ClockChủ Nhật, 25/08/2024 06:05

Trên chuyến tàu di sản

Cây mận đã nở hoaAi rồi cũng già

Những cuộc chia lìa khởi tự đây...

Tôi vẫn nhớ hoài câu thơ mà tôi được học thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Mỗi lần đứng trên sân ga, câu thơ ấy lại vang vọng trong tâm tưởng của tôi, để rồi tự dưng tôi thấy lòng buồn man mác trước một chuyến đi xa, thấy tim mình se lại, mỗi khi thấy ai đó tiễn đưa nhau trong tiếng còi tàu kéo dài giục người dưới sân ga vội vã lên tàu, để đi về phương trời xa xôi mây gió...

 

Anh đỡ hộ tôi chiếc vali khi thấy tôi gồng người bước lên toa tàu số 1. Người con trai có dáng vẻ thư sinh, lãng tử với mái tóc rủ, sơ mi trắng sơ-vin, có dây đai chữ Y, trông như nam chính bước ra từ mấy bộ phim xưa. Tôi gật đầu thay lời cảm ơn. Anh nhoẻn cười.

- Anh tên Tuấn. Toa số 2, cạnh em!

Tôi chưa kịp giới thiệu tên mình thì anh đã xách vali theo cửa thông từ toa này sang toa khác, vào vị trí. Đoàn tàu từ từ lăn bánh. Rất đúng giờ.

*

Thưa quý khách, quý khách đang đi trên chuyến tàu Kết nối di sản miền Trung, khởi hành từ ga Đà Nẵng đến ga Huế. Trên hành trình, quý khách sẽ đi ngang qua đèo Hải Vân, được xem là một trong những cung đường sắt đáng trải nghiệm nhất Việt Nam... Nhìn sang bên trái đoàn tàu, quý khách sẽ trông thấy một phần của dãy Trường Sơn hùng vĩ; nhìn sang bên phải đoàn tàu, quý khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của vịnh Lăng Cô...

Tiếng cô phát thanh viên vang lên trên loa, bằng giọng miền Trung dịu dàng, nhỏ nhẻ. Tôi đã nhiều lần ngồi hàng giờ trên chuyến tàu rung lắc từ Nam chí Bắc, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi tàu Kết nối di sản. Muông bảo chuyến tàu này thú vị, vì hành khách được trải nghiệm ẩm thực và âm nhạc trong không gian của non nước hữu tình. Nghe thế, tôi quyết định phải đi cho bằng được. Tàu di sản sạch sẽ và sang trọng, khác hẳn tàu dân sinh với vô số những mùi hương xộc ra từ tóc tai, áo quần và các kiện hàng lô xô dưới sàn tàu... Sau khi tàu qua đèo Hải Vân, tôi đi đến toa cộng đồng ở giữa đoàn tàu. Người nghệ sĩ già râu tóc bạc phơ nâng ống sáo trúc trên tay thổi những giai điệu trữ tình về xứ Huế mộng mơ, xứ sở của những bản tình ca nghe mãi chẳng bao giờ chán...

Một bàn tay khẽ chạm lên vai tôi.

- Tuấn - Tôi thốt lên.

Anh cười, đưa cho tôi ly cà phê còn lại. Tôi không từ chối.

- Anh đi “chữa lành” à? - Tôi hỏi. “Chữa lành” - một từ khóa, nói đúng hơn là một xu hướng được lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt trong những ngày gần đây.

- Không hẳn. Huế không chỉ điểm du lịch, mà còn là mảnh đất để anh tìm về trú ngụ, mỗi khi có biến động nào xảy ra trong đời.

Tôi không hỏi sâu về cái “biến động” mà Tuấn vừa nói đến. Đây là lần đầu tiên tôi đến Huế, thực tình tôi cũng chẳng mong đợi gì về xứ sở này, có chăng là thơ mộng và yên bình như người ta vẫn thường kể lại, còn gắn bó - chắc là không. Muông hay kể cho tôi nghe về Huế, về món bánh lọc, bánh nậm, cơm hến bán dọc bên bờ sông Hương hay những đêm trăng lung linh trên vòm trời Hoàng thành, những sớm mai sực nức mùi sen ở hồ Tịnh Tâm, nhất là độ tháng 6, tháng 7, khi mùa sen trắng lại về với xứ Huế...

