ClockThứ Tư, 31/05/2023 06:57

Nơi nghệ thuật diều Đông Nam Á gặp gỡ và giao lưu

TTH - Lần đầu tiên tại lễ hội diều trong khuôn khổ Festival Huế, những con diều đặc trưng, truyền thống của các nước Đông Nam Á sẽ cùng hội tụ và đua sắc trên bầu trời Cố đô.

Rộn ràng sắc màu văn hóa trên đường phốLễ hội Diều Huế diễn ra từ 16 - 23/4Gìn giữ tinh hoa múa cung đình

leftcenterrightdel
Diều Rồng, loại diều cung đình đặc trưng của Huế 

Diều Đông Nam Á khoe sắc

Lễ hội Diều Quốc tế 2023 được tổ chức từ ngày 3 - 9/6/2023 với nhiều hoạt động hấp dẫn, như trình diễn nghệ thuật thả diều, trưng bày và trải nghiệm làm diều. Đặc biệt, như nhấn mạnh của ban tổ chức sẽ là chương trình giao lưu thả diều nghệ thuật vào các buổi chiều từ ngày 4 - 8/6 tại quảng trường Ngọ Môn và bãi biển Thuận An. Hoạt động với sự tham gia của các câu lạc bộ (CLB) diều khách mời quốc tế: Malaysia, Singapore và Thái Lan; các câu lạc bộ diều trong nước: CLB Nhà hàng Cánh Diều Vàng (Nam Định), CLB diều nghệ thuật Phượng Hoàng và CLB diều Hướng Dương (TP. Hồ Chí Minh) và cùng chủ nhà là nhóm nghệ nhân diều Huế.

Trung tâm Festival Huế (ban tổ chức) cho biết, thả diều ở Thái Lan không chỉ để xem nó có thể bay cao đến đâu trên bầu trời, mà đó còn là một môn thể thao cổ xưa, được quy định bằng các luật lệ, và là di sản liên quan đến tất cả mọi người từ nhà vua cho đến người dân thường.

Skyline Kite Team là CLB diều của Thái Lan với 20 thành viên hoạt động khắp xứ sở chùa Vàng sẽ đại diện tham gia lễ hội Diều Quốc tế 2023 này. Với kinh nghiệm sử dụng đa dạng các loại diều: thả trong nhà (Zero Wind), diều dây đơn, diều dây đôi, diều dây bốn và diều thể thao, Skyline Kite Team hứa hẹn sẽ cống hiến cho công chúng và du khách tại Huế những màn trình diễn sinh động, hiện đại và đầy ngoạn mục.

Hiệp hội Diều Malaysia được thành lập nhằm thúc đẩy sự phát triển, bảo tồn và quảng bá môn thả diều như một hình thức nghệ thuật truyền thống, hoạt động giải trí và di sản văn hóa ở Malaysia; đưa văn hóa truyền thống nói chung và diều truyền thống của Malaysia ra quốc tế.

Đến với lễ hội Diều Quốc tế 2023, diều truyền thống của Malaysia sẽ phô diễn những sắc màu rực rỡ và thiết kế tinh xảo. Những chiếc diều Wau Bulan – diều Mặt trăng, Wau Kucing – diều Mèo, Wau Jala Budi, Wau Merak,… được làm từ tre và giấy, phần khung được trang trí với những họa tiết chạm khắc tinh xảo và phủ sơn bên ngoài sẽ được trưng bày cho du khách và người dân Cố đô thưởng lãm.

