ClockThứ Năm, 12/12/2019 10:07

Mùa họa mi

TTH - Hôm đó Hà Nội chớm vào mùa rét mướt. Hôm đó Hà Nội thi thoảng có một chút mưa. Tôi thu tay mình vào trong áo khoác mỏng, nghiêng vai né những giọt nước vừa khẽ rơi trên đám lá, dưới hàng cây. Ly cà phê nóng, ấm sực tiếng của những người bạn trên vỉa hè trước khách sạn.

Hôm đó, Hà Nội đã mông lung họa mi.

Tôi nghĩ, mình sẽ trở thành một mông lung khác, nếu đi tìm thời gian mà cúc họa mi trở thành một đặc sản thương nhớ của Hà Nội.

Hiện diện trong lòng phố và nhiều lắm ở các ngôi nhà, những bông họa mi với vẻ đẹp tinh khiết, mảnh dẻ ngần trắng, những bông họa mi đã làm lay động những ngôi nhà trong phố. Lay động lòng người và đem đến thật nhiều những trìu mến. Một cảm giác khiến lòng người nhẹ lại, dịu đi và thốt nhiên trở nên khẽ khàng và tràn ngập yêu thương…

Ảnh: dulichvietnam

Vì những điều đó nữa, nên Hà Nội mùa họa mi thật khác. Vẫn là những gánh hoa, hay hoa trôi trên các ngõ phố sau những lưng áo không còn ướt mồ hôi khi ngày thu đã bắt đầu phai và gió đã se sắt về; vẫn là không gian như chầm chậm lại sau mỗi guồng quay của pê-đan xe đạp nhưng Hà Nội, dường như sự nhẹ nhõm và tao nhã đã trở lại trên những con đường lúc nào cũng tấp nập. Họa mi như là sự tinh khiết gọi nắng khi ánh sáng bắt đầu len lỏi dưới những tán cây trên phố Phan Đình Phùng hay nhảy nhót dưới đám lá trên đường Vạn Phúc. Bụi loãng ra dưới những đốm hoa ẩn hiện trong phố, ít nhất thì tôi đã cảm nhận về điều đó khi để mắt đuổi hoài theo những nốt hoa khi tha thẩn trên các ngả đường.

Mặc nhiên trong tâm thức, điều mà tôi thích vẫn là họa mi như những gì mà hoa tự nhiên hiện diện. Là khi hoa hồn nhiên và thanh thản đi vào nhịp sống và bằng sự hiện diện của mình để hồn nhiên cân bằng cuộc sống. Tôi tin dù khi chới với, hoa mảnh khảnh vậy nhưng sẽ neo giữ được lòng người. Tôi tin dù nhẹ nhàng đến mong manh, nhưng họa mi sẽ là tiếng hót ẩn chứa kéo người đến bên người và mang yêu thương đến cho yêu thương. Thì cứ nhìn những ánh mắt trìu mến dừng lại bên những đốm họa mi, cứ nhìn những bước chân tần ngần bên họa mi và hãy thử một lần lắng nghe nhịp thở của mình bên những đóa họa mi, ta có thể sẽ biết mình là ai, đang như thế nào…

Từ những khát khao của mọi người trên các dòng status hay những trang báo online, không gian của cúc họa mi đã mở ra một biên độ không giới hạn. Cô thôn nữ bên cánh đồng, hay một triền đất bên sông ngày nào giờ đã trở thành hoa hậu gần gũi và quá đỗi dịu dàng trong đời sống thật. Đến nỗi, mùa chưa qua nhưng người ta đã lại ngóng chờ những mùa sau trở lại…

Những bông họa mi trong phòng làm việc mà cô đồng nghiệp cũng nhỏ nhắn, không mấy khi đi Hà Nội đã mang theo lên chuyến bay về Huế, vẫn trắng ngần trước bàn làm việc của tôi. Những bông hoa khe khẽ làm nao lòng nhớ về những không gian Hà Nội, của tôi, trong những ngày đông ngập ngừng chờ đợi…

NGÂN HẠNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Ra “sông lớn” với thầy nội

Không phải ngẫu nhiên mà ông Hoàng Anh Tuấn được chọn mặt để “gửi khó”, dẫn dắt tuyển U23 Việt Nam dự Vòng chung kết U23 châu Á 2024 sau khi HLV Troussier bị cắt hợp đồng. Ông thầy người Khánh Hòa từng đưa đội U20 Việt Nam lần đầu tiên vào đến Vòng chung kết World Cup U20 năm 2017. Năm 2023, ông Tuấn cũng giúp đội U23 Việt Nam vô địch Đông Nam Á.

Ra “sông lớn” với thầy nội
Return to top