Nhà vườn, rường ở làng cổ Phước Tích đón học sinh đến tham quan, trải nghiệm
Nghị quyết này được xem là nghị quyết “tiếp nối” Nghị quyết 02 được HĐND tỉnh thông qua vào năm 2015 về “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị nhà vườn, rường xứ Huế.
Khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử
Gần 7 năm về trước, khi Nghị quyết 02 được thông qua đến thời điểm hiện tại có hơn 50 nhà vườn trên địa bàn TP. Huế và huyện Phong Điền được bảo tồn trùng tu, tôn tạo từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn huy động hợp pháp.
Trong đó nhiều nhà vườn đã tự tổ chức tốt việc khai thác, phát huy giá trị nhà vườn, tạo hiệu ứng phát triển mô hình bảo tồn nhà vườn kết hợp kinh doanh phát triển dịch vụ, du lịch, thu hút hàng ngàn lượt khách mỗi năm, tạo doanh thu lớn, có gia đình thu về hơn 100 triệu đồng/năm.
Việc hỗ trợ trùng tu tôn tạo và tạo kết nối các dịch vụ du lịch đã cải thiện điều kiện sống của người dân trong vùng (nhất là ở khu vực làng cổ Phước Tích), là một bước lớn để các khu vực này trở nên khang trang, sạch sẽ và nề nếp hơn.
Một số chủ nhà vườn đã nhận thấy được lợi ích và hiệu quả của đề án đã tích cực vận động người thân cũng như những gia đình có nhà vườn làm đơn tự nguyện đăng ký tham gia đề án. Việc này đã từng bước xây dựng, nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao hình ảnh cố đô Huế và các bộ phận cấu thành hệ sinh thái đô thị - nhà vườn, đồng thời làm tiền đề lan tỏa, phát huy ý thức tự nguyện của người dân trong công cuộc bảo vệ di sản văn hóa Huế đặc trưng gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo UBND tỉnh, thông qua chính sách nhà rường, nhà vườn Huế đã được khẳng định về giá trị văn hóa, lịch sử và cần được bảo tồn và phát huy như một giá trị khác biệt của văn hóa Huế. Tuy nhiên, trải qua thời gian thực hiện, đề án này cũng vấp phải một số trở ngại.
Với địa bàn TP. Huế, có thể kể đến như vướng mắc liên quan đến sở hữu, thừa kế hay không đủ kinh phí đối ứng để nhận hỗ trợ. Trong khi đó, với những nhà vườn ở làng cổ Phước Tích thuộc huyện Phong Điền tham gia đề án thì dân số ở làng hiện cao tuổi nên thiếu lao động trẻ. Điều này dẫn tới dịch vụ phục vụ du lịch homestay chưa phát triển tốt và đồng bộ; dịch vụ du lịch tham quan gặp rất nhiều khó khăn.
Đánh giá đề án có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn đặc trưng của Huế, tại Kỳ họp lần thứ V, HĐND tỉnh khóa VIII, UBND tỉnh đã có tờ trình đề nghị ban hành “Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng và nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Theo tờ trình này, UBND tỉnh cho rằng, sẽ theo hướng tiếp cận mới để phù hợp với thực tiễn trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được của giai đoạn trước. Ngoài ra, điều chỉnh những chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, chưa phát huy hiệu quả đã ban hành tại Nghị quyết số 02.
Trong đó, đề xuất mở rộng phạm vi và đối tượng thụ hưởng chính sách để bảo tồn các giá trị đặc sắc về văn hoá, kiến trúc của nhà rường cổ đặc trưng của Huế và đa dạng hoá các loại hình khai thác phát triển dịch vụ du lịch. Nghị quyết này tập trung ưu tiên những chính sách hỗ trợ để thực thi hiệu quả những kết quả đã đạt được gắn với sinh kế, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, chủ nhà vườn, nhà rường cổ, các doanh nghiệp kinh doanh phát triển dịch vụ du lịch.
Tăng 200-300 triệu đồng so với Nghị quyết 02, bổ sung Bao Vinh vào đề án
Theo Nghị quyết mới, việc hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nhà vườn đặc trưng sẽ tăng từ 200-300 triệu đồng/nhà so với Nghị quyết 02. Cụ thể, nhà sếp loại 1 được hỗ trợ 1 tỷ, loại 2 là 800 triệu đồng và loại 3 là 600 triệu đồng. Cùng với đó có hỗ trợ chi phí khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế trùng tu nhà tối đa không quá 50 triệu đồng/nhà.
Đề án còn có hỗ trợ tôn tạo, phát triển khuôn viên vườn; hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở nhà vườn, nhà rường phục vụ lưu trú; hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, truyền nghề; tổ chức các chương trình khảo sát, xây dựng tour tuyến du lịch… với số tiền từ vài chục lên đến cả trăm triệu đồng.
Tổng nguồn kinh phí thực hiện chính sách khoảng 45,2 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước đảm bảo khoảng 40,4 tỷ (ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 28,3 tỷ đồng, ngân sách UBND TP. Huế và UBND huyện Phong Điền đảm bảo khoảng 12,1 tỷ đồng). Nguồn huy động đóng góp xã hội hóa khoảng 4,8 tỷ đồng. Thời gian áp dụng thực hiện trong giai đoạn 2022-2026.
Với Nghị quyết vừa được HNND tỉnh thông qua, những nhà rường cổ ở phố cổ Bao Vinh cũng sẽ được hỗ trợ các chính sách để trùng tu, tôn tạo. Ảnh: N.L
Quá trình thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thống nhất với đề án do UBND tỉnh trình. Tuy nhiên ban này lưu ý cần bổ sung thêm nhà rường cổ tại Bao Vinh thuộc phường Hương Vinh, TP.Huế. Lý do được đưa ra là hệ thống nhà rường ở khu vực Bao Vinh ngày càng mai một, nhiều trong số đó xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Sau khi xem xét, ban này cũng nhận định, mức hỗ trợ chính sách do UBND tỉnh đề xuất tăng khoảng 30% so với Nghị quyết 02 phù hợp với tình hình thực tế. Với kinh phí được đưa ra để thực hiện đề án là không lớn, đảm bảo khả năng cân đối ngân sách. Ban cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai.
“Quan tâm sớm triển khai chính sách hỗ trợ trùng tu tôn tạo nhà chính đối với nhà rường cổ tại khu vực phố cổ Bao Vinh – nơi có nhiều hộ dân mong nhận được chính sách hỗ trợ trong suốt thời gian dài vừa qua”, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra.
NHẬT MINH