ClockChủ Nhật, 29/08/2021 16:00

Xóm nhỏ

Phía trước tay lái là sự sốngNước mắt của ba

Xóm chỉ hơn mươi nóc nhà nằm ẩn dưới những hàng điều lâu năm mát rượi, đối diện là lô cao su trải dài, hàng nối hàng sâu thăm thẳm. Buộc lại bao hạt điều đã cạo sạch, Thẩm ghé mang qua cho mẹ con Nhiên ít rau. Thấy chị từ xa, thằng Tí đã nhảy cẫng gọi mẹ. Rồi nó chạy ùa vào lòng chị, ríu rít như chim non. Nhiên từ sau bếp nói vọng ra:

- Chị Thẩm vào đi, em đang dở tay xíu.

- Ờ, mang cho em mớ đậu bắp với mấy quả cà chua.

- Vâng, thêm ít dọc mùng và vài trái me nữa, nấu canh chua là tuyệt đấy ạ!

Căn phòng bề bộn, Thẩm thu gọn rồi len ra sau. Nhiên mang mớ rau cải chưa cắt gốc còn vương đất ra ngồi cạnh Thẩm, hai người cùng nhặt. Xóm vắng người vì nhà nào cũng đi nương rẫy và dựng lều tạm ở lại trông nom, phát cỏ, bón phân, thu quả…, mỗi tháng họ ở đây chẳng được mấy ngày. Đưa tay lựa thêm cành củi chụm vào bếp, Thẩm gợi chuyện:

- Nhiên này, cu Tí sắp lên lớp một rồi nhỉ?

- Dạ, năm học tới. Mai mốt chị phải gọi là Quân, hôm qua từ trường mẫu giáo về Tí dặn em thế đấy.

- Thằng bé kháu quá, tiếc là…

Thẩm ngưng giữa chừng, chị sợ nhắc đến lại làm Nhiên nghĩ ngợi. Mới đó mà đã gần sáu năm kể từ ngày chị bắt gặp Nhiên ngơ ngác hỏi đường về Sài Gòn giữa khu chợ thị xã. Chả là khi lên xe, không rõ tài xế lơ đễnh thế nào mà nghe nhầm điểm đến của cô. Nhiên say xe nên nằm bết, nghe phụ xe gọi thì lật đật xuống thôi. Lúc biết ra thì xe đã chạy xa mất rồi. Hôm đó đúng phiên chợ, mua đồ xong Thẩm ra chờ bắt xe buýt về nhà. Thấy cô gái cứ nhìn xuống cái bụng nhô to vẻ đầy lo lắng, Thẩm ôn tồn bắt chuyện:

- Em cũng đi tuyến buýt này à?

- Em…, em đi Sài Gòn cơ. Từ đây tới đó còn bao xa nữa chị?

- Giờ này không còn xe chạy nữa. Có chuyện gì gấp, sao không để sáng mai?

- Em… em bị xe trả nhầm chỗ. Em không phải người ở đây…

- Vậy tối nay em định ở đâu? Thôi thế này đi, tôi ở một mình, nếu không ngại em về ngủ tạm.

Nhiên mới 21 tuổi, quê Vĩnh Phúc, đang là sinh viên trường sư phạm thì phải nghỉ ngang. Cô muốn vào Sài Gòn tìm chủ nhân của cái thai trong bụng. Người con trai cô gặp trong lần lớp tổ chức đi thực tế ở Sa Pa đầu xuân cách đây chừng hơn tám tháng trước. Anh ta nói giọng miền trong ngọt ngào, là nhân viên của một công ty truyền thông. Anh chụp ảnh cùng Nhiên, rồi bất ngờ dúi vào tay cô tờ mười nghìn mới coóng. Nhiên phì cười, chắc tại thấy cô mặc bộ đồ dân tộc đây mà. Cô trả lại anh tờ tiền, giọng xắc xéo: “mấy người như anh làm dân Sa Pa hư đấy nhé”. Sau đó, họ trở thành bạn đồng hành trong suốt chuyến đi 3 ngày của Nhiên. Về Hà Nội, anh đến tìm Nhiên ở ký túc xá. Chưa đầy hai tháng trong đợt công tác của anh, họ yêu nhau. Đứa bé này là phút yếu lòng của Nhiên.

