Về nét mới của triển lãm, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Văn Hè - Giám đốc tổ chức không gian Hue Residence Arts, chia sẻ:
Đây là ý tưởng xuất phát từ nhu cầu thực sự của các nghệ sĩ trẻ, muốn giao lưu, kết nối với các nghệ sĩ đến từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước, qua đó thúc đẩy sự trao đổi văn hoá nói chung và nghệ thuật nói riêng. Qua triển lãm này, chúng tôi muốn đem lại cho công chúng một cách nhìn mới, phong phú, đa dạng về sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam.
|
Tác phẩm Mr A (tổng hợp) của Nguyễn An
|
Có cảm giác như các sân chơi thực sự chất lượng dành cho nghệ sĩ trẻ ngày càng ít trong thời gian gần đây?
Những năm trở lại đây, chúng tôi có nhiều sân chơi hơn khi mỹ thuật mở rộng biên độ và giao lưu giữa các vùng miền và nước ngoài. Huế đã thay đổi khá hơn ở bộ mặt của các không gian dành cho văn hoá nghệ thuật chung nhưng chưa có một không gian và một sân chơi đủ mạnh để nghệ sĩ thể hiện mình. Gần đây, nghệ sĩ trẻ Huế đã tự tìm cách tạo ra nhiều không gian, sân chơi cho mình như, Sông Như Gallery, New space, Then Studio, Hue Residence Arts, Vườn Mô rùa...; nhưng bên cạnh đó cần những không gian lớn và chuyên nghiệp hơn để tổ chức chuyên nghiệp và chất lượng hơn cho nghệ sĩ khắp mọi miền và cả nghệ sĩ đến từ nước ngoài như cần có bảo tàng nghệ thuật, trung tâm hoạt động tổ chức nghệ thuật.
Hạn chế về không gian dành cho nghệ sĩ khiến các nghệ sĩ khó mà hoạt động tốt, bởi lẽ tác phẩm chưa được sự trân trọng, các nhà sưu tập và curator cũng chưa để ý đến nhiều.
|
Tác phẩm Bầu bầu (sắt hàn) của Trần Văn An
|
Theo như cách mà anh nói thì có vẻ như phía Hội Mỹ thuật còn ít những hoạt động dành cho các nghệ sĩ trẻ?
Không phải là ít mà không có. Nghệ sĩ trẻ chỉ tham gia và hoạt động cùng với lịch có từ bao nhiệm kỳ không thay đổi gì, điều đó xảy ra như hoạt động nhàm chán. Nghệ sĩ trẻ không muốn tham gia với hình thức hoạt động 10 năm như một. Nghệ thuật luôn thay đổi, mới, lạ, hay mới đủ “sướng” cho nghệ sĩ và người thưởng lãm mới thú vị và quan tâm nhiều.
Nghĩa là các nghệ sĩ trẻ vẫn đang loay hoay tự tìm kiếm các sân chơi cho mình?
Chúng tôi luôn loay hoay tự tìm kiếm sân chơi và tạo ra sân chơi cho mình, thậm chí sân chơi và những nghệ sĩ đưa ra cuộc chơi khá tốt nhưng tìm người thưởng lãm cũng khó. Điều này cũng đã cho thấy cuộc sống hiện tại quá nhiều thứ chi phối, khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống mỹ thuật. Nói xa hơn là cách tiếp cận nghệ thuật của thế hệ trước thì tụt hậu, thế hệ chúng tôi vẫn loay hoay.
Theo anh, cần làm gì để các nghệ sĩ trẻ có sân chơi thể hiện mình và giao lưu, trao đổi văn hoá với các nghệ sĩ trẻ đến từ hai đầu đất nước?
Cần làm nghệ thuật tốt, cần có không gian tốt, cần tổ chức nghệ thuật tốt, cần quan tâm đến văn hoá nghệ thuật nhiều hơn... Tiếp cận, thay đổi, mở rộng cái nhìn và nhận thức để đời sống được nâng cao, để tạo ra những sân chơi thú vị hay sự gắn kết giao lưu với nhau. Khi mọi thứ tốt lên thì sự thay đổi và sáng tạo sẽ hay hơn. Vậy theo tôi nên tự “dọn dẹp” lại mình, và làm đẹp, tốt, hay cho chính mình và không gian sống của mình để đón bạn bè làm nghệ thuật, yêu nghệ thuật từ mọi miền đất nước nhiều hơn.
Anh nhìn nhận thế nào về việc các nghệ sĩ trẻ Huế đã và đang nỗ lực để tự tạo cho mình một chỗ đứng và khẳng định mình trong bối cảnh phát triển nghệ thuật đương đại Việt Nam?
Đó là điều tất yếu chúng tôi phải làm. Khi nghệ sĩ không có tác phẩm hay, mới trong đời sống đương đại thì không thể có chỗ đứng. Điều này cần nhiều sựủng hộ của Mạnh thường quân, các cơ quan nhiều hơn nữa và cái chính là các nghệ sĩ phải tự làm mới mình. Như thế thì tất cả chúng ta sẽ góp phần tạo nên diện mạo nghệ thuật đương đại mới hơn, thú vị hơn, thu hút hơn.