ClockChủ Nhật, 05/01/2020 10:16

Bước chân đầu tiên đã khởi đi

TTH - Ý tưởng của thầy Phan Đăng nêu ra được mọi người ủng hộ. Thầy Không Nhiên (Phó Chủ biên kiêm Thư ký Tập san Liễu Quán) hào hứng đề cập về bộ mộc bản kinh Kim Cang có từ thế kỷ XVII đang được tàng lưu tại Từ Hiếu, Thiên Mụ…

Bữa cơm hôm ấy tôi hân hạnh được ngồi với những nhà giáo đáng kính: Thầy Phan Đăng, Trưởng khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Huế thời chúng tôi là sinh viên; thầy Cao Huy Hóa; nhiều vị nữa là lãnh đạo, giáo thọ của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (Học viện)… Suốt buổi, câu chuyện hầu như chỉ xoay quanh chủ đề sách vở, chữ nghĩa.

Chợt thầy Phan Đăng nói như tâm sự, rằng suốt quãng đời nghiên cứu, dạy học, ông đã lần hồi sở hữu được một gia tài sách kha khá. Không ít trong số đó là những cuốn sách hay, sách hiếm. “Con cái bây giờ không đứa nào chịu theo nghề tôi, cho nên tôi đang lo cho số phận cái tủ sách sau khi mình rời bỏ cuộc đời…”- Ông Đăng trải lòng. Sau khi nghĩ tới nghĩ lui, tâm nguyện của ông là sau này ông sẽ hiến tặng tủ sách của mình cho Học viện. Sách phải có người đọc mới “sống”, mới hữu ích. Còn cứ để trong tủ thì chỉ làm mồi nuôi mối nuôi mọt, chẳng ích lợi, chẳng quý giá gì nữa. Và môi trường học tập, nghiên cứu của học viện là nơi ông thấy phù hợp, đáng tin cậy để gửi gắm gia tài yêu quý nhất của đời mình.

Ý tưởng của thầy Phan Đăng nêu ra được mọi người ủng hộ. Thầy Không Nhiên (Phó Chủ biên kiêm Thư ký Tập san Liễu Quán) hào hứng đề cập về bộ mộc bản kinh Kim Cang có từ thế kỷ XVII đang được tàng lưu tại Từ Hiếu, Thiên Mụ… cùng bản in từ bộ mộc bản này đang được lưu giữ tại chùa Hải Đức; một số bản kinh được ông phát hiện và đang nâng niu giữ gìn bởi trong đó còn cả những bút phê chú giải của các bậc thầy tổ đời trước… Sẽ rất quý nếu chúng được quy về với Học viện để bảo tồn, phát huy, tránh nguy cơ hư hại, thất tán sau này…

Từ một vài tủ sách hiến tặng, một vài bộ sưu tập quý giá được quy về như thế, nếu được lưu giữ trang trọng và phát huy tốt, chắc chắn sẽ gây nên hiệu ứng rất thuận để gọi mời thêm nhiều tủ sách nữa quần hội.

Cũng trong bữa cơm ấy, có đề xuất khá thú vị được nêu ra, ấy là nếu như ý tưởng trưng tập sách hiến tặng mà thuận duyên, học viện nên suy nghĩ làm sao đó để mỗi tủ/góc sách có một bức chân dung, vài dòng tiểu sử về chủ nhân cũng như đôi lời giới thiệu về tủ sách. Không rườm rà nhưng phải thật sang trọng-cái sang trọng của chữ nghĩa, của tri thức mà chủ nhân của sách suốt cả cuộc đời góp nhặt, nâng niu. Bạn bè, người thân, giới nghiên cứu học thuật khi đến đây hẳn sẽ lắng đọng với rất nhiều rung cảm. Một địa chỉ như thế thật quá quý, quá đẹp, và quá ý nghĩa để đồng hành với Thừa Thiên Huế chung tay vun đắp một đô thị văn hóa, di sản…

Bữa cơm hôm ấy đến nay tính ra mới chừng 3 tháng, hôm qua ghé chùa thăm Thượng tọa Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại Huế Thích Nguyên Thành, ông làm tôi hơi bất ngờ khi cho hay bộ ván khắc kinh Kim Cang hiện đã thuận duyên hội về với Học viện. Quả là một tin vui không chỉ cho tín đồ phật tử, giới nghiên cứu mà cả cho văn hóa Huế. Như vậy là những bước chân đầu tiên đã khởi đi, mà có đi tất có đến. Hy vọng những bước chân ấy sẽ được nâng đỡ, khích lệ để sớm chạm vào vạch đích phía trước...

HIỀN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tri ân các liệt sĩ tại Tiểu khu 67

Ngày 19/7, đoàn công tác Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 do Trung tướng Hà Thọ Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương, tưởng niệm các liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm Liệt sĩ thuộc Tiểu khu 67 thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Tham gia cùng đoàn có thủ trưởng Cục Hầu Cần, Quân khu; lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và lãnh đạo huyện Phong Điền.

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tri ân các liệt sĩ tại Tiểu khu 67
Vào Hoàng cung Huế thăm Tết xưa qua mộc bản

Sáng 18/1, trong không gian của trường lang (Đại cung môn, Đại Nội) Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV phối hợp khai mạc triển lãm “Tết hoàng cung trong Mộc bản triều Nguyễn”.

Vào Hoàng cung Huế thăm Tết xưa qua mộc bản
Return to top