ClockThứ Bảy, 02/03/2019 09:52

Thầy lang

TTH - Theo gia phả của dòng họ Lê ngụ ở Bàn Môn (xã Lộc An, huyện Phú Lộc) khai canh làng La Khê (xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc) là cụ Lê Văn Vinh. Sinh thời, cụ Vinh là một lương y rất giỏi, chuyên về bệnh đậu mùa. Nghe danh, vua Tự Đức cho triệu vào cung để điều trị bệnh cho ngài. Công việc viên mãn, cụ được nhà vua trọng thưởng. Thấy dân chúng nghèo khổ, cụ kêu gọi họ theo mình đi ngược sông Truồi khai hoang lập ấp và được phép của triều đình, hình thành nên làng La Khê ở Lộc Hòa, còn gọi là La Khê Truồi. Cụ Vinh có người em trai là Lê Văn Trinh, cũng là một danh y nổi tiếng và là cố nội của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Tôi có dịp ghé thăm mộ phần của hai cụ ở thôn Làng Đông, xã Lộc Hòa. Chuyện các bậc khai canh, khai khẩn là những bậc danh y cho ta càng hiểu hơn truyền thống y học ăn sâu đến tận làng xã nơi xứ Huế. Huế là nơi tập trung nhiều nhà thuốc đông y lớn, nhiều danh y, ngự y nổi tiếng, nơi lưu giữ nhiều phương thuốc hay, bài thuốc quý. Huế còn có những gia tộc, làng xã nổi tiếng với nghề bốc thuốc mà dòng họ Lê ở làng La Khê Truồi là điển hình. Một thời ở các làng quê, cùng với ông thầy đồ (dạy học), hình ảnh thầy lang (bốc thuốc) trở nên thân thương với cuộc sống bao người.

Huế xưa có nhà thuốc Đồng Cát  danh tiếng của lương y Lê Hữu Hoàng. Kế nghiệp cha, ông Lê Hữu Mạch đã theo học nghề bốc thuốc. Ông bảo đó, là để duy trì nhà thuốc Đồng Cát và cũng là cách góp phần gìn giữ và phát huy giá trị tinh hoa của một nghề truyền thống đáng tự hào của quê hương. Nối gót ông, tất cả các con đều theo nghiệp y học cổ truyền. Cha con ông tâm huyết, cùng cố gắng học hỏi các cụ ngày xưa, nhất là về y đức. Tôi được biết, gia tộc có nhiều đời cùng theo nghiệp bốc thuốc cứu người không phải chuyện hiếm ở đất Thần kinh.

Huế đang lưu giữ 2 biểu tượng y học truyền thống, là Thái y viện triều Nguyễn và miếu Tiên y. Được hình thành từ thời Gia Long và hoàn thiện dưới thời Minh Mệnh, Thái Y viện triều Nguyễn là cơ quan y tế cấp trung ương chuyên chăm sóc sức khỏe cho vua, hoàng tộc, nội cung, quan lại trong triều đình, quản lý ngành y tế của cả nước và đó là đặc ân dành cho Huế với tư cách là kinh đô của đất nước. Còn Tiên Y miếu, hay được gọi là Y miến triều Nguyễn, hiện ở đường Lương Y, phường Thuận Lộc (Huế) là một trong những công trình thừa tự thuộc hệ thống quần tự của vương triều Nguyễn, nơi thờ các bậc thần y của phương Đông và các vị danh y có công với dân với nước, thể hiện sự tôn vinh các vị Thánh y, Tiên y đã làm rạng rỡ truyền thống y đức, y thuật.

Gần đây, không gian Thái Y đường triều Nguyễn được tái hiện như một điểm nhấn tạo nên sự mới lạ và hấp dẫn cho các kỳ Festival Huế. Tại không gian này, hàng ngày, các lương y sẽ tiến hành bấm huyệt, khám bệnh và bốc thuốc. Trong lúc đó, Tiên Y miếu được cấp kinh phí để tôn tạo, trùng tu và được giữ nguyên các chức năng là nơi thờ cúng các bậc Tiên y, Thánh y như dưới thời Nguyễn. Mới đây vào dịp đầu năm mới 2019, không gian trưng bày “Tinh hoa Đông y Huế” đã được giới thiệu tại Bảo tàng Văn hóa Huế. Lần đầu tiên, nghề đông y Huế được tái hiện khá rõ nét qua những hình ảnh, tư liệu và những hiện vật quý.

Bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, người Huế đang cố gắng gìn giữ, nhân rộng và lan tỏa những giá trị y học cổ truyền và hình ảnh ông thầy lang đức độ, như một nét văn hóa đẹp của vùng đất.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguyễn Quí - danh y thời Lãn Ông đang còn “lưu lạc”

Tên tuổi ông nếu không vì lẽ gì đó mà bị “đứt gãy”, biết đâu xứ sở ta cũng sẽ nhờ thế mà có thêm nhiều phương thuốc quý, nhiều cách chữa bệnh cứu người hay được lưu giữ, trao truyền...

Nguyễn Quí - danh y thời Lãn Ông đang còn “lưu lạc”
Bàn Môn đón khách về viếng Đại tướng

Những ngày qua, các con đường, ngõ xóm ở thôn Nam (Bàn Môn), xã Lộc An (Phú Lộc) - quê nhà của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh được chỉnh trang ngăn nắp. Người dân Bàn Môn không giấu được sự ngậm ngùi, tiếc thương về người con ưu tú của quê hương đã ra đi.

Bàn Môn đón khách về viếng Đại tướng
Dâng hương tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Sáng 20/2 (nhằm ngày 16, tháng Giêng năm Kỷ Hợi), Hội Đông y tỉnh tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nhân kỷ niệm 228 năm ngày mất của ông tại Miếu Tiên Y - 231, đường Xuân 68, TP Huế.

Dâng hương tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Return to top