- Ở quê người ta coi chữ trinh của người con gái quý tựa ngàn vàng. Biết chuyện em có con, cha mẹ rầu lắm.

- Thế còn anh ta? Thẩm tò mò

- Cũng hơn bốn tháng nay anh ấy… mất tích.

Cả đêm ấy, Thẩm cứ trằn trọc mãi, ngẫm đời mình bạc. Chồng chị vì những phút ham vui khi xa vắng vợ lâu ngày nơi bến cảng, những khi được thưởng hậu hĩnh vì giúp các ông chủ xuất kịp hàng, vui say chè chén, anh sa ngã vào cuộc ái tình theo kiểu “bóc bánh trả tiền”. Khi biết mình mắc căn bệnh thế kỷ, thâm tâm anh đều tuyệt vọng, buông xuôi, rồi ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Khi ấy Thẩm ba mươi, đứa con gái mới bảy tuổi.

Một ngày mùa cách ngày chồng mất chưa tròn năm, đang tranh thủ phơi đống rơm vừa tuốt hồi chiều, Thẩm nghe từ xa tiếng xe đạp lốc cốc, tiếng thở hổn hển:

- Dì Thẩm… Cái Thúy… dì về ngay đi!

- Thúy, sao? Nó làm sao?

- Mấy đứa nhỏ tập tành chèo thuyền thúng qua bãi cát, cái Thúy đòi theo… Chết… chết đuối… rồi!

Thẩm chết lặng, tất tưởi chạy về phía bờ sông. Bến sông đông đặc người, Thẩm gào khóc đến ngất đi. Hai giờ sáng, người làng chài “câu” được con bé. Nó từng ngọng nghịu bảo muốn làm cô giáo, làm cô giáo oai lắm phải không mẹ?... Vậy mà…

Trong một năm, Thẩm mất chồng, mất con. Cha mẹ chồng hiểu và thương chị, không muốn chị vướng bận mà bỏ quên hạnh phúc bản thân, nên đã về ở với chú út. Thẩm rời quê vào đây cùng một người làng, làm công nhân trong công ty chế biến điều, về sau chuyển sang làm tạp vụ cho khu sinh thái ngay gần đó. Quyết định chọn nơi này an cư, chị đã phải mất gần mười năm làm lụng và xây cất căn nhà. 5 năm nay, chị ăn chay trường. Mỗi sáng sớm và cuối chiều, căn nhà nhỏ của chị vang vọng lời tụng niệm lẫn mùi hương trầm phảng phất. Chị quỳ gối trước ban thờ, trước tượng Phật và di ảnh chồng, con, tĩnh tâm nhẩm những bài kinh kệ.

Nhiên đã không đi Sài Gòn, bởi nơi ấy không có lấy một người quen. Cô thuê một gian nhà trọ ngay đối diện nhà Thẩm. Người chủ xây dãy trọ với mục đích cho sinh viên thuê, nhưng mấy năm nay trường có ký túc xá, nên vắng khách. Nhiên vừa tập tành lấy hạt điều về cạo, rồi qua lời giới thiệu, Nhiên nhận dạy thêm cho mấy học sinh là con của người quen Thẩm. Ngần ấy năm, Nhiên coi chị như người nhà, thăm nom và chia sẻ mọi thứ. Con trai ra đời, Nhiên có Thẩm cùng chăm sóc, yêu thương. Nhiên thấy mình đã không rời xa nơi này được nữa. Ý định tìm cha cho con ngày nào cũng đã hóa xa xôi.

- Nhiên này! Cậu Hùng, cậu ấy thương em và bé Quân lắm đấy!

- Anh Hùng không còn cha mẹ, anh em thân thích phải không chị?

- Em có muốn xin vào công ty may không, nơi Hùng đang làm kỹ thuật trong ấy, lương bổng cũng khá lắm.