Chúng tôi ngồi ghế súp, cạnh cửa sổ toa tàu nhìn ra ngoài xa. Mấy bông hoa trắng tinh đang nở xòe chào nắng, chẳng biết là hoa gì, trông giống tường vi. Trong toa cộng đồng bất giác im ắng, chỉ còn vi vút tiếng sáo của người nghệ sĩ già đang chơi bài “Mưa trên phố Huế”. Tôi thuộc bài này nên lẩm nhẩm hát theo.

- Anh đã đi hết Việt Nam chưa?

Tuấn lắc đầu, tay lắc lắc ly cà phê dù lớp đường đọng dưới đáy ly đã tan từ lâu. Hình như đó là biểu hiện của những người sành cà phê, trải đời, hoặc hào hoa lãng tử.

- Việt Nam thì chưa hết, nhưng miền Trung thì anh đã đi trọn vẹn. Trong suy nghĩ của anh, người miền Trung chân chất, mộc mạc, trọng nghĩa, trọng tình, sống thẳng ngay dù vùng đất này thường trải qua thiên tai bão lũ.

- Còn em thì đây là lần đầu đến với miền Trung.

- Anh nghĩ em sẽ thích! - Tuấn nói chắc chắn.

Tôi gật đầu:

- Có lẽ vậy!

Tôi chống tay lên cằm theo dõi tiếp khung cảnh trôi bên ngoài ô cửa. Cảnh tuyệt đẹp. Sau cơn mưa bất chợt, cỏ cây như tươi tỉnh hẳn, tôi thấy lòng mình dịu mát, quên hẳn những cay đắng muộn phiền đã qua. Muông giục tôi đi “chữa lành” gấp, kẻo trầm cảm, bởi Muông thấy tôi có dấu hiệu trầm cảm. Nghe lời Muông, tôi sắp xếp công việc, khóa cửa căn chung cư trên tầng sáu có gió lồng lộng, rời thành phố.

Đường về miền Trung xa xôi.

*

Minh từng nói với tôi rằng, dù cuộc sống có đổi thay thì chúng tôi vẫn còn có nhau, lúc nào Minh cũng sẽ là bức tường thành vững chắc để tôi tựa vào, để tôi tìm được cảm giác bình yên, thanh thản giữa cuộc đời đầy thách thức. Tôi tin anh. Tin hết lòng.

Vậy rồi Minh bỏ tôi đi, trong một chiều nhạt nắng. Khi đó thành phố đang vào mùa lộc vừng nở hoa. Những con đường mềm như nhung, một vạt nắng chiếu vào cũng đủ để ánh lên những tia mầu nhiệm... Tôi hốt hoảng đi tìm Minh. Muông bảo gặp Minh đeo ba lô đi về hướng bến xe. Tôi ra đó, vừa lúc chiếc xe khách rời bến. Qua cửa kính, tôi thoáng thấy Minh ngồi trên xe, Minh nhìn tôi rồi đảo mắt đi. Và không ngoái lại. Chiếc xe rời khỏi bến.

Tôi đọc được đâu đó trong quyển nhật ký của Minh: “Anh không bỏ rơi em, nhưng đây chưa phải là thời điểm thích hợp để chúng mình ở lại bên nhau...”. Cái lý do lập lờ không thể làm tôi thỏa mãn. Muông nói: “Mọi cuộc gặp gỡ trong đời đều do duyên số, còn duyên thì bên nhau, hết duyên đường ai nấy bước”. Tôi nghe vậy nhưng vẫn chưa thấy thỏa lòng, đó chẳng qua chỉ là cách an ủi để tôi nguôi lòng, còn lý do vì sao mà Minh rời tôi đi... vẫn là một bí mật.

Mãi sau này tôi mới biết, Minh không bỏ rơi tôi đúng như lời hứa anh từng viết trong quyển nhật ký. Anh vẫn ở bên tôi, nhưng trong hình hài của khói sương. Tôi cảm nhận được Minh ở bên tôi, đi cùng tôi trên mọi nẻo đường, ngay trên chuyến tàu Kết nối di sản này cũng có hình bóng của Minh, nhưng mãi mãi tôi vẫn không bao giờ nhìn thấy hay chạm vào, hay lắng nghe Minh nói được. Anh đã nằm lại trong lòng đất mẹ miền Trung sau cơn bạo bệnh. Sau này, tôi mới biết rằng vì sợ để lại những hình ảnh không đẹp về anh trong tôi nên anh đã trở về miền quê rêu gió của mình, sống những ngày cuối cùng trong niềm thương, nỗi nhớ. Tôi về nhặt lá rơi bên mộ anh, thoáng nghe lòng mình bồi hồi. Hình như anh vẫn ở đâu đó quanh đây, vẫn nhìn tôi chăm chăm, dõi theo từng bước chân của tôi dù tôi có đi đến đâu trên dải đất hình chữ S xinh đẹp...

