ClockChủ Nhật, 06/08/2023 06:39

Và ba mươi lăm năm sau

TTH - Thoáng đó mà đã ba mươi lăm năm, cái khoảng thời gian dài đến thế giống như một cuốn phim quay chậm với biết bao nhiêu câu chuyện. Cũng có thể khi đã già người ta lại thích kể chuyện ngày xưa, ba mươi lăm năm của đời sống vợ chồng có biết bao nhiêu là kỷ niệm để cho chị kể.

Con mèo đen

leftcenterrightdel
 

Chị nhớ không thể nào quên được hôm cái ngày vừa cưới nhau, anh đã bỏ quần áo vào trong va li, rồi bảo chị sáng hôm sau đi Đà Lạt hưởng tuần trăng mật. Với tụi trẻ bây giờ, hưởng tuần trăng mật là tận hưởng sự riêng tư ở một thành phố đẹp, có khi thuê hẳn một căn phòng sang trọng ở resort nào đó tại Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang hoặc Sa Pa để thực sự tận hưởng, trong điều kiện chiếc điện thoại nào cũng có thể chụp hình, lại có vô số app để làm đẹp đưa lên facebook hoặc zalo giống như các tài tử điện ảnh. Còn tuần trăng mật của anh chị ngày đó chẳng có một tấm ảnh kỷ niệm nào vì không có máy ảnh, không có điện thoại có thể chụp hình và cũng chẳng có facebook. Nhưng vào thời đó, đi hưởng tuần trăng mật là điều hiếm hoi.

Hồi đó tiệc cưới tổ chức ở nhà, hàng xóm qua nấu nướng phụ, có người đi ăn đám cưới chẳng mang theo quà tặng, còn người khác thì tặng chén bát, ly tách, sổ tay… và thậm chí còn tặng một bài thơ. Hai vợ chồng sau ngày cưới lúc đó chỉ có ít tiền gọi là đi chơi, cho nên chọn ở nhà bà cô. Bây giờ nhớ lại chị nói: “Buồn cười thật anh há?”. Mà buồn cười thật khi buổi tối hai vợ chồng được xếp đặt ngủ hai nơi, giống như bị cách ly. Và vào thời điểm đó, khi đi dạo các cửa hàng quần áo ở khu Hòa Bình, chị cứ ngắm mãi chiếc áo khoác rất đẹp màu tím nhạt treo trong một shop thời trang, nhưng không có tiền mua. Anh buột miệng nói với chị rằng một ngày nào đó khi làm ra tiền, anh sẽ mua tặng chị.

Cuộc sống cứ trôi qua từng ngày, từng tháng. Hai vợ chồng cũng quên mất cái thuở khởi đầu lên Đà Lạt ấy. Rồi nhiều năm sau, ngôi nhà của bà cô mà anh và chị từng ở đã bán đi, và nơi này đã được xây dựng mới, thay chủ mới. Kỷ niệm lần đầu cùng đi Đà Lạt ấy dần dần chỉ còn nằm trong ký ức khi phải lo toan biết bao nhiêu điều với cuộc sống, lo nuôi hai đứa con mỗi ngày mỗi lớn cho đến khi hai đứa vào đời, có gia đình. Rảnh rỗi, anh và chị lại chọn đi Đà Lạt. Rồi mỗi năm anh và chị đều phóng xe đi Đà Lạt bằng xe máy vào ngày kỷ niệm hai người thành chồng vợ, hoặc đôi khi chỉ là muốn đi ngắm hoa dã quỳ nở hay Đà Lạt đang se lạnh, đang bung nở hoa đào. Và tất nhiên là không phải như thuở đó phải ngủ ở trong hai căn phòng khác nhau, mà lại thường chọn một khách sạn nhỏ, yên tĩnh để nghỉ ngơi và sau đó lại chở nhau đi khắp ngõ ngách ở Đà Lạt. Những chuyến đi Đà Lạt bây giờ đầy niềm vui và tiện nghi. Có khi anh thuê phòng ở một resort, nơi khuôn viên đầy cỏ hoa, căn phòng nhìn ra một khu vườn đẹp, có những con đường quanh quanh đổ sỏi và những chiếc xích đu đầy hoa lá. Để gợi nhớ lại hai vợ chồng của ngày đi trăng mật, chỉ là ở nhờ nhà bà cô, căn nhà gỗ nhỏ chẳng hề lãng mạng tí nào.

