ClockChủ Nhật, 19/11/2023 06:45

Tình người lao động

TTH - Tôi được đặt lên xe cứu thương, đẩy đến phòng tiểu phẫu. Vết thương ở bắp chân nhức nhối giật giật liên hồi làm tôi rên lên to hơn. Vợ tôi cũng vừa tới, vẻ mặt hớt hải lo lắng nhìn tôi. Quản đốc nói với vợ tôi điều gì đó rất dài, rồi gã quay sang bác sĩ, họ xì xào rất lâu nữa và cuối cùng tôi cũng được khâu vết thương.

Chiếc ghế trống

 

Mặc dù đã được tiêm thuốc gây mê tại chỗ nhưng những mũi kim khâu vẫn làm tôi thấy nhói buốt. Mỗi lần kim luồn vào da thịt là một lần tôi gồng mình, mặc dù đã cố kìm nén nhưng tiếng kêu trong miệng tôi vẫn bật lên. Không nhìn thấy người ta làm như thế nào nhưng tôi thì có cảm giác những thao tác đó y như hồi nhỏ tôi từng tự tay khâu đôi dép nhựa, mỗi khi chúng bị rách vậy.

- Xong! Khâu chín mũi nhé. – ông bác sĩ vừa khâu vết thương vừa tháo găng tay và nháy mắt nói với tôi.

Tôi lo lắng hỏi lại:

- Thế không bị đứt gân hả bác sĩ?

- Vết thương chỉ gây tổn thương phần mềm, những bộ phận khác như gân, xương không sao cả, chúng tôi đã kiểm tra kỹ, anh yên tâm nhé.

Phòng bệnh viện về đêm vẫn sáng ánh đèn điện làm tôi không sao ngủ được. Những giường bên cạnh toàn người bị thương nặng, tiếng kêu rên, tiếng đi lại lục đục càng làm cho không khí thêm ngột ngạt. Nhưng điều khiến cho tôi khó ngủ chính là lời căn dặn của gã quản đốc. Mà phải nói những lời ấy là chỉ đạo, răn đe thì đúng hơn. Tôi vẫn nhớ vẻ mặt cau có, những lời nói gằn từng tiếng một và phát ra từ hai hàm răng đang nghiến lại của gã. Gã nói với tôi rằng, hãy cố gắng, hãy biết hy sinh vì tập thể, vì bộ mặt và danh tiếng của công ty. Nghĩa là vết thương của tôi được khai là do va quệt giao thông chứ không phải là tai nạn lao động. Gã nói đã trao đổi với vợ tôi trước khi bác sĩ khâu vết thương rồi, và vợ tôi đã đồng ý. Tôi biết cái sự trao đổi hay bàn bạc của gã như thế nào rồi, gã sẽ nhỏ to mà hù dọa vợ tôi rằng nếu không làm theo lời gã thì tôi sẽ bị kỷ luật, sẽ bị đuổi việc và gì gì đó. Thế là vợ tôi đang trong lúc lo lắng, lại cộng thêm nguy cơ chồng bị mất việc thì cũng phải gật đầu thôi.

Tôi biết, tôi sẽ lại như anh tổ trưởng của tôi, trước anh bị kẹp tay vào dây đai động cơ suýt mất ngón tay, anh cũng tự thân chạy chữa, âm thầm chịu đựng đau đớn và mất ngót tháng lương vào đó. Tôi như muốn đấm vào cái mặt lạnh tanh và vô cảm của gã quản đốc, muốn chỉ thẳng vào mặt hắn mà kêu lên: “Tôi không đồng ý. Tôi sẽ làm cho ra nhẽ…” nhưng lại thôi. Cơn bốc hỏa chỉ dội lên trong chốc lát rồi lại lắng xuống. Cái gì làm tôi mềm lòng và cam chịu như thế? Đó không phải là do tôi sợ mà tôi vì cái tổ ấm của tôi, vì đứa con thơ mà vợ chồng tôi gửi ông bà nội ở quê, vì người vợ đang nằm cạnh tôi đây. Còn gì nữa nhỉ? À, vì tập thể như gã quản đốc đã từng nhắc đến.

