ClockChủ Nhật, 20/03/2022 06:27

Tham, sân và si

TTH - Ồ không, chắc chắn là tôi không bàn đến tính từ chỉ trạng thái này vì nó đã trở nên quá phổ biến khi bàn/nói đến tính cách tiêu cực trong thế giới người đời. Đương nhiên tôi cũng không muốn đề cập đến sự hủy diệt của nó nếu con người không biết cách chế ngự, không biết cách vượt qua và tự làm mình chết chìm bởi những thói tật đó.

Khi Ngọc nhắn tin hỏi về việc có nhận khách mang theo vật nuôi đến lưu trú 2 hôm hay không, tôi đã không hình dung được hai chú chó của em lại dễ thương đến vậy! Dễ thương ngay khi chú chó lông màu vàng be và không hề nhỏ lại ngoan ngoãn nép vào chân bàn khi cô chủ xinh xắn gọi “tham ơi, vào đây ngồi nè con”. Thấy chú chó có bộ lông màu đen líu tíu quanh sân cỏ và ngoắt ngoắt cái đuôi khi giọng cô chủ cất lên thật hiền “sân ơi, vào với tham nè, cứ chạy đâu vậy cà…?”. Cuộc trò chuyện sau đó với đôi vợ chồng trẻ mới hay, họ vừa có một chuyến đi dài kể từ khi ngược Bắc về đón tết quê ở một xã xa xôi tận Ba Vì. Đồng hành với đôi vợ chồng trẻ trên chiếc ô tô cũ mang biển số 49, luôn là tham và sân. “Cứ thấy tụi em chuẩn bị va li là chúng chỉ chờ tót lên xe thôi” - Ánh, chồng của Ngọc kể.

Ấn tượng với câu chuyện của Ánh và Ngọc không chỉ dừng ở hai chú chó dễ thương ấy mà còn vì hành trình của họ suốt từ trong tết cho đến tận bây giờ. Hai bạn đã kể cho chúng tôi nghe về niềm vui đón năm mới bên ba mẹ của Ánh, về việc sắp xếp để đưa bằng được ba mẹ lên Hà Giang, lên Mai Châu (Hòa Bình), xuống Hà Nội và sau đó tiếp nối hành trình xuôi nam của mình. “Nếu tụi em không kiên quyết, chắc bố mẹ em không khi nào đi khỏi lũy tre làng - Ánh nói thêm - tụi em xem việc đưa các cụ đi du lịch vừa rồi là một cuộc thăm dò, vì bố mẹ em phấn chấn lắm. Hy vọng bố mẹ em đủ khỏe để đến được nhiều nơi khác và trải nghiệm các món ăn, lối sống và phong tục tập quán của các vùng miền…”.

Để thực hiện chuyến đi dài này, Ánh và Ngọc đã dành dụm và tìm việc làm online để có thể duy trì được thu nhập. Cung đường của họ vì vậy mà không hề bị thúc ép bởi thời gian hay điểm dừng. Ghé nơi này nơi kia cũng là một cách để họ nạp thêm năng lượng và kiến thức văn hóa trên cung đường trải nghiệm. Ánh nói đó là quãng thời gian tuyệt vời khi ở đâu cũng nhận được sự giúp đỡ nếu cần thiết và sự chân tình của người ở các địa phương mà cả hai ghé lại. “Tụi em không có hối hận nào hết khi chọn cung đường và hành trình này, dù thời gian rời Sài Gòn đã gần cả tháng rưỡi rồi – Ngọc không giấu sự phấn khích, dù giọng nghe vẫn nhỏ nhẹ - Cái tụi em có được, không chỉ là được về gần gũi bên bố mẹ mà còn là thời gian đồng hành cùng nhau trên dặm dài. Thế nên dù cơ bản là rong ruổi trên chiếc ô tô nhưng tụi em có nắng, có gió, có biển rộng sông dài với bao điều hay ho. Lại có cả tham và sân cùng đi nên tụi em không khi nào thấy đơn độc…”.

“À mà đội chó của em còn có con si, mà nó bị người ta bắt mất dịp đang loay hoay sửa nhà - giọng Ánh nghe có phần luyến tiếc - tham, sân và si nghe mù mù vậy chứ cũng là cách để tụi em nhắc nhở mình khi nói về nghĩa đen. Thực ra tên lũ nó phải viết theo tiếng Anh là time, sun và see. Đó cũng là điều mà hai đứa em luôn mơ ước và cũng là động lực để vượt qua khó khăn và thu xếp để đạt tới. Sau này em cũng sẽ kiếm thêm con se và con sua. Cũng là một cách để luôn nhắc mình phải biết cách chọn lối sống giản dị, chân thành…”

Tôi cũng định inbox cho Ngọc, rằng se sua được “google dịch” theo tiếng Bồ Đào Nha thì có nghĩa “nếu là của bạn”, nhưng bây giờ thì thời gian, mặt trời và biển cũng đã phần nào trở thành một phần của cuộc sống mà Ánh và Ngọc đã chọn rồi.

NGUYỄN AN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top