ClockThứ Năm, 31/03/2022 06:30

Lên phương án bảo tồn chứng tích lịch sử Chín Hầm

TTH - Là một trong những di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu, di tích chứng tích lịch sử Chín Hầm – nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” (phường An Tây, TP. Huế) đang được lên kế hoạch bảo tồn, tôn tạo sau thời gian dài xuống cấp nghiêm trọng. Việc bảo tồn di tích này bên cạnh giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước còn góp phần quảng bá, phát triển du lịch trong thời gian tới.

Tử ngục Chín Hầm - những điều cần biếtDâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố và Khu di tích lịch sử Chín Hầm

Trải qua thời gian, Di tích chứng tích lịch sử Chín Hầm xuống cấp, nhiều hạng mục hư hỏng nghiêm trọng

Xuống cấp

Nằm trên ngọn đồi nhỏ ở chân núi Thiên Thai, Di tích chứng tích lịch sử Chín Hầm với diện tích hơn 1.000m2. Chín Hầm được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1941 để làm kho cất giấu vũ khí. Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào năm 1945, hầm bị bỏ trống và đến khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, nơi này đã bị biến thành nhà giam.

Đặc biệt sau năm 1954 với chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, của chế độ Ngô Đình Diệm, mà trực tiếp là “cậu út” Ngô Đình Cẩn đã cho cải tạo Chín Hầm thành những nhà ngục để giam giữ, tra tấn những chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước.

Gọi là Chín Hầm nhưng thực ra là 8 hầm và 1 pháo đài canh, cũng là nơi ở của binh lính. Mỗi hầm có mỗi chức năng riêng. Sau vụ đảo chính ngày 1/11/1963, chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, người dân đã phẫn nộ kéo lên đập phá nhà tù bí mật này. Để tưởng nhớ những chiến sĩ cộng sản, những đồng bào yêu nước đã ngã xuống tại Chín Hầm, cũng là để ghi nhớ tội ác của kẻ thù, năm 1993 Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Di tích chứng tích lịch sử Chín Hầm là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Năm 2007, thể theo nguyện vọng của đồng bào trong và ngoài nước, UBND tỉnh đồng ý cho xây đền thờ Di tích chứng tích lịch sử Chín Hầm. Đền thờ gồm có 3 gian hai chái. Trong đó, gian giữa thờ các chiến sĩ cách mạng, bên trái thờ các doanh nhân, gian bên phải thờ các tu sĩ Phật giáo, sinh viên học sinh, phụ nữ. Bên trên trước mặt các án thờ là phong cảnh Huế, Sài Gòn, Hà Nội, tượng trưng cho 3 miền “như cây một cội, như con một nhà”.

Tuy nhiên, trải qua thời gian một số hạng mục ở Di tích chứng tích lịch sử Chín Hầm xuống cấp nghiêm trọng. Từng có giai đoạn di tích này được quản lý bởi Công ty CP Du lịch Hương Giang và được đơn vị này cho phục hồi, tôn tạo chứng tích gian hầm số 8 diện tích 78m2, có 20 buồng giam nhỏ với kích thước: dài 1,75m, rộng 0,8m, cao 1,75m.

“Sau này khi Công ty CP Du lịch Hương Giang bàn giao lại cho Bảo tàng Lịch sử tỉnh vào năm 2013, đến nay vẫn chưa được bảo tồn, tôn tạo, nhiều hạng mục xuống cấp vì nhiều nguyên nhân khác nhau”, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh cho hay.

Đề xuất bảo tồn, cải tạo nhiều hạng mục

Dù xuống cấp nhưng Bảo tàng Lịch sử tỉnh thường xuyên bố trí cán bộ hướng dẫn, thuyết minh tuyên truyền phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Ngoài ra, bảo tàng cũng đã thiết lập biển nội quy tham quan, giới thiệu nội dung và tiến hành cắm mốc xác định các khu vực bảo vệ, hạn chế việc vi phạm xâm lấn.

Trước thực trạng đó, đầu năm 2022, Bảo tàng Lịch sử tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích và đề xuất đầu tư bảo tồn, tôn tạo. Theo ông Lộc, di tích này là một trong những di tích thuộc sự quản lý của đơn vị đón nhiều khách đến tham quan. Trong đó khách đoàn chiếm chủ yếu, tập trung vào các ngày lễ, kỷ niệm lớn. Vì thế, việc trùng tu, tôn tạo là rất cần thiết. Quá trình mới các cơ quan liên quan trực tiếp khảo sát đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, đồng thuận.

Trong đó nhiều ý kiến đồng tình trùng tu, phục dựng lại các căn hầm theo tính nguyên gốc, giải tỏa mồ mả đưa ra khỏi khu vực di tích, xây nhà chuông để khách đến tham quan hành lễ, chỉnh trang làm lại hệ thống trưng bày bổ sung phục vụ tham quan, làm sa bàn khu chứng tích để giới thiệu tổng quan. Ngoài ra, cũng đề xuất gia cố mái, xây taluy chống sạt lở phía sau đền thờ, cải tạo hai hồ nước, sửa chữa hệ thống tường rào, lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy, điện chiếu sáng…

“Đây là địa điểm lịch sử cách mạng gắn với địa phương, vì thế việc bảo tồn, tôn tạo sẽ giúp di tích Chín Hầm trở thành một điểm dừng chân, giáo dục tinh thần yêu nước, kết hợp với nhiều hoạt động về nguồn”, ông Lộc nhìn nhận và cho rằng, di tích này không quá xa, không quá gần với trung tâm TP. Huế nên rất thuận lợi cho việc tổ chức các sự kiện liên quan. Trong quá trình đó, sẽ quảng bá, giới thiệu sâu rộng đến các đơn vị trong tỉnh, xa hơn là các đơn vị lữ hành để giới thiệu điểm đến ý nghĩa này.

Xin điều chỉnh thời gian sớm hơn

Được biết, dự án này theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) được thực hiện giai đoạn từ năm 2026-2028. Tuy nhiên, trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của di tích, Bảo tàng Lịch sử xin điều chỉnh thời gian thực hiện dự án sang giai đoạn 2021-2025.

Bài, ảnh: Phan Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã

Ngày 7/4, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức buổi tọa đàm: Sinh viên với hành động vì động vật hoang dã.

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã
Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…

Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi
Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống

Là địa phương có khá nhiều nghề, nghề truyền thống (NTT) và làng nghề truyền thống (LNTT) nên để khôi phục, bảo tồn và phát triển, TP. Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống
Return to top