Sở dĩ gã nói thế là vì trong chỉ tiêu khen thưởng của công ty có một mục nhắc đến vấn đề tai nạn lao động. Nếu như trong năm mà bộ phận nào trong công ty để xảy ra tai nạn lao động, thì bộ phận đó sẽ bị trừ tiền thưởng tết, với số tiền tương ứng dựa vào mức độ cũng như số vụ tai nạn. Ừ, cái chỉ tiêu kia cũng khá nhân văn đấy khi mà nó có tính răn đe, có tính nhắc nhở công nhân phải cẩn thận để không xảy ra những điều đáng tiếc. Nhưng thật sự có ai muốn mình bị tai nạn đâu. Đó là sự rủi ro. Mà đã là rủi ro thì không ai muốn cả, nó vượt tầm kiểm soát của mỗi người. Có thể ai đó sẽ cho rằng tôi đang ngụy biện cho mình, bởi vì tôi đang bị tai nạn nên nói thế. Không, tôi không hề bao biện cho hoàn cảnh của tôi bây giờ. Thật vậy, tôi dại gì mà phải chịu đau đớn và mất tiền, để rồi chịu sự phán xét và chê trách. Tôi dại gì mà để vợ tôi phải lo lắng và đêm hôm chăm sóc tôi thế này. Những kẻ phải rời quê đi làm ăn xa, phải xa con cái, người thân để kiếm đồng tiền đâu có muốn những tai ương, đau đớn đến với mình?

Trong cơn đau âm ỉ, trong sự trằn trọc tôi thấy hiện lên vẻ mặt vui tươi của anh em đồng nghiệp khi nhận số tiền thưởng cao. Tôi thấy vẻ mãn nguyện và an tâm của gã quản đốc, gã sẽ được cấp trên khen vì quản lý tốt, gã sẽ được thăng tiến và tất nhiên gã cũng tự hào về chiến tích khéo che đậy của mình. Và tôi chợt nghĩ đó có phải là lý do lớn nhất của gã, đó có phải là tính ích kỷ cá nhân đã vượt lên tình thương đồng loại? Và không biết đã có bao nhiêu kẻ như gã vì sự thăng tiến, mà phớt lờ đi nỗi đau và mất mát của người khác?

***

Hình như có ai đó đang lay gọi tôi, bàn tay quen thuộc vỗ vỗ vào vai làm tôi từ từ mở mắt. Khuôn mặt vợ tôi hiện ra, cô ấy đã mua đồ ăn sáng về cho tôi. Chà! đêm qua mãi tôi mới ngủ được, giờ tỉnh dậy thấy uể oải quá, vết thương thì đã đỡ đau hơn rồi. Tôi vừa ăn bún vừa hỏi vợ:

- Hôm qua lão quản đốc nói với em thế nào? Anh đau quá đã làm cho em lo!

Vợ tôi thở dài:

- Thì lão bảo cứ chịu khó chăm chồng, tiền viện phí thì mình tự trả rồi lão sẽ tìm cách hỗ trợ. Lão nói chắc chỉ dăm ngày là ra viện thôi.

- Hỗ trợ. Hỗ trợ cái con khỉ. Hắn lấy tiền của hắn hỗ trợ à? Đừng mơ.

- Thôi nào, anh cứ bình tĩnh, hãy yên tâm điều trị cho vết thương mau lành.

Anh cũng đừng nóng quá, phải nghe theo rồi mình còn tiếp tục làm việc chứ.

