ClockThứ Bảy, 11/09/2021 07:15

Hoa văn trang phục cung đình trên tuyến đường đi bộ

TTH - Lấy ý tưởng từ hoa văn trên trang phục cung đình triều Nguyễn, một nhóm sinh viên đã thiết kế, tạo ra những đường nét cách điệu đặc trưng, uyển chuyển, mềm mại trên thành lan can những chiếc cầu giữa lòng đô thị Huế. Đồ án này được trao giải ở một cuộc thi thiết kế, không lâu sau đó được biến thành hiện thực, khi trở thành một hạng mục trong quá trình xây dựng trục cảnh quan đường đi bộ dọc bờ Bắc sông Hương.

Kết nối đường đi bộ ven sông Hương

Ý tưởng thiết kế lan can của nhóm sinh viên Khoa Kiến trúc được chọn áp dụng vào thực tế

Lấy cảm hứng từ hoa văn trang phục cung đình

Đó là câu chuyện thú vị đến từ nhóm sinh viên Khoa Kiến trúc – Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. “Cảm xúc của nhóm lúc đó rất vui mừng và xen lẫn chút tự hào khi bản vẽ của nhóm được tỉnh áp dụng để thi công… Và cũng bất ngờ khi ý tưởng của sinh viên lại có thể được tỉnh quyết định cho thi công thực tế như vậy!”, sinh viên Phạm Phương Nam – một trong những thành viên của nhóm ý tưởng, hào hứng.

Nam nói rằng, ý tưởng này bắt đầu khi cả nhóm cùng đi khảo sát hệ thống các lan can trên địa bàn TP. Huế. Hầu hết các cây cầu được thiết kế kiên cố, thế nhưng lan can hai bên thiết kế không được thẩm mỹ, không mang nhiều những đặc trưng văn hóa của địa phương, nhiều lan can bị hư hỏng, xuống cấp, do vậy không tôn nên vẻ đẹp cũng như sự hài hoà trong cảnh quan đô thị. Từ đó, cả nhóm đi tìm ý tưởng và đề xuất các giải pháp thiết kế để làm rõ thông điệp muốn truyền tải trên những chiếc lan can, góp phần làm đẹp bộ mặt chung của đô thị.

Sau rất nhiều nghiên cứu, tìm hiểu cả nhóm quyết định lấy hoa văn trên trang phục cung đình triều Nguyễn để thiết kế cho hệ thống lan can. Việc tập trung vào họa tiết ở viền chân áo là trọng tâm của ý tưởng, bởi những họa tiết ở đó được cách điệu tỉ mỉ với các đường thẳng và cong tượng trưng cho sóng nước, bọt biển, mặt trời, bên trên là các con rồng phượng. Một khi thành công, sẽ tạo nên hệ thống lan can mới lạ, khoác lên cho Huế “chiếc áo” mới từ những điều nhỏ nhất nhưng vẫn được giữ được nét riêng biệt.

Từ ý tưởng đó, cả nhóm mất gần hai tháng để lên phương án thiết kế. Các thành viên chia nhau đi đo hiện trạng, tìm hiểu tư liệu, nghiên cứu lịch sử. “Quá trình này nhóm gặp một số khó khăn, bởi lần đầu thực hiện đề tài, do ảnh hưởng của dịch nên hạn chế gặp nhau trực tiếp… Thế nhưng, may là được các thầy, cô hướng dẫn và hỗ trợ nhiệt tình, cũng như sự quyết tâm của các bạn…”, Nam nhớ lại.

Đề tài này giành được giải đặc biệt tại cuộc thi thiết kế nhân kỷ niệm 25 năm Khoa Kiến trúc – Trường đại học Khoa học, Đại học Huế.

Gợi mở ý tưởng, đóng góp cho quê hương

Mới đây, ý tưởng thiết kế nêu trên đã được chính quyền, những người làm công tác quy hoạch đô thị chọn đưa vào thi công thực tế trên tuyến đường đi bộ dọc bờ sông Hương đoạn song song đường Kim Long, TP. Huế. Nam cho biết, ngay từ khi đơn vị thi công bắt tay thực hiện cả nhóm rất háo hức và thường xuyên theo dõi. Cho đến khi thi công hoàn tất ai cũng vui mừng, bởi những người thực hiện đã phần nào truyền đạt được ý tưởng của cả nhóm.

