ClockThứ Hai, 27/04/2020 13:30

Lan tỏa tủ sách gia đình và dòng họ

TTH - Từ nhiệt huyết của nhiều người, mô hình tủ sách gia đình, dòng họ ra đời được coi là hướng mở trong xây dựng văn hóa đọc ở nông thôn.

Tủ sách của phái Thân ở làng Dương Xuân, phường Thủy Xuân

Tủ sách từ những tấm lòng

Đầu tháng 3, nhân dịp kỷ niệm 10 năm cây thị hơn 300 năm tuổi được công nhận cây di sản Việt Nam, phái Thân (làng Dương Xuân, phường Thủy Xuân, TP. Huế) ra mắt tủ sách tổng hợp với gần 1.000 đầu sách gồm nhiều thể loại: văn học, lịch sử, khoa học, danh nhân và tư liệu về dòng họ... Trong đó, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã tặng cho tủ sách dòng họ này hơn 300 cuốn sách, cho mượn thêm 200 cuốn, số còn lại được đóng góp từ con cháu trong họ tộc.

Tủ sách là thành quả sau 4 năm ấp ủ của ông Thân Văn Hoàng Long, quyền trưởng phái họ Thân làng Dương Xuân. Ông Long nhớ lại: “Chứng kiến văn hóa đọc ngày càng xuống cấp, tôi nảy ra ý tưởng làm tủ sách nhỏ tại nhà thờ phái để con cháu, quan khách đến thăm có thể tìm hiểu về cội nguồn dòng tộc, đọc sách giải trí, nâng cao kiến thức. Tủ sách này cũng để con em trong vùng mượn đọc, từ đó nhân rộng thói quen đọc sách trong cộng đồng. Ý tưởng xây dựng tủ sách được con cháu trong họ tộc đồng tình ủng hộ từ tinh thần đến vật chất, người đóng tủ, người gửi sách”.

Làm nghề nông, gia cảnh cũng không khấm khá nhưng ông Trương Hào (thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) dành hết tâm huyết để thành lập và duy trì tủ sách phục vụ con em trong xã. Từ sự đóng góp, chung tay của nhiều người và sự hỗ trợ luân chuyển sách của Thư viện Tổng hợp tỉnh, tủ sách gia đình ông Hào có 1.500 đầu sách với nhiều thể loại phong phú.

Ông Hào chia sẻ: “Thấy các cháu nhỏ trong thôn mê chơi game, tôi làm tủ sách để các cháu đọc, học được những điều hay, nâng cao kiến thức. Để bổ sung nguồn sách mới phong phú, tôi vào các diễn đàn qua mạng internet, kết nối với các mạnh thường quân, những người yêu sách và họ nhiệt tình tặng sách khi biết việc làm ý nghĩa này”.

Cần được chung tay

Từ tâm huyết của các cá nhân, cộng đồng nhỏ, một số tủ sách gia đình, dòng họ đã hình thành để phục vụ cộng đồng. Ngoài tủ sách của phái Thân, ở Quảng Điền có khoảng 5 tủ sách tư nhân, 2 tủ sách của thôn Thạch Bình và thôn Giang Đông (thị trấn Sịa). Những người đứng ra thành lập tủ sách phục vụ rất nhiệt tình, dành hết tâm huyết để duy trì tủ sách, từ tìm nguồn sách, quản lý, phục vụ bạn đọc... Nhiều người còn thưởng tập vở, cây bút cho những độc giả nhí ham đọc.

Khi hay tin tủ sách tư nhân nào ra đời, Thư viện Tổng hợp tỉnh đều kết nối, hỗ trợ luân chuyển sách, tư liệu; hướng dẫn nghiệp vụ cơ bản phục vụ việc cho mượn, quản lý sách. Chỗ nào chưa có giá sách, thư viện hỗ trợ thêm giá sách.

Ông Đỗ Hữu Hà, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh cho rằng: “Trong bối cảnh văn hóa đọc xuống cấp, sự ra đời của tủ sách dòng họ, gia đình thực sự có ý nghĩa thiết thực, góp phần xây dựng thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc ở các làng quê, đặc biệt là các em học sinh. Đây là mô hình cần nhân rộng”.

Tuy nhiên, hoạt động của các tủ sách dòng họ, gia đình chưa thực sự phát huy hiệu quả. Cơ sở vật chất thiếu thốn, việc quản lý sách thiếu chặt chẽ, sách bị thất lạc, mất mát, hư hỏng không ít. Một số tủ sách người quản lý không bố trí được thời gian để phục vụ thường xuyên. Hoạt động không hiệu quả nên một số tủ sách đã dừng hoạt động. 

Ông Trương Hào bày tỏ: “Khó nhất là nguồn sách chủ yếu phụ thuộc vào con cháu đóng góp, ủng hộ, số lượng mỗi năm không nhiều. Nội dung sách chưa đáp ứng được nhu cầu của số đông bạn đọc là thanh, thiếu niên. Bởi vậy, bạn đọc đến với tủ sách ngày càng giảm”.

Xây dựng tủ sách dòng họ, gia đình là cách làm hay nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học. Đây còn là hình thức xã hội hóa thư viện, hướng mở nhằm phát triển văn hóa đọc trong người dân nông thôn ở các làng quê. Bởi vậy, cần chú trọng để nhân rộng và phát huy hiệu quả của những “thư viện thu nhỏ” này một cách bền vững. Muốn vậy, cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, đoàn thể, các trường học.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Lan tỏa những hành động đẹp

Qua gần 5 năm triển khai các hoạt động, phong trào xây dựng TP. Huế “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc”, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, câu lạc bộ, đội, nhóm… trên địa bàn thành phố tích cực tham gia, góp phần xây dựng Huế ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh.

Lan tỏa những hành động đẹp
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top