Tôi ngậm ngùi không nói gì. Thực ra vợ tôi đã nói đúng suy nghĩ của tôi, dù gì thì mình vẫn phải nhẫn nhịn và đôi khi làm theo sự vô lý mà kẻ khác áp đặt chỉ vì công việc, mà công việc đó nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng chẳng lẽ cứ mãi sống như vậy sao? Và sẽ chẳng bao giờ có sự thay đổi nếu ta không dám bứt phá, ta không dám vượt lên những rào cản vô hình để khai sáng cho chính ta và cho một tập thể quanh mình…

Reng reng, tiếng điện thoại vang lên. Thì ra là thằng bạn thân gọi, chắc nó hỏi thăm tôi khỏe chưa ấy mà. “Alô! Hoàng à”. “Ừ, tao đây! Mày thế nào rồi?” Hoàng nói: “Mày biết không, lão quản đốc vừa họp công nhân trong xưởng và cấm không ai được vào viện thăm để tránh nhiều người bên ngoài biết về vụ tai nạn của mày đấy. Khi nào về nhà trọ thì tao và anh em trong tổ đến thăm nhé”. Tôi ngậm ngùi ừ một tiếng rồi tắt máy, những sợi bún trở nên đắng ngắt trong miệng. Tôi đã sớm biết được điều này nhưng sao vẫn thấy chua chát quá. Dạo anh tổ trưởng bị tai nạn, lần nào gã quản đốc cũng họp và quán triệt phong tỏa thông tin, cấm tiết lộ ra bên ngoài, cấm chia sẻ trên mạng xã hội... Nói chung là phải im tiếng, xưởng mình, công ty mình phải không có vụ tai nạn lao động nào xảy ra. Phải rồi, năm nào cũng vậy, cuối năm tổng kết đều “không có vụ tai nạn nào xảy ra, cán bộ, công nhân viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Dưới sự chỉ đạo và giám sát của những người như gã quản đốc thì những vụ tai nạn nặng sẽ thành nhỏ xíu, tai nạn nhẹ sẽ thành không có gì và chỉ những người thực sự bị tai nạn là phải ngồi ôm vết thương nhói đau, nghe vết thương của mình đang ngứa ngáy lên da non.

***

Ngày thứ năm trong bệnh viện. Cảm giác ngao ngán đã trào dâng trong tôi. Hôm nào gã quản đốc cũng đến hỏi tôi xem có gặp ai quen không và dặn đi dặn lại phải giữ bí mật. Vẻ mặt gã luôn tỏ ra nghiêm trọng và thoáng vào chút lo lắng, không phải lo lắng cho tôi mà là lo lắng cho gã, lo lắng cho cái ghế quản đốc mà gã đang ngồi.

Đã đến giờ cho người nhà, bạn bè vào thăm bệnh nhân, những giường xung quanh lao xao người vào thăm. Giường tôi thì chỉ có hai vợ chồng, xa quê, chỉ có vài người bạn ở nhà trọ thì họ cũng đi làm, đôi lúc thấy tủi thân cũng đành chịu vậy. Tôi trùm chăn định ngủ thì chợt thấy có dáng người rất quen bước vào phòng. Tôi giật mình. Giám đốc! Tôi định quay đi sợ bác phát hiện nhưng lại nhận ra một điều, tôi biết bác nhưng bác đâu biết tôi. Chắc bác vào thăm người quen đây mà.

Bác tổng ngồi xuống bên giường tôi vì giường bên cạnh đông người quá, hết chỗ ngồi. Bác đi thăm người họ hàng xa nằm trên chiếc giường ấy. Ông quay sang hỏi thăm tôi, tôi thì đang phân vân không biết có nên cho ông biết về cảnh ngộ của mình hay không. Trong con người tôi đang giằng xé và đấu tranh dữ dội. Rồi tôi quyết định là sẽ can đảm kể với bác chuyện của mình. Sở dĩ tôi có ý định như thế vì tôi tin bác là người chính trực, biết bác là con người rất đàng hoàng và đáng kính. Tôi đã từng nghe về bác qua báo chí và những lần bác xuống dưới xưởng, những buổi bác nói chuyện với công nhân. Tôi tin, một con người đã trưởng thành từ môi trường quân đội, một người đi lên từ công tác công đoàn, lại có tâm, tốt bụng thì không thể phớt lờ trước những điều ngang trái. Phải nói cho bác biết về những gian dối bấy lâu nay ở công ty tôi. Phải đứng lên giành lại quyền lợi cho mình, không thể để kẻ khác lấp liếm, che đậy sự thật mãi được.