Cũng theo Nam, một khi ý tưởng dù non trẻ nhưng được chính quyền quan tâm và thực hiện đó là nguồn động viên rất lớn trong quá trình học hỏi, sáng tạo. Từ đó, khuyến khích những nhóm sinh viên, bạn trẻ khác ở nhiều cuộc thi tiếp theo. “Em mong muốn sẽ có nhiều cuộc thi tương tự được tổ chức hơn để những người trẻ có thêm cơ hội đóng góp cho xã hội”, Nam mong mỏi.

KTS. Trương Hồng Trường, giảng viên Khoa Kiến trúc - Trường đại học Khoa học, Đại học Huế là người trực tiếp hướng dẫn các bạn sinh viên thực hiện đề tài này nói rằng, quá trình bắt tay thực hiện, từ lên ý tưởng, thiết kế đến được áp dụng thực tế bên ngoài là một câu chuyện dài.

“Bên cạnh đáp ứng các yêu cầu thẩm mỹ, kỹ thuật và yếu tố an toàn khi sử dụng, họa tiết trang trí tạo nên lan can là một câu chuyện kể liên quan đến văn hóa, lịch sử Huế. Ở đó ngoài tính bền vững, họa tiết lan can tạo được điểm nhấn quan trọng, tô điểm thêm vào sự mềm mại cho không gian công cộng trên tuyến cảnh quan thơ mộng bên bờ sông Hương”, KTS.Trường nói.

Theo KTS. Trường, thời gian tới cần có nhiều cuộc thi nhằm tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo, tạo ra các sân chơi, giúp các em, không chỉ riêng sinh viên ngành kiến trúc mà sinh viên nhiều ngành nghề khác có những đóng góp thiết thực cho TP. Huế. Để làm được việc này, cần có sự quan tâm từ lãnh đạo các cấp, các cơ quan, đơn vị.

“Tôi cho rằng, sinh viên ngành kiến trúc có rất nhiều ý tưởng hay và đó được xem như là một lợi thế lớn về nguồn nhân lực chất lượng của địa phương sau này khi các em ra trường. Nếu biết khai thác, sử dụng đúng thì đó sẽ là một nguồn chất xám trẻ, sáng tạo, năng động và cũng đầy hứa hẹn có thể đóng góp những sản phẩm thiết kế hữu dụng, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Huế, cũng như mang lại sự khích lệ tinh thần sáng tạo trong mỗi cá nhân sinh viên”, KTS. Trường khẳng định.

Bài: NHẬT MINH - Ảnh: KKT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Theo dấu văn bia

Dưới cái nắng rát mặt, đưa đôi bàn tay cẩn thận tháo tấm giấy khỏi mặt văn bia một cách nhẹ nhàng, ánh mắt nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn cứ thế lia theo từng đường giấy từ trên xuống dưới. Từng dòng hán tự, hoa văn kiến trúc… lần lượt hiện lên trên lớp giấy như kéo ngàn xưa về với hiện tại khiến người xem cảm xúc rung động.

Theo dấu văn bia
Sáng tạo với phù điêu

Từ những hoa văn, họa tiết thường dùng với ý nghĩa tâm linh, những bức tranh phù điêu được biến tấu, thay đổi kiểu cách để làm đẹp thêm cho những mảng tường khô khan. Không chỉ tươi mới, lạ mắt, phù điêu đắp nổi đã mang lại thu nhập ổn định cho các bạn trẻ xứ Huế.

Sáng tạo với phù điêu
Mở rộng đường, tạo diện mạo mới cho Huế

Xây dựng, chỉnh trang các tuyến đường chính, tuyến phố đi bộ, xây mới các cầu... là những dự án trọng điểm mà Đảng bộ TP. Huế đặt ra trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, nhằm phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại...

Mở rộng đường, tạo diện mạo mới cho Huế

TIN MỚI

Return to top