9 tập Nghiên cứu Huế là bộ sách rất nên có với những ai muốn tìm hiểu về Huế (Trong ảnh: Ra mắt tập 9 Nghiên cứu Huế hôm 7/11/2021)
Gia đình tôi vừa có hiếu sự. Xong việc, thỉnh thoảng bà con họ hàng, người quen trực tiếp đến hoặc gọi điện hỏi han, an ủi, thấy ấm lòng và nỗi buồn như cũng vơi bớt ít nhiều.
Trong câu chuyện với họ, nhiều người tỉ tê thật lòng, rằng tang lễ vừa qua tổ chức trang nghiêm, hiếu kính, nhưng thật nhẹ nhàng gọn ghẽ. Ngay trong tự thân, anh em tôi cũng nhận thấy đúng là như vậy thật. Nội chuyện trà nước, thuốc men cũng đã giảm bớt một nửa, nghĩa là chỉ tiếp khách bằng trà nước, bỏ hẳn chuyện thuốc lá cũng đã nhẹ nhàng tiến bộ rất nhiều. Nghiệm lại với tang lễ của một số người thân đã qua đời trước đây, bàn nào cũng phải có gói thuốc lá và hộp diêm, thậm chí còn phải có thêm chai rượu trắng nút lá chuối, bất kỳ khách nào tới cũng cung kính mời. Khói thuốc um sùm, men rượu ngây ngất, nội chừng ấy thôi cũng đã đủ khổ sở. Chưa kể cái nạn ăn uống. Ai đến cũng ăn, người có nhu cầu ăn, người không có nhu cầu cũng mời ngồi cho được vì sợ thất lễ, sợ bị trách móc rồi tiếng để đời. Cứ vậy, nhà bếp gần như phải nổi lửa suốt ngày. Xong mấy ngày đám, cả nhà mệt phờ người. Chưa kịp tỉnh thì có nhà đã phải lo chạy tiền mà trả nợ…
Đời sống văn minh, nhiều tập tục nhiêu khê nhiễu sự trong đời sống dần dà được lược bớt, đặc biệt là trong những việc ma chay hiếu hỉ. Nhiều địa phương quy định hẳn trong hương ước, và nó được nhận xét như một tiến bộ có tính cách mạng trên lộ trình xây dựng nếp sống mới thôn A, tổ dân phố B... Cá nhân tôi cũng nghĩ đúng là như vậy.
Nhà giáo Nguyễn Hữu Châu Phan nổi tiếng với tủ sách có rất nhiều đầu sách quý
Cho đến cuối tuần vừa rồi, nhân lục tìm mấy tư liệu cũ, tôi bất chợt đọc được một đoạn nói về cải cách phong hóa, loại bớt hủ tục rất thú vị trong sách Đại Nam thực lục. Hóa ra, một số quy định mà lâu nay cứ ngỡ là mình văn minh tiến bộ, tiên phong đi trước này nọ thì tiền nhân đã quy định đến cấp nhà nước từ hơn cả thế kỷ trước rồi. Xin đơn cử một đoạn để bạn đọc cùng tham khảo:
“… Chiếu rằng: Nước là họp các làng mà thành. Từ làng mà đến nước, dạy dân nên tục, vương chính lấy làng làm trước. Gần đây giáo dục trễ nải, chính trị suy đồi, làng không tục hay, noi theo đã lâu, đắm chìm quá đỗi. Phàm tiết ăn uống, lễ cưới xin, việc ma chay và thờ thần thờ phật, nhiều việc quá trớn lấn lễ; bọn hào mục nhân đó mà đục khoét, người cùng dân đến nỗi dạt xiêu, thực là bởi cớ ấy. Nay tham chước thêm bớt, xén chỗ quá đáng, để chỗ vừa phải, lập định lệ cho hương đảng, là muốn sửa đổi nguồn tệ để cùng về đường chính vậy... Về việc tang tế. Đó là đạo thường của người làm con, nhớ gốc tìm nguồn, ai cũng một lòng như thế, lòng đều một lẽ như thế, nên phải thương nhau giúp nhau... Gần đây dân làng có người đặt ra khoán lệ quá nặng, nhà người có tang ăn uống kể đến mấy lần, cỗ bàn phải có nhiều món, danh là báo hiếu, thực là nợ miệng, noi nhau thành thói, người giàu thì lấn lễ vượt phận để phô mẽ với người ta, người nghèo thì vay nợ đợ mình đến nỗi thất sở, việc tang tế thương nhau lại như thế sao? Từ nay dân làng có tang thì làng xóm giúp nhau, nên nghĩ rằng: “một nhà có việc trăm nhà bận”, đừng bắt “một người chết mà muôn người say”. Kẻ giàu thì giúp của, kẻ túng thì giúp sức, kẻ biết lẽ thì trông đỡ việc tang. Tế táng điếu phúng, hết thảy theo như Gia lễ… khiến kẻ giàu biết có phận hạn, không quá xa hoa, kẻ nghèo tùy lực có không, không gắng theo tục; còn cỗ bàn ăn uống nhiều ít thì tùy ở nhà tang, không được vin lệ đòi hỏi…”.
Sách gấp lại rồi mà lòng thì cứ bâng khuâng ngẫm nghĩ, té ra không đọc thì thôi, chứ đã “sờ” đến sách thì gặp ngay vô số những điều thú vị trong đó. Trí tuệ nhân loại, kinh nghiệm người xưa… tất tật đều đã được gom nhặt vào sách. Vấn đề là hậu thế có chịu đọc, có chịu học, có chịu khó chắt chiu sàng lọc để không ngừng tô bồi, dựng xây cho cuộc sống quê hương đất nước, rộng ra nữa là cho cộng đồng nhân loại ngày càng văn minh phát triển hay không mà thôi. Và người lớn nghĩ gì khi con em chúng ta suốt ngày chỉ biết dán mắt vào màn hình smartphone cho những chát chít, livestream, game online?... Thậm chí, ngay cả bản thân người lớn chúng ta nữa, mỗi năm 365 ngày, thời gian giành cho những cuốn sách là bao nhiêu và cho quán cà phê, quán nhậu là bao nhiêu? Nếu làm một phép đong đo, tôi tin rất nhiều người sẽ phải giật mình cho một nguy cơ đứt gãy…
Bài, ảnh: HIỀN AN