ClockChủ Nhật, 19/02/2023 07:26

Thằng Cứng

Chạy bộ buổi sángCuộc hẹn đầu xuân

Nhớ hồi tôi mới gặp thằng nhỏ cũng là lúc đương độ dịp tết. Phố thị không thiếu những đứa bé trạc tuổi nó cùng gia đình bươn chải, mưu sinh. Mỗi con người mỗi một đoạn đời đi qua tôi cứ như những kẻ lạ. Duy chỉ có nó không hiểu sao gây ấn tượng sâu sắc với tôi, cũng có lẽ bởi đôi mắt trong veo như sáng bừng trên gương mặt nhuốm đen sạm vì gió nắng.

-  Cháu tên gì?

Thằng nhỏ vừa lấy hộp xi trong chiếc hộp con con đeo bên hông quệt chút ít vào chiếc khăn có phần hơi bẩn của nó chà vào đôi giày của tôi, khẽ ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi nhỏ nhẹ:

- Con tên Cung chú ơi. Mà hồi nhỏ má con đi làm giấy khai sinh, bả không biết chữ, rồi người ta bày bả ghi sao bả quẹt lộn cái rồi tên con thành Cứng.

Nghe cứ như một trò đùa, nhưng đó là cách nó biến mọi trắc trở của cuộc đời nó trở thành những điều nhẹ bẫng. Đến độ tôi không biết được rằng, thằng nhỏ đứng trước mặt tôi nom chỉ vừa lên mười, mười một kia có phải mang trong suy nghĩ của một đứa trẻ trưởng thành hay không nữa. Lần tiếp theo tôi gặp nó là khi đưa vợ đi dạo chợ hoa xuân để kiếm hoa về chưng cho ngày Tết.

Chợ hoa xuân đông đúc nhộn nhịp, thế giới với những người xung quanh như lọt thỏm giữa người và người. Những ngày giáp Tết, chợ hoa xuân đông một cách lẽ thường, ở những vuông hoa, kẻ mua người bán nhộn nhịp trao đổi. Đập vào mắt tôi là hình ảnh một thằng nhóc khệ nệ đang bưng những chậu hoa nom chỉ nửa người nó nhưng ra chiều rất nặng, đặt lên những chiếc xích lô, ba gác để chở về nhà người mua. Đi cùng nó cũng có vài thằng bé nữa đều nom trông rất tháo vát, mau lẹ. Tôi tới lân la hỏi mua chậu ớt kiểng, sẵn cũng hỏi anh chủ về nó. Anh chủ có phần e dè, nói đại “là mấy đứa cháu trong nhà chạy việc kiếm tiền tiêu tết”. 

- Nhiều nghề quá cháu ha?

Tôi hỏi đùa khi thấy thằng nhóc khệ nệ khiêng chậu ớt nhỏ đặt lên phía sau xe tôi. Nó ngẩng lên nhìn tôi cười hiền, lần nào khi tôi nói chuyện nó cũng nhìn thẳng vào mắt tôi rất dễ gây cảm tình với người đối diện. Ngay khi thấy tôi định đỡ giùm nó đã vội phẩy tay:

- Đừng... chú. Để cháu, anh chủ mà thấy là toi cháu.

Tôi đoán chắc nó cũng không nhớ được tôi là ai, trong biển người mà nó đã gặp và bươn chải với đời lăn lộn mưu sinh. Duy chỉ có tôi hay đi khắp nơi để níu kéo một niềm duyên và đứa nhỏ với đôi mắt sáng trong kia đột nhiên neo lại trong lòng tôi mỗi nỗi lâu rất lạ. Tết tôi cũng hay chở vợ đi dạo hoặc đơn giản đi café sáng. Thi thoảng tôi thấy những đứa bé trạc tuổi nó dường như quên đi cái tết của mình, hay tết với chúng là kiếm được thêm nhiều tiền hơn khi tất cả được nghỉ ngơi, chỉ còn tụi nó, như thế sẽ bớt cạnh tranh hơn trong mưu sinh? Vô thức tôi đi tìm một hình bóng quen mà kỳ thực tôi có phần đi tìm nó thật, vì mấy lần khi gặp nó đều thấy nó ở khu vực này.

- Chú mua vé số không chú?