- Vâng, cạo điều mỏi mắt, đau lưng mà cũng chỉ tạm đủ sống. Mai mốt cu Tí đi học, chắc khó.

- Vậy em làm hồ sơ, rồi chị bảo Hùng đem nộp xin cho em. Trong ấy nghe bảo đang cần công nhân may, học việc một thời gian là làm được thôi.

***

Mùa khô tới, hoa điều nở tím, không gian huyền ảo dưới trăng. Bê chiếc ghế đẩu ra khoảnh sân trước ngồi hóng gió, bất giác Nhiên nghĩ đến Hùng. Người đàn ông độ ngoài ba mươi, ngày nào cũng ngang qua dãy trọ mỗi chiều muộn từ xưởng may, bế bổng cu Tí rồi vui đùa với nó. Anh mất cha mẹ từ nhỏ, cũng nhiều năm lang bạt khắp nơi, đánh giầy, bán kẹo kéo…, cũng từng trộm vặt, móc túi và có tiền án trong trại cải tạo một thời gian. Hùng đến xóm điều trước Nhiên hai năm, cũng thuê phòng trọ, làm lụng chăm chỉ như con ong đang xây lại cuộc đời. Nhiên biết anh có tình ý với cô, từ những con cá anh đi câu ngày chủ nhật, những bó củi cao su được chặt xếp gọn ghẽ trước hè. Ngày mưa, có anh ghé qua hỏi xem mẹ con cô có cần giúp gì, Nhiên thấy vững lòng lắm. Thỉnh thoảng cu Tí lại bắt mẹ mang cơm sang nhà Hùng để cùng ăn. Nhiên còn trẻ quá, nếu nói không cần hạnh phúc thì quả thật dối lòng. Cô từng mong được tựa vào một bờ vai rắn rỏi, muốn ngắm nhìn, trò chuyện với người đàn ông của đời mình mỗi ngày, cùng anh sẻ chia những vui buồn, hạnh phúc… Nhưng cô sợ, như con chim một lần té ngã sợ cành cong vậy.

- Cô Nhiên chưa ngủ à? - tiếng Hùng ấm áp từ phía xa.

- Vâng, anh Hùng nay về muộn nhỉ?

- Xưởng tổ chức kỷ niệm mười năm thành lập, mọi người đi ăn nhà hàng, vui một tí cô ạ.

Hùng đưa tay lấy thêm chiếc ghế ngồi cạnh Nhiên. Cô chẳng biết nói gì, ý nghĩ lộn xộn quá. Bất ngờ Hùng lên tiếng, ấp úng:

- Nhiên này! Tôi… tôi làm bố… bố cu Tí được không? Nhiên về với tôi cho vui, được… được không?

- Anh say rồi, đừng nói linh tinh.

Nhiên ngại ngùng, mặt nóng phừng phừng, lật đật đứng dậy toan vào nhà. Nhưng vòng tay Hùng đã ghì chặt cô từ phía sau.

- Anh thương Nhiên, thương cu Tí thật lòng mà. Ngày mai, mình nhờ bác Thẩm làm chủ nhé, em về với anh, mình là gia đình.

***

Hùng và Nhiên làm vài mâm cơm mời xóm giềng, bạn bè chung vui. Sau sáu năm, cha mẹ Nhiên cũng đã vui vẻ tìm đường vào thăm con gái và cháu ngoại. Nhiên không mặc váy cưới, nhưng điều đó với cô dường như chẳng còn quan trọng nữa. Người trong xóm thấy mỗi chiều sau giờ làm, vợ chồng Nhiên đón con, gia đình họ vui cười trên chiếc Dream cũ. Thẩm đã nhượng lại căn nhà cho vợ chồng Nhiên không lâu sau đó rồi chuyển lên ở hẳn trong chùa. Cuộc sống của chị đã thuộc về một nơi khác, giản dị và bình an.

Xóm nhỏ ấy, vẫn chỉ mươi nóc nhà, bình yên nằm lặng dưới những tán điều, mát rượi…

MAI ĐÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top