*

Tôi không kể câu chuyện đó cho Tuấn nghe, bởi đây là lần đầu tôi gặp anh, phần vì tôi thường không chia sẻ những điều tiêu cực cho những người bên cạnh. Trong mắt họ, tôi vẫn là cô gái nói nói cười cười, lúc nào cũng tỏ ra mình thật mạnh mẽ, dù trong lòng là một trời giông bão bủa vây. Muông từng khuyên tôi: “Cố tỏ ra mạnh mẽ làm gì, cứ sống thật với chính mình, vui cứ cười, buồn cứ khóc”. Tất nhiên, Muông có cái lý của Muông. Tôi vẫn tôn trọng và ghi nhận những điều Muông chia sẻ. Tôi chỉ loáng thoáng nói với anh rằng, trong quá khứ, tôi đã từng yêu một người như sinh mệnh. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên từng đường nét trên khuôn mặt, từng cử chỉ, nụ cười... của người ấy.

Ở Tuấn có nét gì đó rất giống Minh, thật lạ kỳ. Nhất là sự chân chất, mộc mạc, và cả hai đều là người miền Trung. Mới gặp Tuấn chưa đầy nửa ngày, chỉ từ khi đoàn tàu Kết nối di sản miền Trung di chuyển cho đến khi tàu vừa dừng ở ga Lăng Cô ít phút để du khách bước xuống chụp ảnh với nhà ga được xây cất theo lối kiến trúc cổ điển. Tôi và Tuấn không xuống tàu, cứ ngồi ở toa cộng đồng để nhấm nháp ly cà phê mới và nhìn mưa chảy thành dòng ngoài cửa kính. Anh tâm sự với tôi rất nhiều điều, về anh, về Huế, về miền Trung,...

- Tuấn này, trông anh rất giống một người - Tôi khe khẽ.

- Giống ai, một người quen của em hả?

Tôi gật đầu:

- Một người mà em chẳng bao giờ quên được. Một người thiên cổ...

Tuấn nhìn đăm đăm vào mắt tôi. Tôi cười, biết đáy mắt mình đã để lộ đôi điều mình giấu kín.

Tàu rục rịch, tiếp tục hành trình về với đất Cố đô.

Một khoảnh khắc nào đó trong chặng đường vừa đi, Tuấn khẽ chạm vào bàn tay của tôi khi tôi đang để hờ tay trên cửa sổ, vẽ ngón tay theo giọt nước buông xuống như nước mắt từng tuôn trong quá khứ. Tôi không rụt lại. Tay Tuấn mềm. Anh thỏ thẻ:

- Em sẽ lại mở lòng chứ?

Tôi ngạc nhiên nhìn Tuấn. Câu hỏi vội vã quá, tôi vẫn chưa nghĩ ra câu trả lời sao cho thỏa đáng. Anh nói tiếp:

- Một người miền Trung.

Tim tôi thắt lại. Miền Trung - mảnh đất chất phác hiền lành, miền quê yêu dấu của người tôi thương, đồng bằng ven biển mà tôi đã nhìn ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của cảnh sắc trong lúc di chuyển từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vào Nam bằng tàu sau lần tim vụn vỡ...

- Tuấn... - Tôi lắp bắp. Nếu Tuấn không nắm chặt tay tôi, có lẽ tôi đã kìm lòng không được mà bật khóc.

- Nín đi, em. Anh biết rằng Minh sẽ yên lòng nếu biết em sẽ sống những ngày hạnh phúc.

Minh từng nói: “Anh không bỏ rơi em...”, đến giờ Minh vẫn không bỏ rơi tôi. Và Minh đã chọn Tuấn để lấp đầy khoảng trống mà anh để lại khi anh rời tôi trong chiều thành phố ánh hồng sắc lộc vừng và nắng nhạt. Tuấn nói với tôi rằng, trong những phút giây cuối cùng trước khi khép lại một hành trình ý nghĩa, Minh đã nói với Tuấn về tôi, nói với Tuấn về tình yêu của anh dành cho tôi...

