Trước hai ngày vào lễ tế âm hồn, Hội đồng Thất tộc cùng một số con dân của làng đi tảo mộ ở các nghĩa trang với hàng ngàn cô mộ ở Thủy Dương.
Tấm bia mộ và cồn mồ 8 làng tại chùa Ba Đồn. Ảnh: HK
Trước năm 1975, làng Phú Xuân có các nghĩa trang với hàng ngàn cô mộ ở xứ Thẩm Khê, Phủ Tú (xã Thủy Phước). Sau đó dời về Thủy Dương, một khu cô mộ gần Trường trung học phổ thông Hương Thủy và một khu cô mộ trong nghĩa trang phía nam của Thừa Thiên Huế. Những cô mộ này phần lớn là thường dân đã hy sinh, tử nạn trong sự kiện “Thất thủ kinh đô” 23 tháng 5 Ất Dậu (1885) và một số nạn nhân vô thừa nhận trong biến cố Mậu Thân (1968). Hỏi các vị bô lão làng Phú Xuân, tại sao không tổ chức lễ cúng âm hồn vào ngày 23 tháng 5? Các vị ấy bảo rằng, lễ cúng âm hồn của làng đã có từ xưa, làng vẫn giữ lệ ấy, nghĩa là trước năm Ất Dậu (1885), cả trăm năm làng từng tế âm hồn vào 16 tháng giêng âm lịch. Đã tế âm hồn thì phải tảo mộ trước hai ngày, vậy khu cô mộ ở đâu? Số lượng cô mộ khoảng bao nhiêu? Các bậc cao niên biết chuyện, theo truyền ức thì khu cô mộ khoảng vài ngàn mộ, tập trung ở bờ bắc sông Ngự Hà (sông Kim Long xưa), sau khi vua Gia Long xây dựng kinh thành, giải tỏa đền bù, để xây dựng khu vực có đàn Tiên Nông, Tịch Điền, trước chợ Tây Lộc hiện nay.
Trên Báo Thừa Thiên Huế cuối tuần 9 -12/2/2017, nhà báo Diên Thống viết bài “Những câu hỏi quanh tấm bia của ngôi mộ hiệp táng ở chùa Ba Đồn”. Sau khi khảo tả tấm bia “Ân tứ hiệp táng” thời Gia Long ở cồn mồ 8 làng, tác giả phát hiện điều khác thường mặt sau tấm bia và nêu vấn đề: “... tuy nhiên, ở mặt sau chỉ thấy còn hơn nửa dòng “lạc khoản” bên phải, phía dưới, ghi : “Cộng sơn doanh tam thiên lục bách bát thập tam huyệt”(tổng cộng có 3.683 huyệt mộ), còn phần chữ nhỏ hơn phía bên trên và dòng chữ chính ở giữa bia thì đều đã bị đục bỏ, vết đục rất sâu và triệt để”(tr.6). Tiếp theo, tác giả nêu hàng loạt câu hỏi và trả lời có tính “đề dẫn”, rất nghiêm túc, về hiện tượng bia bị đục.
Mạo muội kiến giải, trong 8 làng bị giải tỏa để xây kinh thành thì làng Phú Xuân là chủ yếu và số cô mộ cũng nhiều nhất. Trước đây, khi nghiên cứu và công bố về trận bộ chiến cầu Lạc Nô vào mùa hè năm Bính Ngọ, chúng tôi đã thông báo phát hiện phổ thờ thuộc tổng Phú Xuân, với thư tịch nói rõ người xưa đã tế âm hồn ngày 19 tháng năm từ năm Đinh Mùi (1787). Như vậy trận chiến 1786, riêng quân Trịnh đồn trú trong thành Phú Xuân đã bị Tây Sơn và dân nổi dậy giết khoảng 2.000 binh, chưa kể quân Trịnh và quân Tây Sơn tử trận trong cuộc hỗn chiến ở cầu Lạc Nô (hiện nay có xóm Nhạc Hộ) gần 1.000. Từ đó có thể đoán làng Phú Xuân và quan quân Tây Sơn đã thu dọn chiến trường, do “nghĩa tử nghĩa tận” đã mang thi thể các lính Lê -Trịnh tử trận chôn ở cồn đất bờ bắc sông Kim Long (sau là sông Ngự Hà), nay là khoảnh đất trước chợ Tây Lộc, tất cả 3.683 mộ.
Còn quân Tây Sơn tử trận, nửa đưa về quê hương, nửa táng ở bờ của hạ lưu sông Kim Long, nơi sông Kim Long đổ vào sông Kim Trà (sông Hương). Do Tây Sơn tổ chức an táng và có dựng bia nên văn khắc có nhắc Tây Sơn. Đây là lý do bia bị đục dòng chính giữa và phía trên lạc khoản. Vì bia thờ 3.683 cô mộ và “phép vua thua lệ làng”, người dân Phú Xuân vẫn bảo lưu ở cồn mồ 3.683 cô mộ. Khi di dời, làng vẫn tâu vua mang bia lên Ba Đồn. Để tiện, triều Nguyễn cho khắc vào mặt sau của bia những nội dung mới và vẫn giữ tấm bia “linh thiêng” trăm tuổi theo nguyện vọng của dân làng Phú Xuân vậy.
Trần Viết Điền