Vậy mà đã hơn 35 năm ở bên nhau. Ba mươi lăm năm hơn ấy lắm lúc cãi nhau như thể có thể chia tay nhau, nhưng rồi làm hòa nhau một cách mau chóng. Thời trẻ anh dễ dàng bỏ bữa cơm, nhưng giờ có giận vợ anh vẫn ngồi ăn cơm đúng bữa. Thời trẻ giận chồng, chị xách xe đi ra biển, rồi tìm cái ghế đá nào đó mà ngồi thút thít cho vơi cơn buồn. Hai vợ chồng giận nhau, căn nhà im ắng đến độ tiếng gió khẽ lùa qua khung cửa cũng tạo thành âm thanh. Rồi anh luôn là người xin lỗi trước, anh nói là giận nhau buồn lắm. Chừng ấy năm, nhiều khi không có tiền cũng chẳng sao, chị ra chợ chạy vạy mở cửa hàng bán bánh kẹo, còn anh thì đi bỏ hàng. Những ngày bán hàng ngoài chợ ấy, hai vợ chồng tham công tiếc việc, chở nhau đi từ mờ sáng và về nhà thì trời đã đỏ đèn. Khi đó chẳng có ngày nghỉ lễ và chẳng có ngày kỷ niệm. Chị nói: “Mình già rồi, lễ lộc làm gì anh nhỉ?”.

Bọn trẻ bây giờ sống khác xưa, chỉ mới yêu nhau mà đã tổ chức tiệc sinh nhật thật rộn ràng, ở những quán xá sang trọng, và tất nhiên là hoa rất nhiều. Nhìn thấy thế, nhân ngày sinh nhật của chị, anh đã đặt một lẵng hoa thật đẹp qua shop hoa. Hôm đó anh giả vờ đi vắng, ai ngờ khi về bị chị nhăn: “Anh bày vẽ như thế tốn kém lắm có biết không? Mình già rồi, tặng hoa như thế tức cười lắm”. Vậy là từ đó, anh chẳng dám tặng chị một lẵng hoa nào, chỉ mua những món chị thích như son, túi xách, dầu gội đầu… và tất nhiên là chỉ vừa túi tiền hoặc anh nói giá thấp xuống chỉ vì sợ chị chê mắc.

Vậy là đã ba mươi lăm năm bên nhau. Con cái đã ở xa, thỉnh thoảng tụi nó gọi điện về hay vào ngày hè, ngày tết thì về cũng rất nhanh. Căn nhà có hai vợ chồng và một khoảng sân rộng trồng đủ loại hoa. Anh chăm sóc những bông hoa, còn chị thì hàng ngày tưới cây. Hoa cỏ rất lạ, có người chăm sóc cứ lén nở tạo một vẻ đẹp cho một góc sân nhà. Anh đi làm về, kể cho chị những câu chuyện vui buồn. Chị ở nhà, lo chuyện gia đình, có khi đi sinh hoạt ở một Câu lạc bộ thiện nguyện hay tụ họp nhóm bạn học ngày xưa vào ngày đầu tuần, kể dăm ba câu chuyện xưa cũ làm vui.

Rồi tổ chức kỷ niệm 35 năm ngày cưới. Kỷ niệm 35 năm ngày cưới thì anh và chị đã già theo đúng nghĩa tuổi tác, đó cũng là kỷ niệm sinh nhật của chị “dồn chung” vào cho khỏi tổ chức hai lần cách nhau vài ngày - chị nói thế, tính chị vốn tiết kiệm. Hai đứa con gái ở xa luôn nhớ ngày kỷ niệm của ba mẹ, gởi hoa trước một ngày để ba mẹ còn đi đâu đó. Đó cũng thành thói quen tạo niềm vui và gắn kết tình yêu thương trong gia đình. Hoa được gởi sớm, anh bảo: “Mình đi Đà Lạt”.

Vẫn là chuyến đi Đà Lạt như bao lần đi trên chiếc xe máy rất quen. Con đường cũng rất quen từng nơi dừng lại. Là dưới chân đèo Khánh Lê có quán Bến Lội, rồi hết đèo là đến quán cà phê nhỏ trên con dốc cao ở thị trấn Long Lanh. Mùa này hoa đào chưa nở, hoa dã quỳ chưa nở, nhưng trời đất xanh trong và trên con đèo vô vàn ngọn cỏ lau bung trắng đón chào. Xe vào Đà Lạt, vòng hồ Xuân Hương, như những lần trước thì anh rẽ lên đường Bùi Thị Xuân, lấy phòng ở một khách sạn quen. Lần này thì khác, anh đã đi tiếp rẽ đến hồ Tuyền Lâm, một resort thật đẹp đã ở trước mặt chị. Chị xuống xe, cười: “Người ta đến resort bằng ô tô, mình lại đi xe máy”. Anh vuốt mái tóc chị, lâu lắm rồi anh mới vuốt mái tóc chị.

