Nhà quản lý cùng những người làm nghề phản ứng ra sao trước những luồng ý kiến trái chiều?
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm cho biết: Theo số liệu mới nhất, cả nước hiện nay có 360 tượng đài. Cục trưởng lập luận: “Nếu tính 360 tượng phục vụ từ cấp huyện trở đi với 63 tỉnh thành trong cả nước, cứ làm phép chia, mỗi tỉnh có bao nhiêu tượng đài?”. Ông cũng xác nhận: Có những tỉnh ở nước ta trắng tượng đài.
Nguồn kinh phí để xây dựng tượng đài được ông Vi Kiến Thành khẳng định phần lớn “rót” từ ngân sách nhà nước xuống các địa phương. Vấn đề xã hội hóa đã và đang được triển khai, tuy nhiên chỉ mang tính chất động viên, cổ vũ, giáo dục tuyên truyền: “Có một số công trình nhận được nguồn vốn từ xã hội hóa nhưng không có công trình nào xã hội hóa được trăm phần trăm”.
Theo quan sát của ông Vi Kiến Thành, nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện xã hội hóa tượng đài song cũng như ở ta, khó đáp ứng được toàn bộ nguồn vốn cần thiết, ông nêu ví dụ: “Họ có những thùng két để ở nơi công cộng để mọi người mang chìa khóa đồng cũ cho vào, hàng tháng có những đội mở két thu gom chìa khóa, để nấu đồng đổ tượng.
Những chiếc chìa khóa đó cũng chỉ giống như… giọt đồng làm tượng đài”. Chi phí cho một tượng đài phụ thuộc vào qui mô tượng đài, có thể chỉ vài tỉ đồng cho đến vài trăm tỉ đồng hoặc nhiều hơn.
Theo họa sỹ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, nhiều hay ít tượng đài, không đáng bàn, “tùy thuộc nhu cầu”. Điều quan tâm chính là chất lượng thẩm mỹ của tượng đài ở ta.
Có điển hình… xấu
Khi giành được chính quyền (1945), nước ta hầu như không có công trình tượng đài nào. Tượng đài nhúc nhắc được xây dựng từ những năm 60,70 của thế kỷ trước, bởi “lúc đó chúng ta mới có chút ít kinh phí”, ông Vi Kiến Thành lí giải. Cục trưởng thừa nhận, những tượng đài làm từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, rất ít tượng đẹp, do nhiều lí do: Năng lực nhà điêu khắc còn kém, kinh phí ít… Thậm chí ngay cả những công trình ra đời trong những năm 80 cũng “không được tốt lắm”.
Trước một vài tượng đài “xấu điển hình”, ý kiến của Cục trưởng là: “Đừng lấy nhãn quan của ngày hôm nay để soi vào quá khứ một cách thiếu thiện cảm”. Giải quyết với những tác phẩm chưa đẹp từ quá khứ chỉ có một con đường: Thay bản mới, một công việc khá tốn kém nhưng cần thực hiện dần dần.
Mang câu chuyện tượng đài, trao đổi với nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, ông cho rằng: “Tượng đài ở ta hiện nay chưa xuất sắc vì ta không tìm sự tối ưu mà chỉ tìm sự trung bình. Tượng đài không thể hay cũng dễ hiểu. Đất nước ta rất cần tượng đài bởi đi qua hai cuộc chiến tranh, với bao mất mát, hi sinh, tại sao ta không ghi lại điều đó và cả những điều đang xảy ra trong hiện tại của đất nước như Gạc Ma, Hoàng Sa, Trường Sa… Nghệ thuật cần nói lên những điều ấy, chỉ có điều nói như thế nào.
Ta phải nói bằng tiếng nói mạnh mẽ của nghệ thuật, tìm sự ưu việt trong nghệ thuật, nhưng hội đồng cứ qua loa, nể nang nhau”. Tạ Quang Bạo cho rằng một số nghệ sỹ điêu khắc có uy tín ở ta “trúng” hơi ít tượng đài: “Lê Công Thành cũng chỉ được một cái, Nguyễn Hải 3, 4 cái gì đó thôi. Còn lại là những loại không có mặt mũi chân dung đâu cả”.
