Theo BTC, Festival Huế 2020 là hoạt động được xem như “khởi động” đầu tiên sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế đến 2030 tầm nhìn 2045.
Mục tiêu là đến năm 2045, Huế trở thành thành phố Festival của châu Á (trong ảnh là Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Festival Huế)
Các chương trình lên khung sớm
Còn đúng 4 tháng nữa Festival Huế 2020 sẽ chính thức khai hội. Công tác tổ chức đến thời điểm này đang trong quá trình khẩn trương. Các chương trình chính và các đoàn nghệ thuật tham gia biểu diễn đã được xác định. Theo đại diện BTC, sự khác biệt so với các kỳ trước chính là số lượng các chương trình, hoạt động được thu gọn và tăng cường về mặt chất lượng.
Các chương trình năm nay được khẳng định sớm hơn, ngay cả các chương trình biểu diễn hàng đêm của các nghệ sĩ. Mục tiêu của BTC là đến hết tháng 12/2019 sẽ công bố các chương trình, vì một số lý do khách quan mà đến nay mà BTC chưa có đầy đủ các thông tin của các đoàn nghệ thuật. Dù thế, BTC cho biết sẽ quyết tâm đến tháng 1/2020 sẽ công bố. Việc khẳng định các chương trình sớm giúp các đơn vị du lịch chủ động hơn để xây dựng tour tuyến phục vụ du khách, khắc phục được sự bị động như trước đây.
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó Trưởng BTC Festival Huế 2020 cho biết, du khách và công chúng đến với festival năm nay hứa hẹn sẽ được hòa vào không khí lễ hội một cách trọn vẹn nhất. Riêng với Lễ hội áo dài, sân khấu biểu diễn sẽ màng lại cảm hứng khác biệt, có sự kết hợp trên sông Hương, cầu Trường Tiền và tuyến phố đi bộ. Ngoài ra, du khách đến Huế trong thời gian diễn ra festival chỉ cần mặc áo dài sẽ được tham quan miễn phí tất cả các điểm di tích, ưu tiên thưởng thức chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn. Tất cả với mục tiêu tôn vinh áo dài và quảng bá thương hiệu áo dài một cách tốt hơn.
Ông Đạt thông tin thêm, lần đầu tiên trong khuôn khổ Festival Huế và có thể là các lễ hội trong cả nước, sẽ tái hiện lại lễ rước trong nghi thức cưới hỏi truyền thống của tất cả các vùng miền của nước ta. Ở phía Bắc sẽ là lễ cưới truyền thống của người Dao Đỏ, với Tây Nguyên là lễ rước của người Ê đê, miền Nam là người Chăm. Riêng với miền Trung và Huế, sẽ là những lễ rước truyền thống của người dân A Lưới, lễ rước trong đám cưới truyền thống Huế, đám cưới Cung đình xưa… hứa hẹn sẽ dịp để văn hóa cưới hỏi tốt đẹp của dân tộc được tôn vinh và hội tụ.
Cũng trong chương trình lễ hội đường phố, sẽ còn có quảng diễn các trò chơi, hoạt động diễn xướng của các lễ hội Cầu ngư, Bã trạo, Sắc bùa, Lễ rước Hến, lễ rước các làng nghề… Các hoạt động này hướng đến hỗ trợ các địa phương duy trì, bảo tồn được văn hóa truyền thống, gìn giữ để đưa vào phục vụ du lịch, nhất là cụ thể hóa mục tiêu Festival Bốn mùa mà Huế đang hướng đến.
Trong khuôn khổ Festival Huế 2020, lần đầu tiên có Đại hội Phượt quốc tế, được tổ chức như hình thức của “Cuộc đua kỳ thú”. Hàng chục vận động viên là người nổi tiếng tham gia để tìm hiểu, khám phá thiên nhiên ở Bạch Mã, Tam Giang, văn hóa, di sản và làng nghề Huế, như là hình thức để quảng bá và tôn vinh văn hóa truyền thống của Huế.
Phóng viên đặt câu hỏi với Ban tổ chức trong buổi họp báo
Khởi động cho thời kỳ mới
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BTC Festival Huế 2020 kỳ vọng, những năm qua, sự tham gia đưa tin bài của các phóng viên, các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần rất lớn trong thành công của lễ hội, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho lễ hội. Và lần tổ chức này, BTC tiếp tục mong muốn có sự hỗ trợ, đồng hành đó.
BTC Festival Huế 2020 thông tin, lần đầu tiên, tại Trung tâm Báo chí Festival Huế sẽ có phòng dựng ảo, hỗ trợ các trang thiết bị, đường truyền tốc độ cao… Các đài truyền hình, báo chí có thể sử dụng để dựng và xử lý thông tin, sau đó có thể phát trực tiếp lên đài, báo chí đa phương tiện. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ tối đa cho việc tác nghiệp và thông tin, tất cả các chương trình, hoạt động đều được livestream và cung cấp hình ảnh kèm theo để phóng viên dễ dàng đưa tin bài về tòa soạn.
Ông Nguyễn Dung khẳng định, Bộ Chính trị vừa Ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa. Tương lai phát triển đang được đặt ra trước mắt và Festival Huế 2020 như là sự khởi động đầu tiên cho nhiệm vụ mới.
“Theo Nghị quyết, đến năm 2045, Huế phải trở thành đô thị, thành phố Festival của châu Á. Vì vậy, Festival Huế phải phát huy được thương hiệu, đảm bảo chất lượng, cái riêng để từng bước khẳng định được một lễ hội tầm cỡ châu Á trên bản đồ festival của thế giới. Mỗi kỳ Festival tổ chức là một điểm nhấn, một nguồn vốn được tích lũy để đạt mục tiêu đã được xác định”, ông Nguyễn Dung cho biết.
Bài, ảnh: Đức Quang