ClockThứ Hai, 16/09/2019 09:36

“Quả ngọt” mùa giải văn học nghệ thuật cố đô

TTH - Ở lĩnh vực sân khấu, giải A được trao cho vở diễn “Dòng sông đỏ” của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế.

Trao giải thưởng văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ VIDự kiến có 58 giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ VI

Sáng tạo của văn nghệ sĩ thường xuyên được giới thiệu đến công chúng

Lần đầu tiên ra mắt công chúng ở triển lãm mỹ thuật “Sắc màu kết nối” tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng trong dịp Festival Huế 2018, bức tranh “Chuyển nhịp dòng Hương” của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Huệ gây ấn tượng với công chúng. Đây là một trong những tác phẩm đặc trưng cho phong cách Huế: nhẹ nhàng, mềm mại và sâu lắng. Bằng chất liệu lụa tổng hợp, tác phẩm thể hiện cách điệu hình ảnh cầu Trường Tiền lấp lánh sắc vàng. Sự phá cách về kỹ thuật tạo hiệu ứng chiều sâu, hòa sắc đẹp cho tác phẩm. Điều đặc biệt nữa là, hình ảnh cầu Trường Tiền trong tranh được tác giả dát bạc, những ánh nắng được dát bằng vàng thật.

Với bức tranh này, dường như cả trời, đất, mây, nước hòa vào nhau trong không gian đặc trưng của Huế. Theo chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Thị Huệ, đó là ánh nắng gieo xuống dòng Hương óng ả sắc vàng được chị vẽ cách điệu thành đồng xu ngày xưa. Đây cũng là cách chị thể hiện lịch sử tên gọi Trường Tiền xuất phát từ việc ra đời một công xưởng đúc tiền tại khu vực này. Bức tranh này vừa được trao giải A chuyên ngành mỹ thuật tại Giải VHNT Cố đô lần thứ VI.

Ở lĩnh vực sân khấu, giải A được trao cho vở diễn “Dòng sông đỏ” của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế. Vở diễn có đề tài chiến tranh cách mạng, nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy đau thương mà anh dũng của Nhân dân miền Trung.

Đoạt giải A ở lĩnh vực múa, vở múa “Mệnh đất trời” của Phan Hoàng đem lại cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc về kiếp nhân sinh giữa đất trời. Tác giả xây dựng được bối cảnh sân khấu rất nên thơ, sự kết hợp hoàn hảo của bố cục sân khấu bao gồm ngôn ngữ múa, hình thức thể hiện, màn hình, âm thanh, ánh sáng… tạo nên bức tranh sinh động, lột tả được khát vọng của con người trong thời hiện đại.

Giải A chuyên ngành văn học được trao cho tập truyện ngắn “Trong tiếng reo của lửa” của nhà văn Lê Minh Phong, một trong những cây bút văn xuôi hậu hiện đại đáng chú ý bậc nhất hiện nay của văn học Việt Nam đương đại. “Trong tiếng reo của lửa” là tập truyện ngắn chưa đầy 200 trang viết, với 24 truyện ngắn. Đây là tác phẩm của người trẻ có ý thức làm mới văn chương từ những hệ lý thuyết văn chương mới. Các tác phẩm của Phong chồng lớp những ẩn dụ, triết lý. Những thủ pháp nghệ thuật trong truyện được tác giả sáng tạo có chủ ý theo các quan điểm thẩm mỹ mới mẻ của các hệ hình triết/mỹ đương đại trên thế giới.

Nhà văn Lê Minh Phong chia sẻ: “Trong quá trình sáng tạo, tôi luôn có tham vọng làm khác đi so với những người đi trước và cùng thế hệ. Tập truyện ngắn là những thử nghiệm của tôi về nghệ thuật, từ hình thức, thể loại và các thủ pháp nghệ thuật để chuyển tải nội dung, tư tưởng. Đây là nỗ lực của bản thân sau khi tìm hiểu các trào lưu, trường phái nghệ thuật trên thế giới. Tôi rất vui khi những nỗ lực của mình trong thời gian qua được bạn đọc chấp nhận”. 