Họa sỹ Lê Thiết Cương có chung cảm nhận với phần nhiều dư luận về vấn đề tượng đài: “Chất lượng mỹ thuật cực xấu, cực tệ hại”. Ngay tại Hà Nội, Lê Thiết Cương chỉ ra tượng đài không đẹp chính là: “Tượng đài Lý Công Uẩn ở vườn hoa nhìn ra tháp Rùa quá to, chưa kể xấu, cái tượng ấy mà để trên núi Ba Vì có khi lại là nhỏ nhưng để ở vườn hoa ấy lại quá to. Tượng đài đẹp hay không còn phải tương quan với kiến trúc cảnh quan nữa”.
Có tượng đài bị chê xấu thì cũng có những tượng đài được khen đẹp. Vi Kiến Thành dành lời khen tặng cho tượng đài ở nghĩa trang đường 9, Quảng Trị, tượng đài chiến thắng sông Lô của tác giả Tạ Quang Bạo và tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng của họa sỹ Đinh Gia Thắng: “Đừng đùa, đi nước ngoài rồi mới thấy anh em điêu khắc mình không kém, nước ngoài chưa chắc hơn đâu”. Họa sỹ Lê Thiết Cương lại đặc biệt ấn tượng với nhà điêu khắc Nguyễn Hải ở hai tượng đài: Thủ Khoa Huân và Chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Tội” diễn nôm
Ông Vi Kiến Thành công nhận tượng đài chiến thắng ở ta na ná nhau. Ông giải thích: “Những nhà chuyên môn, những nhà quản lí mỹ thuật tư duy theo lối mới đấy. Họ biết rằng, làm tượng đài không nhất thiết phải làm theo hình thức hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhưng ngoài xã hội có ai chấp nhận đâu? Không có cấp lãnh đạo nào chấp nhận làm tượng đài chiến thắng lại không theo hình thức hiện thực xã hội chủ nghĩa cả.
Ông Vi Kiến Thành
Dư luận cũng vậy, tượng đài nào cũng muốn nhìn thấy rõ ràng anh bộ đội. Cho nên cứ tượng đài chiến thắng lại có anh bộ đội giơ súng, giơ mũ lên”. Cục trưởng còn cho rằng, ngôn ngữ của điêu khắc có hạn chế khi truyền tải một nội dung nhất định vì bản chất của ngôn ngữ điêu khắc là “cô đọng”.
Ông Vi Kiến Thành “chất vấn” lại dư luận: “Để giải quyết vấn đề tượng nào cũng giống tượng nào, mọi người phải thay đổi tư duy đã, bỏ đi lối nghĩ cứ tượng đài chiến thắng là phải hiện thực. Trừ khi chúng ta chấp nhận làm trừu tượng thì mới khác đi được. Trước khi trách các nhà điêu khắc, người hưởng thụ phải xem mình đang tư duy ở cấp nào?”.
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, từng nhiều năm ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành Điêu khắc, Hội Mỹ thuật Việt Nam, chỉ ra một thực trạng: “Tượng đài ta hay diễn nôm, các nước có khi chỉ một hình tượng nào đó là xong tượng đài. Tôi thấy diễn nôm hơi bị nhiều, triết lí hơi bị thiếu, cứ nghĩ thế nào, nói thế ấy. Bố cục tượng đài thế nào cũng phải một đứng, hai quì. Người ta không cần có bóng dáng con người vẫn thấy một cuộc chiến tranh khốc liệt chỉ bằng biểu tượng nào đó”.
