|
Tháp cảng Kobe nhìn từ Bảo tàng động đất |
Người đưa đoàn chúng tôi đến thăm Kobe là Nguyễn Mạnh Ngọc. Anh quê Hà Nội, học luật; từ đầu những năm 1990 sang Nhật học tiếp và gần đây trở thành hướng dẫn viên của Vietravel. Theo lời của Ngọc, sau trận động đất 1995, Kobe có 2 công trình còn đứng vững, đó là tháp cảng Kobe và chiếc cầu Akashi Kaikyo vắt qua eo biển Akashi.
Tháp cảng Kobe cao 108m được xây năm 1963 uyển chuyển nhưng mạnh mẽ, sau thảm họa trở thành biểu tượng mới của người Kobe và chiếc cầu treo Akashi Kaikyo - nơi kết nối tinh hoa công nghệ, trở thành biểu tượng của đất nước Nhật Bản.
Cầu Akashi Kaikyo dài gần 4 cây số được xây dựng từ năm 1988, có 3 nhịp. Nhịp chính, khi xây dựng chỉ dài 1.990m nhưng sau trận động đất đã dãn thêm 1m! Bên cạnh những tiến bộ mới nhất được ứng dụng, thế giới nể phục khi biết, mặc dù bị tác động với cường độ 7,2 Richter nhưng cây cầu Akashi Kaikyo vẫn không hề hấn gì, nhờ có 2 hệ thống dầm cứng có khớp nối cho phép chịu đựng được sức gió 286km/h và chịu được động đất cấp 8,5 theo thang Richter và sự va đập của dòng nước.
Sau nhiều năm nỗ lực tái thiết, một Kobe trẻ trung, xinh đẹp hình thành.
Đến Kobe hôm nay, nếu chủ ý tìm kiếm dấu vết còn lại sau trận động đất, bạn có thể đến công viên Mariken. Tại hiện trường, một khu cầu cảng bị hư hại được giữ lại. Nhưng tập trung và đa dạng nhất là hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng động đất thuộc Viện nghiên cứu giảm nhẹ thiên tai & Đổi mới con người ( DRI) tọa lạc tại 1-5-2 ở đường Kaigan huyện Chuo. Đi vào hoạt động từ tháng 4/2002, DRI là nơi trưng bày, lưu giữ những tài liệu cùng nhiều dữ liệu liên quan đến trận động đất tại Kobe năm 1995 nhằm giúp mọi người rút ra bài học từ thảm họa. DRI còn là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương ở Nhật và chia sẻ với các quốc gia kinh nghiệm về ứng phó với động đất. Ở phía tây của tòa nhà, đoàn chúng tôi được đưa đến một khán phòng khá rộng có nhiều bậc từ thấp đến cao. Tất cả đều đứng và hướng mắt về màn hình lớn. Sau lời giới thiệu ngắn gọn, ánh đèn vụt tắt. Âm thanh, hình ảnh và ánh sáng của công nghệ 3D đã giúp chúng tôi tận mắt chứng kiến: “Cú sốc lúc 5:46”.
Chỉ trong chốc lát những công trình vẹn nguyên của Kobe đổ sụp. Điện chập, nhà cháy. Đường cao tốc bị vặn vẹo ngả nghiêng. Cảnh tượng thật hãi hùng!
Bảy phút trải nghiệm hình ảnh do cơn địa chấn mang tên Hanshin-Awaji mang lại khiến nhiều người đã không cầm được nước mắt, bởi chỉ trong vòng 20 giây. Vâng, chỉ có 20 giây thôi nhưng trận động đất Hanshin-Awaji đã làm cho 6.433 người thiệt mạng, trong đó có 4.600 người dân ở Kobe. Thành phố tan hoang. Giao thông, điện, nước, bệnh viện, trường học, công sở… cùng hàng trăm nghìn ngôi nhà bị sập đổ hoặc hư hại nặng; thiệt hại vật chất ước chừng 100 tỷ USD.Thời khắc ấy là 5h46 phút (giờ Nhật Bản) của ngày 17/1/1995!
Cứ ngỡ cơn “địa chấn” ấy sẽ làm cho Kobe quỵ xuống, nhưng tại một khán phòng khác rộng rãi hơn, chúng tôi đã chứng kiến sự trỗi dậy của Kobe, thông qua câu chuyện thương tâm của một cô gái được thực hiện dưới dạng phim tài liệu.
Khi ngôi nhà bị sập, cô muốn nán lại tìm cách cứu chị. Nhưng người chị không may mắn ấy đã van nài em: “Hãy chạy đi!”. Nghe lời chị, cô đã sống sót và như những người lâm nạn khác ở Kobe, cô bắt đầu đối diện với những thử thách khi sống trong cảnh không nhà, không điện, không nước và lạnh giá.
Xem 15 phút phim mang tên “Sống mãi với thành phố”, từ thẳm sâu, chúng tôi hiểu do đâu, Kobe hồi sinh thần kỳ. Trước hết và bắt đầu từ những tấm lòng thiện nguyện. Quân đội được điều động, nhiều đội cứu trợ khẩn cấp đã kịp có mặt để giải cứu những người còn mắc kẹt trong đống đổ nát, sơ cứu tại chỗ và đưa về bệnh viện điều trị. Những tòa nhà sót lại được trưng dụng làm nơi tạm trú. Các khu nhà tạm, khu tái định cư được gấp rút dựng lên. Kobe không hỗn loạn nhờ sự bao bọc của người dân và Chính phủ Nhật Bản. Thực phẩm, quần áo và các vật dụng thiết yếu được trực tiếp mang đến hay gửi miễn phí qua bưu điện. Nhờ thế mà hàng trăm nghìn người mất nhà vượt qua cơn bĩ cực để chung tay, góp sức tái thiết Kobe từ hoang tàn, đổ nát.
Bài học được ứng dụng ở Kobe trong tái thiết là khi xây dựng, móng các tòa nhà được chôn sâu hay được đặt trên các viên bi sắt lăn trên mâm trượt. Nó cho phép khi động đất xảy ra, mặt đất chỉ tương tác với các viên bi nên tòa nhà vẫn đứng yên.
Ngày nay, mỗi gia đình ở Kobe đều tự trang bị cho mình các túi đựng nhiều vật dụng thiết yếu như thuốc men, đèn pin, nước uống, thực phẩm… phòng khi nhà bị sập, điện, nước bị cắt có ngay vật dụng mà dùng.
Nhật Bản là đất nước đối mặt với động đất, sóng thần. Còn Việt Nam mình, nhất vùng duyên hải miền Trung thường đối mặt với bão, lũ. Năm 1999, Huế trải qua trận lũ lịch sử. Tổn thất tính mạng và tài sản vô cùng lớn. Nhưng để giúp các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu biết về tác hại của nó nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, ta chưa có nơi phục dựng, trưng bày. Phải chăng Bảo tàng Lịch sử là cơ quan có thể đảm đương?
Thiên tai gieo rắc cho nhân loại những nỗi đau giống nhau và khắc phục nó phụ thuộc vào tiềm lực, nghị lực và ý chí của con người.
Tôi nhận ra điều ấy từ thảm họa ở Kobe.