ClockThứ Tư, 29/11/2017 05:11
Danh thần Trần Đình Bá

Tấm gương sáng cho giáo dục nhân phẩm con người

TTH - Giữa tháng 3/2017 vừa qua, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến để hoàn thiện việc lập hồ sơ lý lịch di tích lăng mộ và nhà thờ Trần Đình Bá. Đó là việc làm ý nghĩa của hậu thế đối với lịch sử, đối với tiền nhân; nhất là khi năm Đinh Dậu 2017 này là tròn 150 năm ngày sinh danh thần Trần Đình Bá.

Tôi quê làng rèn Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền. Ngôi làng nằm bên dòng sông Bồ xanh trong hiền hòa, không quá xa thành phố nên thỉnh thoảng có dịp anh em tôi rủ nhau chạy xe máy về thăm. Ngay từ đầu làng, nhìn về phía cánh đồng xa xa bên trái thấy nổi lên mấy cột trụ biểu của khu lăng mộ mà người làng quen gọi là lăng mộ cụ Thượng. Tôi nghe và biết vậy chứ thú thật không mấy để ý, bởi ở xứ Huế Kinh đô, lăng vua mộ chúa có khi đi thăm còn chưa hết...

Danh nhân Trần Đình Bá (1867-1933)

Cho đến một hôm, tình cờ được nghe, lăng mộ cụ Thượng là do chính cụ Cả Khiêm, tức cụ Nguyễn Sinh Khiêm, anh ruột Hồ Chủ Tịch chọn đất (Cụ Cả Khiêm, có thời gian khoảng từ 1930-1940 sống ở làng Phú Lễ- xã Quảng Phú, cạnh làng rèn Hiền Lương- TG), tôi mới thắc mắc tự hỏi: Cụ Thượng- chủ nhân của khu lăng mộ kia là ai, quen biết với gia đình Cụ Hồ như thế nào mà đích thân cụ Cả Khiêm lại đi chọn huyệt mộ?

Tìm hiểu mới biết, chủ nhân của khu lăng mộ là cụ Phó bảng Trần Đình Bá, người ấp Phước Tự, thôn Hiền Lương, tổng Hiền Lương, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên (nay là thôn Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông hiệu Phước Trang, tự Tân Phủ, sinh năm Đinh Mão (1867), mất năm Quý Dậu (1933); đỗ Phó bảng khoa thi Mậu Tuất (1898) thời Thành Thái, làm quan trải 3 đời vua: Thành Thái, Duy Tân, Khải Định. Ông từng kinh qua các chức: Án sát Thanh Hóa; Bố chính Hà Tĩnh; Thị lang Bộ Hình; Tuần vũ Quảng Ngãi; Tổng đốc An-Tĩnh; Hiệp tá Đại học sĩ, lãnh Thượng thư Bộ Hình kiêm quản Viện Đô sát, sung Cơ mật viện đại thần, tước Phù Ninh nam, hàm Thái tử Thiếu bảo, vinh phong Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu.

Các nguồn thư tịch để lại đã được Viện Sử học thẩm định, xác minh cho biết, cụ Trần Đình Bá vốn có mối giao tình với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (tức Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Thời kỳ làm Tổng đốc An-Tĩnh (1919), khi mật thám Pháp đã đánh điện yêu cầu cụ báo cáo về lý lịch người thanh niên xứ Nghệ mang tên Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động tại Pháp, cụ đã trả lời: "Không có ai là người Việt Nam mang tên Nguyễn Ái Quốc ở Nam Đàn, Nghệ An". Và để có thể "hoàn thành nhiệm vụ", cụ đề nghị Paris cho biết: tên của cha mẹ, đặc điểm nhận dạng thời trẻ của Nguyễn Ái Quốc... Có nghĩa là, cụ Tổng đốc yêu cầu người Pháp phải cung cấp chính điều mà họ đang yêu cầu cụ tìm hiểu để cung cấp cho họ. Thật là cao tay! Tổng đốc Trần Đình Bá còn bí mật giúp đỡ cho ông Nguyễn Sinh Khiêm và bà Nguyễn Thị Thanh (chị ruột của Hồ Chủ Tịch) suốt thời kỳ ở Nghệ An cho đến sau này khi vào kinh đô Huế. Ân tình như thế cho nên mãi sau khi cụ Trần qua đời, năm nào đến ngày giỗ, cụ Cả Khiêm cũng mang đến một bầu rượu trắng kính cẩn đặt lên bàn thờ để cúng cố nhân.

Cũng trong thời gian nhậm chức ở An-Tĩnh, Tổng đốc Trần Đình Bá còn bí mật bắn tiếng để các thanh niên yêu nước cảnh giác, thoát khỏi sự vây bắt của chính quyền "bảo hộ". Những thanh niên này về sau trở thành những trí thức cách mạng nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Hà Huy Giáp, Tạ Quang Bửu.... Trước đó, thời gian làm Án sát tỉnh Thanh Hóa, nhân sau phong trào Cần Vương, bọn tiểu nhân cơ hội tìm cách vu oan cho người khác để tâng công với Pháp. Ông đã minh xét hồ sơ do Tòa sứ (Pháp) chuyển sang với danh sách hơn 100 thân hào nhân sĩ, bác bỏ lời vu cáo và miễn nghị tất cả.