Ở Việt Nam có nhiều tượng đài chiến thắng vì trải qua những cuộc chiến tranh giữ nước anh hùng. Ông Vi Kiến Thành cho biết: “Hiện nay vẫn nhiều địa phương muốn đề nghị cho làm tượng đài chiến thắng. Như Đà Nẵng vẫn đang treo tượng đài chiến thắng đèo Hải Vân, đã làm xong phác thảo nhưng không có tiền nên phải dừng lại. Tượng đài chiến thắng ở Cần Thơ, đề án chưa được phê duyệt nhưng dư luận đã bóng gió tiền ít, tiền nhiều”.
Đi lên, không đi ngang
Hà Nội sẽ tiếp tục dự án tượng đài và đang hứng chịu bình luận nhiều chiều của dư luận dù dự án theo Vi Kiến Thành, “chưa phê duyệt”. Cục trưởng cũng khẳng định luôn về tương lai của tượng đài: “Tất nhiên ngày càng đi lên, chứ không đi ngang, tức là không án binh bất động. Mỗi năm sẽ đều thêm công trình”.
Trước sự “ác cảm” của dư luận với tượng đài, ông Thành thẳng thắn: “Không vơ đũa cả nắm, ở đây chỉ có một số đối tượng thích lên “phây” chém gió là “ác cảm”. Cứ nghe loáng thoáng đâu có tượng đài là chuẩn bị tinh thần ném đá. Tôi thấy nhảm quá”.
Ông cũng chia sẻ những chuyện hậu trường bếp núc của nghề: “Giới văn nghệ có đặc thù. Tôi là nghệ sỹ từ trong trứng, tôi thuộc họ kinh khủng luôn. Nghệ sỹ bao giờ cũng thấy tôi là số 1, 10 ông thì cả 10 như thế. Việc mà không phải họ được làm thì bảo họ ủng hộ khó lắm, cứ im đã quí rồi. Ngay đồng nghiệp đã không khách quan, cộng lực lượng trên “phây” hùng hậu, đủ làm dư luận đảo điên”.
Về những ý kiến cho rằng, đất nước ta quá lắm tượng đài, Vi Kiến Thành chỉ ra một điểm: Khái niệm tượng đài trong dư luận còn lơ mơ. Nhầm lẫn tượng đài với tượng để ngoài trời, thế nên cho rằng tượng đài nhiều quá: “Tượng đài phải là những tượng để ngoài trời, chất liệu bền vững, một khi đã làm thì mặc định sẽ “ngồi” thế rất lâu sau, có biến động lớn thì mới thay đổi. Tính chất tượng đài là to, lớn, bền vững, độ cao ít nhất tầm 2m trở lên”.
Có những ý kiến khác, như: Việt Nam không có truyền thống làm tượng đài, chỉ làm tượng thờ ở trong chùa, trong đình, ông Vi Kiến Thành không đồng tình: “Tôi nghe lí luận này mãi rồi, bao năm nay rồi, cô dâu mặc váy trắng, vốn du nhập của tây, sao ta chấp nhận?”.
Ông phân tích thêm: “Tượng đài hạt nhân giáp ranh Bỉ và Hà Lan, tượng đài khổng lồ theo xu hướng trừu tượng, ai đến châu Âu cũng mò đến xem và chụp ảnh. Hiệu quả của tượng đài không thể cứ qui ra “thóc”. Cho nên nếu ta cứ nhìn mọi thứ theo đồng năm xu thì rất khó”.
Đồng quan điểm với Vi Kiến Thành, nhà điêu khắc Phú Cường bày tỏ: “Thật là cực đoan, hiện nay từ đầu đến chân người Việt đều tây hết, tại sao không mặc áo như các cụ ngày xưa, không cưỡi trâu mà chỉ thích phóng xe máy, thích đi máy bay… Thử hỏi có cái gì không hiện đại, không có tính quốc tế? Kiến trúc đẹp đếm trên đầu ngón tay ở ta, phim hay cũng thế? Sao không bảo các ông làm nhà xấu quá, đừng có xây dựng nữa, đường xá tắc nghẽn, bẩn thỉu sao không bảo đừng làm đường nữa?”.
Theo Tiền Phong