Đoàn tàu dần tiến vào nội ô thành phố Huế. Chuyến tàu đúng nghĩa “kết nối”, văng vẳng suốt chặng đường là những giai điệu ngọt ngào của xứ Huế mộng mơ. Tôi nói với Minh lời chia tay trước khi tàu dừng ở ga Huế, nhưng không phải là Những cuộc chia lìa khởi tự đây... như tôi vẫn thường nghĩ về sân ga, con tàu, về dấu yêu bỏ ngỏ... mà để nhìn ngắm lại lòng mình, để chia tay những nỗi niềm thẳm sâu u buồn, nạp năng lượng bước đi trên hành trình sau tiếp.

Đoàn tàu Kết nối di sản miền Trung đỗ ở ga Huế lúc 11 giờ 10 phút. Tôi vẫy tay chào Tuấn. Anh đeo ba lô đi trong nắng trưa nhuộm vàng xứ Huế. Một quãng xa, Tuấn ngoái lại nhìn tôi. Tôi cười tươi rói. Tôi thấy Tuấn rời khỏi ga và đi về phía đường Lê Lợi - con đường phủ rợp sắc xanh của cây cối ven bờ nam dòng Hương thơ mộng. Còn tôi thì lững thững kéo vali đi về Memory, gặp Muông. Cô bạn đã về Huế từ mấy hôm trước và đợi tôi đến để “chữa lành”.

Giờ đây, tôi thấy mình nhẹ bẫng, mát rượi và lẫn trong đó cả sự háo hức, đợi chờ...

Hoàng Khánh Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Nắp bể nước ngầm là gì? Lợi ích khi sử dụng nắp bể ngầm inox cho gia đình

Nắp bể nước ngầm là một bộ phận có vai trò quan trọng trong hệ thống bể ngầm trữ nước của gia đình. Sản phẩm này không chỉ đảm bảo an toàn cho nguồn nước, tăng tính thẩm mỹ cho công trình mà còn có khả năng chịu tải và chống nước tốt. Vậy nắp bể ngầm có những loại nào? Ưu điểm khi sử dụng sản phẩm này là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

Nắp bể nước ngầm là gì Lợi ích khi sử dụng nắp bể ngầm inox cho gia đình
Mẹ Xuyến

Ngày con bé Xuyến ra đời, cha nó đón nhận với vẻ thờ ơ. Ông là con độc đinh, muốn cha mình được thấy đích tôn trước lúc qua đời. Từ trạm xá về là ông đi biệt mù cà cưỡng, cả làng quê phía hạ lưu sông Hương tê tái đi tìm mà không thấy bóng ông. Bà ngoại Xuyến thương con gái, đưa hai mẹ con về nuôi. Vài năm sau có người tử tế ngỏ lời, không chờ đợi được con người bạc nghĩa đã bặt tăm đó, không cần giấy tờ, đơn trương để bỏ, bà gả con gái và lãnh phần nuôi cháu ngoại. Thương yêu chăm bẵm cháu chưa bao năm thì bỗng nhiên bà ngã bệnh, chỉ một ngày là tìm về nằm bên ông ngoại, trên gò đất mênh mông nắng gió ngoài nghĩa địa làng.

Mẹ Xuyến
Núi trở mình trong đêm

Ruộng lúa gần hai sào, sắp đến ngày thu hoạch. Thửa ngô năm nay mất mùa, phần bị khỉ về phá, chẳng còn được bao nhiêu. Đêm ở lại trên rẫy canh ruộng, Nam khó ngủ. Cậu thấy bất an trong người. Gió thổi từng đợt len lỏi qua các khe hở, lạnh đến thấu xương. Nam ngồi dậy, nhóm lại bếp lửa sưởi ấm.

Núi trở mình trong đêm
Đẩy lùi bạo lực gia đình

Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp đã và đang có nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên cơ sở giới, các hoạt động vì phụ nữ yếu thế.

Đẩy lùi bạo lực gia đình
Thời hoa niên

Thời hoa niên, tôi dám cá rằng điều ước lớn lao nhất của đám học trò không phải là có thành tích học tập đứng “top”, mà là có một mối tình đẹp giống như những bộ phim thanh xuân vườn trường chúng nó hay xem.

Thời hoa niên

TIN MỚI

Return to top