Đại diện cho Singapore là nữ nghệ nhân Gadis Widiyati Riyadi với 30 năm kinh nghiệm làm diều, thả diều cũng như tổ chức trại sáng tạo diều tại nhiều nước trên thế giới. Widiyati đã tham gia các lễ hội diều quốc tế tại các nước từ châu Á, châu Âu, châu Phi và đến Việt Nam lần này, nghệ nhân Singapore sẽ mang đến Cố đô những cánh diều đầy màu sắc, đa dạng phong cách từ hiện đại đến cổ truyền.

leftcenterrightdel
Lễ hội diều là dịp để các loại diều khoe sắc 

Nâng tầm lễ hội

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết, lâu nay, lễ hội diều được tổ chức trong khuôn khổ Festival Huế dừng lại ở mức quy mô hội tụ các cánh diều trong nước. Với lễ hội lần này, lần đầu mở rộng quy mô quốc tế, với các nước trong khối ASEAN. Các khách mời quốc tế đều rất nổi tiếng về thú chơi diều và đã từng đại diện đi giao lưu với nhiều nước trên thế giới.

Lễ hội là dịp thu hút du khách, tạo sân chơi và cơ hội thưởng lãm cho những ai yêu thích bộ môn nghệ thuật trên không; là cơ hội để các nghệ nhân địa phương, trong nước cũng như quốc tế gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn và giới thiệu bản sắc văn hóa của đất nước mình với các nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, để làm một con diều Huế phải trải qua nhiều công đoạn, là dấu ấn của từng nghệ nhân diều, là bí quyết tạo sự khác biệt của từng chiếc diều Huế. Mỗi con diều được làm ra là một tác phẩm nghệ thuật, là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố như kinh nghiệm, kiến trúc, khí động học, hội họa... Bằng sự đam mê và tài hoa của mình, các thế hệ nghệ nhân diều Huế đã làm nên bộ sưu tập diều khổng lồ với hàng ngàn mẫu mã khác nhau trong hình dáng các loài chim, thú: long, lân, ly, phụng, công, bướm… Thú chơi diều như là nét văn hóa truyền thống, nghệ thuật được người chơi diều không ngừng sáng tạo, nâng lên thành di sản văn hóa.

“Tham gia lễ hội diều lần này, các nước sẽ mang đến những con diều truyền thống đặc trưng nhất. Vì vậy, chúng tôi sẽ sử dụng diều cung đình và nhiều loại diều truyền thống khác để cùng “đọ sắc” trên bầu trời Cố đô. Chúng tôi mong muốn giao thoa nghệ thuật chơi diều, bảo tồn có hiệu quả nghệ thuật chơi diều và tiến đến phát huy, đưa nghệ thuật chơi diều ngày càng lan rộng trong đời sống của người dân”, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Hoàng kỳ vọng.

Nghề làm diều ở Huế ra đời ít nhất trên 300 năm, từ một thú chơi tiêu khiển đơn sơ nơi thôn quê của con trẻ, dần dần được người lớn phát triển thành con diều có hình dáng phức tạp hơn. Cuối cùng được giới thượng lưu ở Kinh thành Huế nâng lên thành “nghệ thuật múa rối trên không”. Dù thế, thách thức lớn hiện nay là bảo tồn diều truyền thống, vì bộ môn thả diều ít được lựa chọn khi nhiều loại hình vui chơi, giải trí khác được ra đời.

Theo ông Huỳnh Tiến Đạt, mỗi lần lễ hội được tổ chức, là dịp để những cánh diều rực rỡ sắc màu tung bay trên nền bầu trời xanh. Định hướng của tỉnh và ban tổ chức là sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, đưa lễ hội diều thành một hoạt động thường niên, nơi có sự gặp gỡ của nhiều loại diều trên khắp thế giới. Qua đó, bảo tồn và phát huy nghệ thuật thả diều được hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giao lưu “Người Huế kể chuyện Huế”

Sáng 17/11, Nhà Xuất bản Kim Đồng phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế, Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế tổ chức chương trình “Người Huế kể chuyện Huế”, giao lưu với nhà văn, nhà báo Phi Tân và nhà văn, nhà nghiên cứu Lê Vũ Trường Giang nhân dịp ra mắt sách “Người Huế kể chuyện Huế” và “Học trò bên kia phá Tam Giang”.

Giao lưu “Người Huế kể chuyện Huế”

TIN MỚI

Return to top