Tại giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ VI, có 56 tác phẩm, công trình của 56 tác giả, nhóm tác giả được trao giải, gồm 8 giải A, 19 giải B và 29 giải C. Đây là những tác phẩm xuất sắc được lựa chọn từ 158 tác phẩm, công trình tham dự giải. Theo đánh giá của ban tổ chức, giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ VI có nhiều tác phẩm hay, có giá trị nghệ thuật và mang tính nhân văn sâu sắc, phản ánh đúng thực chất chất lượng của phong trào VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu của tỉnh. Các tác phẩm xếp hạng A xứng đáng là các tác phẩm tiêu biểu của các chuyên ngành. Đề tài văn hóa, con người xứ Huế, gìn giữ và phát huy giá trị di sản là một trong những nội dung được nhiều tác phẩm giới thiệu.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT, nhận định: “Chất lượng các tác phẩm, công trình sáng tạo, nghiên cứu đã có những nét nổi trội, có những tác phẩm mang tính sáng tạo độc đáo. Các tác phẩm đạt giải thưởng lần này là kết quả của quá trình học hỏi, lao động nghệ thuật gian khó, là quá trình chiếm lĩnh và nghiền ngẫm hiện thực đời sống, hiện thực tâm trạng một cách sâu sắc để thể hiện thành đặc trưng nghệ thuật ngôn từ, hình tượng và tư tưởng theo từng loại hình riêng. Các tác phẩm đều kết tinh được chiều sâu và chiều rộng của hiện thực, tầm cao của tư tưởng triết mỹ…”.

Một số chuyên ngành đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực trong hoạt động sáng tạo, nghiên cứu, như văn nghệ dân gian, sân khấu, múa… Điều đáng mừng là lực lượng sáng tác trẻ tiếp tục khẳng định mình với những gương mặt triển vọng trong nền VHNT tỉnh nhà, như: Lê Minh Phong, Phan Tuấn Anh, Lê Vũ Trường Giang (văn học), Nguyễn Thị Huệ, Lê Ngọc Thái (mỹ thuật), Nguyễn Xuân Minh (kiến trúc); Lê Tấn Thanh, Nông Văn Toàn (nhiếp ảnh), Phan Hoàng, Mai Trung (múa)… Những nhân tố trẻ này đang độ chín sẽ là mùa "quả ngọt" của tương lai.

Bài, ảnh: CÁT AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao 18 suất quà đến gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông

Chiều 20/11, ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cùng đại diện các ban, phòng, đơn vị chức năng liên quan đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình có nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) hiện đang gặp hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Trao 18 suất quà đến gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông
Đến được chung kết, đã là người chiến thắng

Với chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế có 7 học sinh vào chung kết năm. Trong đó, Hồ Ngọc Hân là Quán quân năm thứ 9 và Nguyễn Nguyễn Thái Bảo là Á quân năm thứ 5. Cả hai anh đều đang công tác ở Huế. Trước trận đấu chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm nay, Ngọc Hân và Thái Bảo đều mong Võ Quang Phú Đức tự tin, thoải mái và có những trải nghiệm đáng nhớ ở cuộc thi.

Đến được chung kết, đã là người chiến thắng
Chia sẻ yêu thương với người bệnh

Nhằm cải thiện bầu không khí nặng nề, u buồn, đau đớn trong bệnh viện, đặc biệt là ở những nơi dành cho bệnh nhân ung bướu, bệnh nhi..., nhóm tình nguyện viên (TNV) thuộc dự án “Một bức tranh - nhiều hy vọng” đã có sáng kiến đặt những bức tranh, ảnh đẹp, tươi sáng vào phòng bệnh và hành lang.

Chia sẻ yêu thương với người bệnh

TIN MỚI

Return to top