Lớp tập huấn với gần 50 người tham gia. Ngoài việc học lý thuyết, các cán bộ thư viện còn được hóa thân thành "chuyên gia" phục chế những trang sách cổ đã hư hỏng sau nhiều năm lưu trữ, sử dụng.
Ông Nguyễn Quang Tiến, học viên của lớp học cho biết, bản thân ông là người yêu thích Hán Nôm và cũng đã được học cơ bản về lĩnh vực này, nhưng để tự tay mình trực tiếp phục chế những trang sách quý đã hư hỏng thì đây là lần đầu tiên. Theo ông, qua lớp tập huấn, ngoài việc học phục chế, còn được học cách tu bổ, đóng bìa, đóng tập, bảo quản những trang sách cổ đúng cách.
|
Học viên thực hành các công đoạn phục chế tài liệu cổ |
Theo thạc sĩ Bùi Tiến Phúc (chuyên gia trong bộ môn phục chế sách cổ), việc phục chế một quyển sách cổ rất khó, cần rất nhiều thời gian, kỹ thuật tỉ mỉ. Người thực hiện cần phải nắm hết tất cả nguyên vật liệu trong việc tu bổ.
Tại lớp tập huấn, học viên được tiếp cận các kỹ năng phục chế như gấp trang, ép sách, xếp trang, cố định ruột sách bằng đinh giấy, xén sách (đối với sách bồi nền), chuẩn bị bìa sách, đục lỗ, may sách, phục hồi bìa, vào bìa, đóng bìa mới...
Được biết, Thạc sĩ Bùi Tiến Phúc tốt nghiệp cử nhân Hán Nôm, khoa Văn học và Ngôn ngữ (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM), có thời gian công tác tại Thư viện Huệ Quang - Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang trước khi sang Đài Loan du học chuyên ngành Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Trường Fo Guang University vào năm 2020.
Ông Phúc từng thực tập tại Bệnh viện sách Đài Loan, làm việc tại phòng Bồi biểu Thư họa và Tu bổ hiện vật chất liệu giấy Duệ Nhã Hiên (TP.Tân Bắc, Đài Loan). Ông cũng từng là trợ giảng tại các lớp Bảo quản và Tu bổ hiện vật chất liệu giấy tại Lim Lian Geok Memorio (Malaysia).