Một suất diễn của chương trình đờn ca tài tử
Những ngày cuối tháng 9, khách vẫn nườm nượp kéo lên từ những chiếc thuyền khá rộng xuất phát từ bến tàu du lịch Mỹ Tho. Tôi nhớ là lúc trên thuyền, tôi đã nhìn mãi dòng sông nâu đục và mạnh mẽ chảy, cứ nghĩ về một điều gì đó khá gần gũi khi mình đã một lần nào đó, trên sông, dù là ở một nơi chốn khác, trong một khoảng thời gian khác. Bây giờ thì trước mặt tôi là Thới Sơn, với mấy chiếc cầu tre lắt lẻo được dựng lên làm chỗ cho thuyền ghé dzô với màu sắc rất “du lịch”. Sau màn chào hỏi với trà mật ong, phấn hoa, bánh ngọt và mấy lần ghé qua xem mấy lò kẹo dừa thủ công, chúng tôi đã đi tiếp hành trình của mình bằng thuyền, rồi lên xe ngựa, sau đó là xuống thuyền ba lá để sang cồn Lân – một trong bốn cồn nổi tiếng của vùng sông nước miền Tây. Với nhiều người chưa một lần nghe đờn ca tài tử tận nơi thì lần ghé lại trong tour này làm họ khá háo hức.
Hẳn nhiên, điều mà tôi chờ đợi không phải là một ly trà kiểu miền Tây, hay mấy lát trái cây manh mảnh và có vẻ đã qua mùa ngọt mà là cách thức và màn trình diễn của những giọng ca với những bài bản đã được nghe như: Ngũ đối thượng, Dạ cổ hoài lang, Hướng mã hồi thành, Tình anh bán chiếu... những bản ca mà đâu đó tôi cũng đã được nghe trong một lần đến miệt vườn Vĩnh Long cách đây khá lâu. Nhưng không biết có phải vì hồi đó, tôi lần đầu chạm đến đờn ca tài tử hay không, hay là không gian lúc ấy rộng hơn mà những khúc ca nghe vừa mênh mang, vừa tha thiết, vừa phóng khoáng lại vừa day dứt và chứa đầy sự tiếc nuối trong cách nhấn câu, nhả chữ... chứ không phải như ở nơi mà tôi dừng lại. Nơi mà sau khi đặt những bông hồng bằng lụa xuống lên các bàn khách, là tiếng chỉnh âm rọt rẹt, tiếng đằng hắng nơi micro, rồi người chơi nhạc cụ bắt đầu dạo nhạc cho những khúc ca đầu tiên. Có lẽ muốn giới thiệu về vùng đất nơi du khách ghé chân, Dáng đứng Bến Tre - một ca khúc mới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về những người con gái Bến Tre - đã được lựa chọn đầu tiên như một chỉ dẫn mang tính địa lý. Những bài sau nữa, thú thật là hình như tôi không còn nhớ rõ, hình như là Trăng thu dạ khúc, Sương chiều, rồi Dạ cổ hoài lang. Cũng không biết có phải vì sau đó, để hợp tình, hợp cảnh với cái lao xao của các chiếu hát, người nghe khá đông đúc hay không mà tôi đã nghe Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long với “Những đầm sen, những dòng sông lấp lánh trăng sao, những xóm thôn đồng xanh trải rộng, nhịp cầu tre lắt lẻo dòng kênh, in dáng hình người con gái quê tôi...”.
Đến từ sông Hương, nên lúc ấy, tôi cứ nghĩ về tính phiên bản trong những đêm ca Huế, cùng với cách biểu diễn như thế này, với những bài cũ, mới đan xen mà có khi ca khúc mới còn được chọn nhiều hơn làn điệu cũ. Chỉ khác là ca Huế được biểu diễn trên những con thuyền trôi giữa dòng, còn ở đây, là những mái nhà lá, nhưng cũng giống nhau ở chỗ bên này có thể nghe rõ bên kia và ngược lại. Những âm thanh, ca khúc chồng lên nhau, làm người nghe có phần mất phương hướng vì bị chi phối.
Cả những bông hồng nữa. Người ta đã cầm lên, nhét những khoản tiền vào giữa tim hoa và chộn rộn trao tặng. Người lớn, người nhỏ, trẻ nít được cha mẹ dẫn đến chỗ ca sĩ...
Tôi nhìn mấy bông hồng rớt trên đường khi người ca sĩ rời đi, lòng có phần ngùi ngẫm trước khoảng vắng thiếu một không gian diễn xướng, cả ở đây, và quê tôi nữa trong những buổi diễn theo đặt hàng...
Lê Nguyễn Hà Chi