Sử liệu cũng ghi nhận khí phách Trần Đình Bá khi cụ phản ứng chính quyền "bảo hộ'' tại cuộc họp bàn chuyện của vua Thành Thái. Ngay khi viên Khâm sứ phát biểu hàm ý định đoạt số phận của nhà vua yêu nước, trước mặt quan chức ''bảo hộ'', cụ Trần dõng dạc: "Không được! Đó chỉ là giam lỏng… một điều vô đạo lý.... Tôi không hiểu chính quyền bảo hộ tôn trọng thế nào về hòa ước Giáp Thân 1884 mà bên các ngài gọi là Patenotre. Thực quyền hiện nay ở phần đất còn lại của Nam triều, chính phủ bảo hộ nắm hết cả. Hòa ước đó do chính các ngài đã làm cho nó trở thành vô nghĩa. Trong quan hệ giữa con người với con người chữ TÍN thường được tôn trọng, chỉ có những kẻ vô liêm sỉ mới không coi trọng chữ TÍN…  Các ông là nước lớn tự cho mình là văn minh, đi xâm chiếm nước người, bảo hộ đất nước chúng tôi và với quyền bảo hộ đó các ông đã tự xóa bỏ các hòa ước đã ký kết. Nay các ông lại lấy quyền đó truất vị đức Kim thượng chúng tôi, bảo Ngài là… điên, đáng lý ra mọi việc bên Nam triều chúng tôi phải chính triều đình chúng tôi bàn nghị. Các ngài nên, vâng, nên tôn trọng hòa ước 1884 đã ký!". Nói xong, cụ Trần đứng dậy bỏ về. Các quan Nam triều nhiều người cũng bỏ về theo.

Với trường hợp của vua Duy Tân, sau cuộc khởi nghĩa bất thành, cụ  Trần Đình Bá cùng với các đại thần khác như Tôn Thất Hân, Trần Đình Phát...đã mật bàn thống nhất và ủy thác để quan Phụ chính Hồ Đắc Trung làm "án cứu vua". Vụ án nổi tiếng gắn liền với những tên tuổi như Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân... mà sử sách mãi còn lấp lánh.

Năm 1925, nhân cái chết của vua Khải Định, thực dân Pháp lại tiếp tục lấn tới một bước nữa, đòi triều đình Huế ký kết một hiệp ước mới mà theo đó tước hết quyền của vua nước Nam. Triều đình chỉ còn mỗi việc là lo ... tế lễ. Ông đã cùng với đại thần Nguyễn Hữu Bài khước từ không chịu ký tên, sau đó rũ áo từ quan.

Nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phó bảng, Thượng thư, Cơ mật viện đại thần Trần Đình Bá, Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nhận xét: "Trần Đình Bá nhờ tài đức đã khá hanh thông trên quan trường, giữ những chức vụ quan trọng. Mặc dù làm quan trong chế độ chính trị- xã hội phức tạp nhưng ông vẫn thể hiện rõ bản lĩnh khí tiết, khảng khái, trong sạch, ngay thẳng, hết lòng vì dân vì nước, có công ngầm giúp đỡ cách mạng Việt Nam trong buổi đầu đầy gian khó, được các sách, sử ca ngợi như một tấm gương cho hậu thế noi theo. Ông xứng đáng được hậu thế tôn vinh, là tấm gương sáng cho giáo dục nhân phẩm con người".

Giữa tháng 3/2017 vừa qua, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các cơ quan chức năng để hoàn thiện việc lập hồ sơ lý lịch di tích lăng mộ và nhà thờ Trần Đình Bá. Đó là việc làm ý nghĩa của hậu thế đối với lịch sử, đối với tiền nhân; càng ý nghĩa hơn nếu việc công nhận xếp hạng di tích thành tựu trong năm này- năm tròn 150 năm ngày sinh danh thần Trần Đình Bá (Đinh Mão 1867- Đinh Dậu 2017).

Viện Sử học trong văn bản xác minh thân thế, sự nghiệp danh nhân lịch sử văn hóa Trần Đình Bá cũng đã đề nghị: "Nhân 150 năm ngày sinh của Phó bảng, Thượng thư Trần Đình Bá (1867-2017), ngành văn hóa và các cấp chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cần có kế hoạch trùng tu, tôn tạo khu lăng mộ và các di tích khác liên quan đến ông, tiến đến xếp hạng di tích cho các di sản văn hóa này. Hy vọng rằng, trong một tương lai không xa, tên danh nhân lịch sử văn hóa Phó bảng, Thượng thư Trần Đình Bá sẽ được đặt cho các con đường tại quê hương Thừa Thiên Huế và các địa phương mà ông đã từng kinh qua giữ chức vụ, gây dấu ấn tốt đẹp ở đó là: Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...''.

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở mầm non ngoài công lập

Thành phố Huế hiện có khá nhiều trường mầm non ngoài công lập và cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ở các cơ sở GDMN ngoài công lập, UBND TP. Huế triển khai nhiều giải pháp góp phần đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh cũng như thực hiện mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở mầm non ngoài công lập
UNESCO thành lập giải thưởng về giáo dục công dân toàn cầu

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vừa thành lập một giải thưởng do Hàn Quốc đề xuất, nhằm công nhận những nỗ lực trong việc nuôi dưỡng giáo dục về các vấn đề toàn cầu, như nhân quyền, tính bền vững và tính đa dạng, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 23/10 cho biết.

UNESCO thành lập giải thưởng về giáo dục công dân toàn cầu
Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh

Chiều 22/10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai chương trình giáo dục di sản cho học sinh.

Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh

TIN MỚI

Return to top