Hoa không thể thiếu trong ngày tết
Khát vọng từ hoa
Nói về những câu chuyện độc đáo trong ngày tết ở Huế, TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế chia sẻ, tất cả phong tục, nghi lễ đều hướng đến mục đích sau cùng là khát vọng an hòa, sum vầy, cầu mong sức khỏe, mưa thuận gió hòa. Mùa xuân là mùa khởi đầu, mùa sinh sôi nảy nở, đâm chồi nảy lộc; mùa xuân là mùa kết tinh, mùa hoa nở và sau đó là ra quả, như nhân quả tốt đẹp cho một năm.
Nét độc đáo của người Huế là tư tưởng hóa từ những cái bình thường, bình dị nhất. Hoa không chỉ là thú chơi, mà còn là biểu tượng. Người Huế rất tinh tế và trong dịp tết phải có một loại hoa, chậu hoa gì đó đặt trên bàn thờ, trên bàn tiếp khách, trước hiên nhà. Đó cũng là sự báo hiệu, cầu chúc cho một năm mới luôn tươi vui như những loại hoa đang muôn nở.
“Hoa trong ngày tết thể hiện khát vọng ở hai khía cạnh màu sắc và trên hoa có nhiều cánh, thể hiện cho sum vầy, sung túc. Hai màu hoa được lựa chọn nhiều nhất là đỏ và vàng, đó là màu của hưng thịnh, phù hợp với khí hậu của Việt Nam và miền Trung. Loài hoa biểu tượng cho sự đủ đầy nhất mà người Huế luôn hướng đến để lựa chọn đó chính là hoa cúc. Hoa cúc còn là biểu tượng của mặt trời, thể hiện sự đủ đầy trong sức khỏe, tiền tài, sản vật”, TS. Trần Đình Hằng lý giải.
Chính vì vậy mà trong hội hoa xuân, các không gian thưởng lãm về hoa hàng năm luôn được duy trì tổ chức ở Huế. Hoa cúc vẫn luôn chiếm số lượng và có sự quan tâm nhiều nhất của khách hàng. Để tìm một loại hoa, chậu hoa ưng ý, nhiều người mất cả ngày mới lựa chọn được. Dù giá cao hay thấp, kinh tế còn khó khăn, người Huế vẫn chắt chiu để làm sao có một cặp hoa chưng trước hiên nhà. Thiếu hoa là cái tết chưa trọn vẹn.
Năm nay, hội chợ hoa xuân tiếp tục được diễn ra tại Công viên Phú Xuân (đoạn từ Nghinh Lương Đình đến cầu Dã Viên) từ 22 - 31/1 (nhằm ngày 20 – 29 tết âm lịch). Những ngọn đèn chong hoa được thắp sáng, dòng người tấp nập đổ về hội hoa xuân. Hương hoa thoang thoảng, không khí vui tươi, sắc hoa khoe màu báo hiệu năm mới nhiều kỳ vọng. Ngoài ra, ở các trực đường chính, trung tâm các huyện, thị xã, các điểm bán hoa cũng tấp nập hơn để phục vụ người mua.
Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, năm nay, bên cạnh chợ hoa ở Công viên Phú Xuân, hội xuân Nhâm Dần được bắt đầu từ ngày 29/1 - 5/2 (nhằm ngày 27/12 năm Tân Sửu 5/1 năm Nhâm Dần) được tổ chức tại Công viên Lý Tự Trọng. Nơi đây sẽ là công viên hoa và cây cảnh; trưng bày, sắp xếp các thảm hoa nghệ thuật, các con chim hồng hạc, mô hình các linh vật biểu trưng năm Nhâm Dần, mô hình giếng hoa, đoàn tàu hoa. Tái hiện mô hình chùa Linh Mụ, cửa Ngọ Môn, làng hoa giấy Thanh Tiên, bố trí thư pháp cho chữ đầu năm; trưng bày kiểng các loại, tiểu cảnh, bon sai, non bộ, đá cảnh, lũa trầm, lũa tượng gỗ...
Vẫn phải đảm bảo an toàn
Năm nay, không gian hội hoa xuân được mở rộng ra quanh các tuyến đường đi bộ, lấy sông Hương làm trung tâm. Một không gian đủ rộng để đón được nhiều khách hơn, đảm bảo yếu tố khoảng cách, nhiều lựa chọn cho khách khi đến với hội hoa xuân. Ở dưới chân cầu Phú Xuân, tuyến đi bộ dọc sông Hương, khu vực đường Bà Huyện Thanh Quan, Phạm Hồng Thái (lối vào đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu), khu vực đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, khu vực Công viên Tứ Tượng, cầu đi bộ gỗ lim và Công viên Thương Bạc... đều sẽ trang trí hoa độc đáo, bắt mắt, ý nghĩa, hấp dẫn. Và nếu muốn tìm thêm không gian có thể đến các tuyến đường quanh Đại Nội, ở đây cũng được trồng nhiều hoa, các tuyến đường đã được chỉnh trang giúp thuận lợi cho người dân, du khách vui chơi.
Chị Võ Nguyễn Ái Vân, trú tại TP. Huế chia sẻ, những năm qua, hoa trong ngày tết ở Huế rất đẹp. Những màu hoa tươi thắm như một lời khẳng định cho năm mới nhiều may mắn. Năm nào gia đình tôi cũng ra hội hoa xuân để vui chơi. Hai năm qua do dịch bệnh nên khi đi tham quan phải cẩn thận hơn, luôn giữ khoảng cách và không quên mang khẩu trang, để cùng nhau phòng, chống dịch.
Năm nay, Trung tâm Công viên cây xanh Huế ươm và trồng tổng cộng 250 ngàn cây hoa các loại để trang trí cho toàn thành phố. Ông Lê Như Chinh - Giám đốc Trung tâm mong muốn, ngày tết ai cũng sẽ đều mong có không khí vui tươi, rộn ràng, không khoảng cách. Dịch bệnh vẫn là thách thức dù đã thích ứng, nên mọi người dân, du khách khi đến vui chơi ở các không gian hoa tết cần đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, hội hoa xuân được tổ chức đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, điểm vui chơi và có sức hút đối với du khách. Không chỉ phục vụ người mua hoa, đây cũng là nơi mà nhiều người đến “check-in”, chụp ảnh, có những bộ ảnh về mùa xuân vui tươi. Về lâu dài, đây sẽ trở thành điểm nhấn để nâng tầm tạo thành sản phẩm du lịch thu hút khách đến Huế trong dịp tết.
Có thể nói, việc tổ chức hội hoa xuân góp phần xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và văn hóa Huế, phát triển đa dạng các sản phẩm văn hóa – du lịch, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các định hướng phát triển Thừa Thiên Huế “xanh – sạch – sáng”; Huế - Thành phố bốn mùa hoa…
Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP. Huế nhấn mạnh, hội xuân và chợ hoa tết năm nay được tổ chức quy mô, chất lượng, có sự đổi mới, đảm bảo an toàn và hiệu quả; đồng thời thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương, địa phương và ngành y tế. Việc duy trì và chuẩn bị kỹ lưỡng khâu tổ chức, thêm thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống và đảm bảo mỹ quan đô thị trên địa bàn sẽ tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm mới Nhâm Dần .
Bài, ảnh: Đức Quang