Tục xưa làng cũ
Thanh Thủy Thượng, tính từ ngày lớp người đầu tiên rời xứ Thanh Tuyền đến vùng đất mới lập ấp dựng làng, nay đã hơn 250 năm. Tục truyền, làng Thanh Thủy Thượng có tên đầu tiên là Ôn Tuyền - suối nước ấm. Sau đó có tên là Thanh Tuyền - suối nước trong xanh. Đến thời vua Thiệu Trị đổi thành Thanh Thủy - nước trong xanh. Cách mạng tháng Tám thành công, hợp cả hai làng Thanh Thủy Chánh và Thanh Thủy Thượng lại thành xã Hồng Thủy - nước mang màu cờ cách mạng, là xã anh hùng trong kháng chiến chống Pháp. Hiện nay, Thanh Thủy Thượng thuộc phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy.
Họ Phùng khen thưởng con cháu chăm ngoan học tốt
Buổi đầu khi làng thành một đơn vị hành chính, lệ làng được lập thành văn bản, thành hương ước của làng, con cháu của các dòng họ cứ theo đó động viên nhau cùng gìn giữ. Hương ước của làng quy định bộ máy quản lý và bản hương ước do làng tự tổ chức, xây dựng. Trong những cuộc họp ở đình làng, người nông dân có thể bày tỏ nguyện vọng, thắc mắc, nhưng những người trong bộ máy quản lý làng được toàn quyền sắp đặt xử lý việc làng sao cho yên ổn, sản xuất phát triển. Lệ làng cũng cụ thể về việc sinh tử, giá thú, tang ma, cưới hỏi. Mỗi khi nhà nào bất kể có việc vui hay buồn, hễ cần thêm người giúp đỡ thì bà con láng giềng sẵn sàng chung tay mà không chút nền hà, tính toán. Tình cảm xóm giềng bao đời cứ vậy mà được hình thành, vun vén và gắn bó với nhau. Hương ước của Thanh Thủy Thượng cũng quy định tùy theo mức tội nặng, nhẹ mà phải chọn một trong những hình phạt: Phạt tiền hay hiện vật, bồi thường thiệt hại, bị đánh đòn, bị hạ ngôi thứ, bị đuổi ra khỏi họ và bị đuổi ra khỏi làng. Hình thức bị đuổi ra khỏi họ, khỏi làng chưa được áp dụng, nhưng trường hợp vi phạm nghiêm trọng có lần làng đã áp dụng tẩy chay đám ma. Nhờ có chế độ thưởng phạt nghiêm minh đó, lệ làng đã tạo ra sự “cưỡng chế” hướng con người sống theo quy tắc chung. Đó là những hình phạt nặng về tinh thần, mà thông thường nhất là người mắc lỗi phải mang cau trầu đến xin lỗi họ hoặc làng. Đó là hình phạt nặng về tình cảm, danh dự.
Giữ nếp làng cho mai sau
Ngày nay, những hình thức thưởng phạt của lệ làng Thanh Thủy Thượng không còn là sự “răn đe đáng sợ” cuối cùng. Nhưng nhiều phong tục tốt đẹp từ xưa vẫn được người nay kế thừa. Điều đó thể hiện rõ trong hương ước văn hóa của làng, xã Thủy Dương được thống nhất xây dựng năm 1999 và được con dân phường Thủy Dương hôm nay đồng lòng thực hiện rất nghiêm túc.
Phong cảnh nên thơ, cổ kính làng Thanh Thủy Thượng. Ảnh: Tư liệu
Chị Nguyễn Thị Thân, Phó Chủ tịch UBND phường, cũng là một người con thuộc thế hệ 8x của làng, nhiệt tình giới thiệu: “Những quy định này không chỉ áp dụng đối với con cháu của làng Thanh Thủy Thượng mà mở rộng với mọi công dân chọn Thủy Dương làm nơi an cư. Người dân Thủy Dương nghiêm chỉnh thực hiện Hương ước làng, không để đám tang quá 3 ngày, không cỗ bàn linh đình tốn kém, không hạt dưa, không thuốc lá trong đám tiệc, sinh đẻ có kế hoạch, không phân biệt giới tính… có công rất lớn của các bác trưởng trong mỗi họ tộc. Biết tôn kính người già, nhường nhịn trẻ nhỏ, mỗi người luôn phải nỗ lực chăm chỉ học học, rèn tâm hướng thiện là những bài học mà mỗi đứa trẻ trong làng từ nhỏ lớn lên đã được ông bà, cha mẹ dặn dò dạy dỗ ngay trong gia đình nên lớn lên cũng ngoan ngoãn, thuần hậu. Khi địa phương có việc gì cần đẩy mạnh tuyên truyền đến rộng rãi bà con nhân dân, cứ gặp Hội đồng tộc trưởng của làng. Mọi việc nếu được các bác trưởng đồng thuận, có tiếng nói trước con cháu họ tộc thì khi chính quyền tiếp tục vận động, tỉ lệ thành công luôn rất cao.
Một ngày mưa lướt thướt xứ Huế, câu chuyện của chúng tôi càng thêm ấm bên bàn trà trong phòng khách của ông Nguyễn Diên Vân, Trưởng làng Thanh Thủy Thượng. Ông nói: “Xã hội đã thay đổi nhiều rồi, nhưng hay ở đây là Đảng nói dân nghe và dân nói thì Đảng cũng tiếp thu và điều chỉnh. Cứ rứa, ý Đảng lòng dân mà thực hiện mọi việc”. “Có điều…”, vị Trưởng làng thoáng ngưng rồi lại tiếp: “Lệ làng xưa nay, dân ngụ cư có mọi quyền lợi như con dân của làng nhưng lại không được tham gia việc làng. Tui đang muốn các bác trong Hội đồng các tộc trưởng thay đổi điều này. Bữa nay có Đảng, có Nhà nước rồi, khi làng cần, địa phương cần, mọi công dân đều có nghĩa vụ như nhau, tuân theo đạo làng và chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước. Nếu lệ này được thay đổi, tình đoàn kết giữa các họ tộc, trong cộng đồng làng chắc chắn sẽ bền chặt hơn. Mong được vậy nhưng không thể ngày một ngày hai mà thay đổi được”.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN