Đình làng Thủ Lễ cần được sửa chữa, trùng tu
Xuống cấp
Đình làng Thủ Lễ ở thị trấn Sịa là di tích có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, được công nhận là di tích cấp quốc gia cách đây hơn 20 năm.
Đình làng Thủ Lễ còn bảo lưu nhiều hiện vật có giá trị trong quá trình hình thành và phát triển. Ngoài các bức hoành sơn son thếp vàng bằng chữ Hán, hệ thống câu đối, đặc biệt tại đình làng còn lưu giữ được bia đá, khánh đá và 57 sắc phong của các đời vua ban tặng cho các thiên thần và những người có công gây dựng, mở mang làng Thủ Lễ.
Qua thời gian với những biến cố thăng trầm của thiên tai, bão lũ, phần cột, kèo tại một số hạng mục ngôi đình đang rơi vào tình trạng mục nát, hư hỏng nặng, có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào. Một số phần gỗ ở ngôi đình chính đang có dấu hiệu xuống cấp.
“Đình làng là niềm tự hào không chỉ đối với địa phương mà còn của tỉnh, tuy nhiên gần đây một số hạng mục đã xuống cấp. Vào mùa mưa, mái đình bị dột, thấm nước càng khiến cột kèo nhanh chóng hư hỏng. Mới đây, tuyến đường vào di tích đã được sửa chữa và nâng cấp”, ông Trần Sang ở thị trấn Sịa nói.
Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quảng Điền, ông Trần Công Trực đánh giá, những năm qua, công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể quan tâm, được Nhân dân ủng hộ, đóng góp tâm sức trong quản lý, bảo vệ.
Tuy nhiên, nằm ở vùng thấp trũng, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bão, lũ khiến nhiều hạng mục tại các di tích bị xuống cấp, hư hỏng. Trong khi đó, nguồn ngân sách của địa phương hạn chế, không có khả năng đầu tư, hỗ trợ nên các di ích bị hư hỏng, xuống cấp chưa được sửa chữa…
Trùng tu, tôn tạo
Theo ông Trần Công Trực, từ nguồn ngân sách và kinh phí xã hội hóa, thời gian qua huyện Quảng Điền đầu tư sửa chữa, trùng tu, tôn tạo gắn với gìn giữ và phát huy các di tích. Nhiều di tích được trùng tu như lăng mộ, miếu Đặng Hữu Phổ (giai đoạn 1, giai đoạn 2); nhà bia di tích địa điểm hội nghị Nam Dương; xây dựng tuyến đường vào di tích hội nghị Nam Dương và đình làng Thủ Lễ; tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa chùa Thanh Trung. Việc kiểm kê hiện vật trong các di tích và công tác phòng cháy, chữa cháy, phòng chống lụt bão, mất cắp hiện vật được triển khai thường xuyên hơn…
Đến thời điểm này, việc khoanh vùng, cắm mốc các khu bảo vệ di tích tương đối hoàn chỉnh. Qua công tác kiểm tra cho thấy, các di tích trên địa bàn huyện không bị vi phạm, xâm hại, lấn chiếm; việc xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tranh chấp di tích tại các địa phương được giải quyết kịp thời.
Từ khi khai thác và phát uy thế mạnh phát triển du lịch trên địa bàn, huyện Quảng Điền đã chú trọng phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các di tích gắn với bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử, văn hóa thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở. Các ban ngành đã tư vấn, hỗ trợ cho các địa phương tổ chức các lễ hội tại di tích theo đúng phong tục, tập quán, văn minh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách.
Xác định người dân là chủ thể, các địa phương, ban ngành tuyên truyền, vận động người bà con nhận thức trong việc tham gia quản lý, bảo vệ, bảo tồn và hưởng lợi từ việc phát huy giá trị các di tích. Các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình cam kết không xâm phạm, lấn chiếm đất tại các khu di tích để làm nhà và sản xuất. Tuy nhiên, tại một số di tích như khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… cần sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thuận lợi trong quản lý, bảo vệ.
Trên địa bàn huyện Quảng Điền có 9 di tích được xếp hạng, trong đó 3 di tích cấp quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh và 17 công trình trong hệ thống di tích thuộc danh mục bảo vệ…
Bài, ảnh: Hoàng Triều