Tiệc tối anh đã đặt sẵn, anh không nói trước với chị vì chị rất tiết kiệm, chị bảo không cần hoang phí. Những ngọn nến cháy lung linh, bầu trời Đà Lạt đêm nay có trăng tỏa sáng và nhạc rất khẽ, những bản nhạc không lời vỗ về. Trước mặt là hồ Tuyền Lâm lung linh những ánh đèn, anh và chị như đôi tình nhân son trẻ.

Chị và anh cụng ly vang sánh đỏ, anh đứng dậy, đến chỗ chị, ôm chị vào lòng, hỏi: “Em có lạnh không?”, chị nói: “Đà Lạt lạnh lắm”. Khá bất ngờ anh lấy chiếc hộp thắt nơ đỏ để ở chiếc bàn bên cạnh, chị đã thấy chiếc hộp đó nhưng không chú ý. Anh thầm thì: “Lấy nhau 35 năm anh mới mua được món quà này cho em”. Đó là chiếc áo khoác rất đẹp, giống như giấc mơ 35 năm trước khi chị cùng anh lên Đà Lạt và mơ sẽ có một chiếc áo khoác. Mãi đến ba mươi lăm sau anh mới tặng được cho chị món quà mơ ước.

Khuê Việt Trường
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chùa trên núi

Ngôi chùa nằm cheo leo trên một ngọn núi. Đường lên chùa ngoằn ngoèo, khúc khuỷu bám theo sườn núi nên chẳng mấy người lên chùa, thành ra chùa vắng vẻ quanh năm. Nếu như không có người dẫn lối hoặc nhắc tới thì hẳn chẳng ai biết trên núi này còn có một ngôi chùa. Vào những buổi sương mù, ngọn núi chìm trong một vùng mịt mờ trắng đục. Nhìn từ xa, ngọn núi mờ ảo, chỉ khi nắng lên, sương tan, đỉnh núi mới hiện rõ và xung quanh vẫn còn phủ vài đám mây trắng, khiến cảnh vật đẹp một cách lạ kỳ. Vậy nhưng, ngôi chùa vẫn khuất trong dáng núi, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ um tùm, chỉ tiếng chuông chùa là vang vọng lan xa, rồi tan dần vào gió, vào mây, vào nắng, vào tháng năm.

Chùa trên núi
Về miền an tĩnh

Sáng sớm đầu hè, dạo xe qua cung đường gần chùa Từ Đàm, tôi bỗng ngẩn ngơ dưới triền hoa sứ trắng. Cùng những giọt hồng tía của tia sáng đầu ngày, những cánh hoa vươn lên, và hương thơm như được ủ thêm men say của sương đêm tối qua mà sáng nay càng nồng nàn, ngan ngát.

Về miền an tĩnh
Hiên nhà có mẹ

Phú trở về nhà khi bóng chiều đã ngả vàng. Đèn đường bật sớm. Ở đầu hẻm, nồi bún riêu của bà cụ cũng cạn đáy, chắc chỉ còn đủ tô cuối dành cho Phú.

Hiên nhà có mẹ
Niềm vui đời thường

Nhà có ba anh em thì anh trai cả và tôi đều sinh sống và làm việc ở tỉnh xa. May mà có vợ chồng cô em út làm nhà ngay trong vườn, sát cạnh nhà cha mẹ đã già yếu, đỡ đần sớm hôm lúc các cụ trái gió trở trời. Để phần nào “bù đắp” về việc mình không thể thường xuyên chăm sóc được cha mẹ, thời gian qua, lần nào về quê tôi thường đến siêu thị gần nhà, tranh thủ mua những loại thức ăn tốt cho sức khỏe của người già, cất vào tủ lạnh để cha mẹ dùng dần. Đồng thời, xin số điện thoại của nhân viên siêu thị, kết bạn zalo. Siêu thị có dịch vụ ship hàng tận nhà cho khách. Các bạn nhân viên cũng nhiệt tình tư vấn (gửi kèm hình ảnh qua zalo) nên dù ở xa, tôi vẫn có thể dễ dàng chọn lựa những loại trái cây tươi ngon cho cha mẹ.

Niềm vui đời thường
Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Return to top