Đúng là nó, nhưng lại là một nghề khác. Dường như thứ nó đang cần là thời gian nhưng tôi cũng tò mò muốn tìm hiểu thêm về câu chuyện đời nó. Tôi ngỏ ý sẽ mua hết xấp vé số nó đang bán, với điều kiện tôi sẽ đãi nó một bữa sáng và nói chuyện với nó đôi câu. Câu chuyện về nó từ từ cứ mở ra trước mắt tôi, với gia đình neo đơn chỉ có hai mẹ con, từ một vùng quê nghèo lên phố thị mong đổi đời. Nó một buổi đi học, một buổi nhận đủ việc làm thêm kiếm thêm chút tiền. Còn mẹ có một xe bánh mì nhỏ nơi cuối góc phố, bán cả ngày từ sớm tới tối mịt. Nó tự hào khoe:

- Cháu làm được nhiều thứ lắm, từ đánh giày, bán vé số tới khuân đồ nhé. Cháu cũng làm pate rất ngon. Xe bánh mì hai mẹ con cuối phố, bữa nào chú ghé ăn nhé?

- Thế lỡ đi bán như thế này cháu gặp bạn bè có ngại không?

Dường như không đợi tôi hỏi thêm, câu trả lời có phần ngây ngô của nó lại khiến tôi cảm thấy sự lạc quan đôi khi vẫn còn hiện hữu trên thế giới này:

- Sao cháu lại xấu hổ? Cháu đi kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi cháu. Cháu đâu làm việc gì sai đâu mà phải ngại. Hơn nữa bữa kia cháu đi bán gặp bạn cháu, nó còn nói ba nó mua cho cháu nữa kìa.

Câu chuyện kể có phần hồn nhiên như bị chững lại. Nó như sực nhớ điều gì vội chạy đi ngay sau khi cúi chào hai vợ chồng tôi thật lễ phép.  

Cũng không hiểu lý do vì gì, những ngày sau đó, tôi lại có thôi thúc muốn gặp nó. Tôi tìm tới góc phố mà nó từng chỉ và nhận ra nó một tay đang trét pate vào bánh mì rất thuần thục bán cho khách, còn mẹ nó đang ngồi hơ lửa bên cạnh những chiếc bánh mì cho nóng lại. Đợi khi khách đã vãn tôi mới tiến lại, lần này thì nó nhận ra tôi. Tôi tiến lại xoa đầu nó và khẽ chào mẹ nó, không quên chúc mừng năm mới và có đưa một phần quà nhỏ. Vì độ đương trưa, tầm này cũng ít khách, nó cứ nài tôi về nhà ăn bữa cơm ngày tết. Căn nhà trọ nhỏ nằm lọt thỏm trong con hẻm, yên tĩnh cứ như bỏ quên tất cả xô bồ của phố xá bên ngoài. Trong căn nhà ấy, không khí tết duy nhất dường như chỉ là chậu quất nhỏ mà bà chủ trọ trước tết cho về chưng. Dường như nó cảm thấy rất vui vì có khách ghé thăm nhà. Đó là thứ cảm giác chào đón mà đã rất nhiều năm tôi quên đi vì tính hình thức.

- Nhà cũng không có gì, mong chú…

- Chị cứ tự nhiên, tôi tiện đường ghé thăm chị và cháu.

Được mời cơm tôi ngại còn không hết. Buổi cơm trưa ấy rất thân mật, một bữa cơm đơn sơ với những món ăn bình thường. Tôi chợt nghĩ, cuộc sống yên bình hay không, vốn là ở tận sâu trong tâm những người nhìn nhận nó mà thôi.

Lê Hứa Huyền Trân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kịp thời cứu 3 người bị đuối nước

Ngày 21/11, Thượng tá Lê Thị Hồng Nhung, Trưởng Công an huyện Quảng Điền cho biết, lực lượng Công an huyện đã kịp thời ứng cứu 3 người trong 1 gia đình bị đuối nước tại xã Quảng Vinh.

Kịp thời cứu 3 người bị đuối nước
Xuân như đã về

Như sự thèm thuồng mỗi khi ánh nắng tràn qua khe cửa sau một ngày mưa tầm tã, tôi cũng muốn được nhìn thấy em. Khoảnh khắc khi tôi vừa gọi tên em, ánh mắt em ngước lên nhìn tôi cứ như nụ tầm xuân đang e ấp chờ ngày hé nụ và có một điều gì đó vô cùng thu hút. Cho tới khi nhìn thấy tôi im lặng không nói gì, đôi mắt nâu đậm ấy trở nên dỗi đánh nhẹ tôi một cái rồi tiếp tục chú tâm công việc của mình:

Xuân như đã về
Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê

Đọc Trần Băng Khuê, tôi không có cảm giác đang chạm vào một cấu trúc hư cấu kiểu mẫu, mà đang mò mẫm bước qua từng không gian luôn khép kín, chỉ có một cánh cửa để mở vào một không gian khác và cứ thế dẫm lên những siêu hiện thực không ngừng được bày ra.

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê
Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc

Được các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sôi nổi, hưởng ứng, tham gia; là hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống đoàn kết quân - dân, truyền thống anh hùng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, là thành công của các cuộc thi.

Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc
Return to top