Tác giả Hoàng Trọng Thủy
Đọc có phương pháp
Tập sách gồm hai cuốn, một cuốn dành cho học sinh tiểu học và một cuốn dành cho học sinh trung học. Cẩm nang dành cho học sinh tiểu học gồm ba phần. Phần 1: “Bồi dưỡng hứng thú & thói quen đọc sách” gồm các bài viết về lợi ích, tác dụng của việc đọc sách đối với sự phát triển trí tuệ, nhân cách con người và cách rèn luyện thói quen đọc sách. Qua những bài viết này, các em học sinh hiểu được mục đích, ý nghĩa của đọc sách để tạo động lực cho bản thân.
Phần 2: “Hướng dẫn thực hành đọc sách” hướng dẫn quy trình và phương pháp đọc sách hiệu quả, từ khâu chọn sách, đọc, cách ghi chú, ghi chép, chia sẻ và thực hành.
Phần 3: “Thực hành đọc sách” hướng dẫn học sinh cách thực hành để việc đọc hiệu quả hơn thông qua những câu hỏi gợi mở về những điều tâm đắc, nội dung, nhân vật, tình huống... “Nhật ký đọc sách” giúp các em nhỏ rèn luyện thói quen ghi chép khi đọc; liệt kê, thống kê số sách được trong tháng hoặc năm.
Các biểu thực hành ghi chép, chia sẻ sau khi đọc được thiết kế đa dạng, từ dễ đến khó. Sau khi đọc, các em chọn quyển sách mà mình tâm đắc để thực hành và có thể chọn bất kỳ mẫu nào cảm thấy hứng thú để thực hiện. “Thử tài của bạn” gợi mở các em thử viết một cái kết khác của câu chuyện mà mình yêu thích để khơi gợi trí tưởng tượng. “Danh mục sách khuyến đọc” nằm gần cuối quyển cẩm nang là những cuốn sách được tác giả lựa chọn kỹ càng, gồm nhiều chủ đề khác nhau để các em tham khảo khi chọn sách.
Cuốn “Cẩm nang bồi dưỡng thói quen & phương pháp đọc sách” mang đến cho học sinh phương pháp đọc sách hiệu quả
Tương tự như cuốn cẩm nang dành cho học sinh tiểu học, “Cẩm nang bồi dưỡng thói quen & phương pháp đọc sách” dành cho học sinh trung học cũng giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị và tác dụng của việc đọc, giới thiệu các quy trình đọc; cung cấp các biểu mẫu thực hành giúp các em thực hiện tư duy và tổng kết sau đọc thuận lợi hơn. Tuy nhiên, phương pháp thực hành được nâng cao hơn để kích thích tư duy, như ứng dụng phương pháp tư duy có trọng tâm khi viết bài thu hoạch, khái quát lại nội dung đọc, những cảm nhận, phát hiện trong khi đọc, rút ra bài học từ cuốn sách…
Rèn luyện các kỹ năng
Trong mùa dịch COVID-19 năm 2020, những ngày giãn cách xã hội rảnh rỗi, anh Hoàng Trọng Thủy bắt tay vào viết “Cẩm nang bồi dưỡng thói quen & phương pháp đọc sách” vốn được ấp ủ từ lâu. Cẩm nang là kinh nghiệm được anh đúc rút sau hơn 13 năm thực hiện chương trình “Làm bạn với sách” của Tổ chức Zhi-Shan Foundation nhằm nuôi dưỡng, lan tỏa văn hóa đọc trong học sinh. Trước khi xuất bản, sách được anh Thủy gửi đến các phòng giáo dục nhờ góp ý.
Theo anh Thủy, đọc sách suy cho cùng là phương pháp tự học, tự bồi dưỡng. Nó không nên là hoạt động nhất thời, có giai đoạn mà là một phương pháp học tập trọn đời. Quan trọng là thế nhưng hầu hết học sinh đọc sách một cách tự phát, khá tùy tiện và thiếu phương pháp, dẫn đến đọc nhiều mà nhớ, vận dụng chẳng được bao nhiêu. Đọc có phương pháp sẽ giúp các em học sinh ngay khi đọc đã có định hướng và biết cách cô đọng lại những điều đã đọc.
“Tuổi thơ của tôi không có điều kiện được đọc sách. Đến khi vào đại học, tôi mới tiếp cận với sách. Giai đoạn đầu, tôi đọc nhưng không biết cách chắt lọc thông tin nên dù đọc khá nhiều nhưng không hiệu quả, không chắt lọc, nhớ được nhiều thông tin, kiến thức. Trong quá trình thực hiện các hoạt động đưa sách đến với học đường, tôi vừa làm vừa tham khảo, tập hợp phương pháp đọc sách bài bản, quy củ hơn và viết thành cẩm nang để hướng dẫn cho học sinh”, anh Hoàng Trọng Thủy chia sẻ.
Nếu không có phương pháp, nhiều người đến khi đọc xong cuốn sách mới biết là mình không cần quyển sách này. Cẩm nang hướng dẫn cho các em những tiêu chí để chọn sách phù hợp qua việc khảo sát tiêu đề, mục lục, nội dung… Những câu hỏi trong cuốn cẩm nang cũng giúp các em biết cách đọc sách để chắt lọc thông tin, gợi mở để học sinh rèn luyện khả năng tư duy, kỹ năng đọc, từ đó giúp các em phát triển khả năng ngôn ngữ, nói và viết lưu loát hơn.
Anh Thủy cho rằng, để đọc sách hiệu quả, các em cần đọc sách có chủ đích. Với bậc tiểu học, phụ huynh nên định hướng cho con đọc những câu chuyện, tấm gương để bồi dưỡng hứng thú cho các cháu. Ở lứa tuổi trung học nên hướng đến các chủ đề sâu hơn về lịch sử, văn học… Phụ huynh cũng cần bồi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ sớm từ lứa tuổi mầm non hoặc tiểu học.
Bài, ảnh: MINH HIỀN