ClockThứ Sáu, 28/10/2022 07:00

Văn hóa đóng góp mục tiêu phát triển bền vững

TTH - Với rất nhiều chỉ số khác nhau được chia thành các nhóm, Bộ Chỉ số văn hóa 2030 của UNESCO giúp đánh giá vai trò của văn hóa, vừa như một lĩnh vực độc lập vừa như một thành tố xuyên suốt trong các lĩnh vực khác. Lần đầu tiên, dự án này được thí điểm tại TP. Huế và có rất nhiều thống kê, phân tích kỹ lưỡng.

Đo lường và giám sát tiến độ đóng góp của văn hóa

Việc triển khai thí điểm Bộ chỉ số Văn hóa 2030 của UNESCO đã đem đến những ý nghĩa quan trọng đối với việc quản lý văn hóa

Dự án được thực hiện theo thỏa thuận đã ký kết giữa UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát đã đưa ra nhiều thông tin thú vị.

Hơn 20 chỉ số được chia thành 4 nhóm

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nói rằng, Bộ Chỉ số văn hóa|2030 của UNESCO là một khung chỉ số chuyên đề nhằm đo lường và giám sát tiến độ đóng góp của văn hóa trong việc triển khai các mục tiêu thuộc Chương trình Nghị sự 2030 vì Sự Phát triển bền vững tại cấp quốc gia và các địa phương.

Với hơn 20 chỉ số, bộ chỉ số được chia thành 4 nhóm bao quát các phương diện quan trọng nhất của phát triển bền vững, từ môi trường đến kinh tế và xã hội. “Việc triển khai dự án được thực hiện theo các phương pháp và nguyên tắc mà UNESCO đề ra, đặc biệt là việc đảm bảo sự liên kết các nguồn dữ liệu do các cơ quan, đơn vị khác nhau nắm giữ...”, bà Phương chia sẻ. Theo bà Phương, 4 nhóm đó bao gồm: môi trường và khả năng chống chịu, sự thịnh vượng và sinh kế, kiến thức và kỹ năng, hòa nhập và sự tham gia.

Để đảm bảo nguyên tắc này, nhóm triển khai dự án của Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan để thu thập và xử lý các dữ liệu định lượng, định tính cần thiết cho hơn 20 chỉ số như: đầu tư cho di sản, quản lý di sản bền vững, thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu, thiết chế văn hóa, việc làm trong lĩnh vực văn hóa, chi tiêu của hộ gia đình cho văn hóa, đầu tư công cho văn hóa, quản trị văn hóa, giáo dục văn hóa - nghệ thuật, đào tạo văn hóa, văn hóa vì sự gắn kết xã hội, tự do nghệ thuật, tiếp cận văn hóa…

TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh, Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế - nghiên cứu viên chính của dự án cho rằng, việc triển khai thí điểm Bộ Chỉ số văn hóa|2030 của UNESCO tại TP. Huế đã đem đến những ý nghĩa quan trọng đối với việc quản lý văn hóa của TP. Huế. Đặc biệt, giải quyết thách thức mà thành phố đang phải đối mặt liên quan đến việc thiếu khung thống kê, cơ chế thu thập và sử dụng dữ liệu cho nhiều mục đích như quản trị văn hóa, đầu tư kinh doanh, quản lý tài nguyên văn hóa.

Cũng theo bà Hạnh, phương pháp dự án thu thập thông tin và dữ liệu từ nhiều nguồn, đa chiều và liên ngành. Điều này thể hiện rõ ràng sự hiện diện và đóng góp nội tại xuyên ngành của văn hóa, do đó giúp tất cả các bên liên quan nhận ra vai trò quan trọng trong việc xây dựng một khung thống kê cho văn hóa.

Thách thức lẫn cơ hội

Từ những dữ liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu đã chỉ rõ nhiều thách thức mà TP. Huế đang phải đối mặt. Cụ thể, tiềm năng kinh tế của các di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống chưa được khai thác tối đa, ngoài lĩnh vực du lịch văn hóa. Nghệ thuật biểu diễn truyền thống, ẩm thực, di sản vật thể và nghề thủ công đa dạng, phong phú của Huế chưa được quảng bá, trở thành sản phẩm; dịch vụ văn hóa có giá trị thị trường cao trong một số ngành văn hóa, như: thiết kế, nghệ thuật truyền thông, phim ảnh, ẩm thực, thời trang… Ngoài ra, những cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19 đã đặt thành phố vốn chủ yếu dựa vào doanh thu du lịch như Huế vào tình thế khó khăn về kinh tế.

Bên cạnh đó, có rất ít những không gian thường được giới trẻ yêu thích như địa điểm biểu diễn hay không gian sáng tạo. Các sự kiện văn hóa tại không gian mở ở Huế thường mang tính truyền thống hơn so với các sự kiện đương đại.

Tuy nhiên, theo TS. Hạnh, có rất nhiều cơ hội cho TP. Huế. Có thể kể đến như cơ hội để thực hành văn hóa, xóa bỏ các rào cản xã hội và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhóm xã hội và cộng đồng khác nhau bằng cách tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật đa dạng, cả truyền thống và đương đại. Cạnh đó, di sản văn hóa như một nguồn thu nhập cho người dân và doanh nghiệp địa phương. Xa hơn, đó còn là cơ hội để hợp tác với các đối tác quốc tế, cũng như sửa đổi các chính sách, cơ chế văn hóa hiện có liên quan đến phát triển bền vững và tăng cường năng lực lập kế hoạch tổng hợp, toàn diện của thành phố.

Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, dựa trên kết quả dự án thí điểm này, sẽ xây dựng bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững. Theo bà Hòa, dự án đã cung cấp phương pháp luận, hiện trạng đóng góp của văn hóa ở cơ sở cũng như tăng cường năng lực cho đội ngũ chuyên gia để từ đó xây dựng bộ chỉ số quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.

“Mong rằng sau dự án, không chỉ Huế mà các tỉnh, thành khác cũng sẽ tham gia, cùng đánh giá vị trí của văn hóa trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua chính sách hỗ trợ vì mục tiêu phát triển bền vững...”, bà Nguyễn Phương Hòa nói.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế, do Trường cao đẳng Huế phối hợp với Trường đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức.

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số
Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tiến đến đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao, Quảng Điền đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp an sinh xã hội. Trong đó, việc ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mô hình giảm nghèo hiệu quả được ưu tiên triển khai đã góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền
Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Return to top