***

Gã quản đốc đứng ngay bên giường tôi, cúi đầu trước bác giám đốc. Tôi tin quyết định của mình là đúng đắn khi mà bác giám đốc đã đứng về phía người lao động, tôi mừng vui vì điều đó. Nhưng niềm vui ấy chỉ vừa bung ra đã bị nén lại khi tôi bắt gặp cái nhìn bỏng rát mang hình viên đạn của gã quản đốc. Tôi thấy nghẹt thở...

Sau khi biết được hoàn cảnh của tôi, bác giám đốc ngồi trầm tư rất lâu. Rồi bác gọi điện về cho ban giám đốc, chủ tịch công đoàn. Ngay ngày hôm đó, ban lãnh đạo công ty đã triệu tập cuộc họp để bàn về sự việc của tôi. Gã quản đốc bị khiển trách. Sau cuộc họp gã bị mời vào phòng giám đốc, mọi người bàn tán với nhau rằng, chắc gã đã bị giám đốc chỉ trích gay gắt lắm nên khi mở cửa phòng bước ra, gã phờ phạc như một kẻ mất hồn. Hôm ấy bác giám đốc giận lắm.

Ngay lập tức, chủ tịch công đoàn công ty đã phát động một cuộc ủng hộ nhằm giúp đỡ tôi về mặt tài chính để lo tiền điều trị và phục hồi vết thương. Tan giờ làm, tổ sản xuất và anh tổ trưởng đã đến bệnh viện thăm tôi. Niềm vui ấy khiến tôi trào nước mắt, những lời hỏi han, động viên của mọi người làm tôi quên cái đau nơi vết thương ở chân mình. Tôi cười, chắc lúc đó rạng rỡ lắm. Hình như nụ cười ấy của tôi đã làm tiêu tan nỗi lo lắng nơi vợ tôi, em cũng cười, nụ cười mới chỉ xuất hiện lần đầu kể từ khi tôi nằm viện.

Tôi vui vì sự quan tâm của mọi người nhưng lại thấy có lỗi với mọi người nhiều lắm bởi vì tôi mà tiền thưởng cuối năm của anh chị em trong xưởng sẽ bị giảm đi. Khi nghe tôi nói những suy nghĩ ấy, mọi người cùng ồ lên cười. Anh tổ trưởng nói, quan trọng là sức khỏe của tôi thôi, chứ mọi người không so đo chuyện ấy. Chúng ta phải đoàn kết, đùm bọc nhau những lúc khó khăn. Còn làm việc lâu dài với nhau, năm nay mất thi đua thì sang năm ta phấn đấu chứ suy nghĩ nhiều, ích kỷ cho bản thân là điều không nên.

Tôi suýt nữa bật khóc trước tình cảm của đồng nghiệp dành cho mình. Những gương mặt thân quen cả mà sao tôi thấy ai nấy đều lấp lánh những điều đẹp đẽ, mới mẻ vô cùng. Đã có những xích mích, cãi vã hơn thua trong khi làm việc, vậy mà mọi người giờ đây thật gần gũi, thân thương. Trong đầu tôi chợt lóe lên một suy nghĩ khiến tôi bật cười, tôi nghĩ có lẽ trong cái rủi lại có cái may, tôi đã nhận ra một điều thấm thía đó là tình người, chỉ có những lúc thế này tôi mới nhận ra những tình cảm tốt đẹp mà đồng nghiệp đã dành cho mình.

Lê Minh Hải
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Tin đăng tuyển dụng việc làm cần thơ tại Vieclam24h
Return to top