỉnh thôi, cô thương ông, thương cái núi, cái khe làng mình và sẽ không bỏ đi xa. Nhưng cô chỉ áp bàn tay nhăn nheo chai sần của ông lên má, lặng nghe tiếng chim núi khắc khoải trong chiều muộn.

Những ngày sau đó, ông Dài tuy chưa yên cái bụng nhưng không giận cháu gái nữa. Lin giúp ông làm tiếp cái hàng rào tre và đắp đất vườn. Mấy chục gốc chuối đã được chú đưa sang, chỉ việc đặt xuống là xong. Nhân trời còn tạnh ráo, cô chuẩn bị cơm nước cho một ngày đi hái măng. Lại được cả chục bắp hoa chuối rừng. Có Lin rồi, chú chỉ vài ba hôm mới ghé một lát cùng với ít thịt rừng hay cá suối cho hai ông cháu. Lin cảm thấy yên ổn tuy đôi khi trong giấc mơ cô thấy anh vẫn có cái gì như còn lúng túng, xa xôi.

Hôm nay là sinh nhật Lin. Là mấy năm nay, Lin được tụi bạn cùng lớp tổ chức cho đấy thôi. Cái này thì trước đây cô chưa từng biết. Quen rồi giờ lại thấy thiêu thiếu, trống trải. Trời bỗng đổ mưa lúc về chiều. Càng tối mưa càng lớn và gió lay dữ dội mấy cây cao ngoài đường. Tấm bạt che phía đầu hè đánh lùng bùng từng chặp. Đầu đêm, ông Dài đã đi nằm lại còn trở dậy lăm xăm ra phía vườn sau. Biết ông đang lo cho những gốc chuối mới trồng chưa bén đất, Lin vội chạy theo ngăn lại. Vừa lúc màn hình điện thoại sáng lên. Một chút mừng rỡ thoáng bừng trong mắt cô rồi nhanh chóng vụt tắt. Chỉ mấy chữ ngắn gọn cho biết là anh đã nhận tin báo đi thử việc. Cô định nhắn hỏi thêm về hồ sơ của mình, nhưng kịp nhận ra là rất không nên. Đúng ra là không còn cần thiết nữa. Cô tháo bỏ cái sim trước khi cất điện thoại vào ngăn kéo.

Mưa vẫn xối xả không ngừng. Cô thiếp đi cùng với tiếng mưa tiếng gió của đại ngàn. Không phải gào thét, mà là khúc trường ca trầm hùng quen thuộc như tự thuở nào đã ru cô khôn lớn...

Nguyễn Thị Duyên Sanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top