ClockThứ Hai, 17/04/2017 21:32

Về lại sân ga

TTH - Nhớ bài viết đầu tiên được đăng báo của tôi có tựa đề: “Uống trà trên sân ga Huế”. Hồi đó mới ra trường chưa có việc làm nên hay la cà phố xá, mà ga Huế về khuya là một chốn giải khuây thú vị.

Hơn hai mươi năm rồi nên không còn nhớ bài báo mình viết những gì trong đó, chỉ nhớ có một câu “Những tiếng còi tàu vạm vỡ kia lại là âm thanh của những cuộc chia tay, từ biệt của biết bao người…”. Có người bạn sau khi đọc bài của tôi nói: “Tiếng còi tàu hồi đó thê lương, buồn chết đi được, chứ vạm vỡ cái nỗi chi hè?”. Cũng có thể! Bởi mỗi người nghe tiếng còi tàu một khác. Tôi thì vẫn nghe nó “vạm vỡ” khi tiễn những người bạn học của mình lên tàu rời Huế tìm những bến đỗ cuộc đời với niềm tin là bạn sẽ thành công!

Không biết những quán trà ở ga Huế có từ khi nào nữa. Có lẽ nó ra đời từ sau năm 1975 và được du nhập từ miền Bắc. Những bàn trà trên ga Huế về khuya là trà Thái Nguyên, có thêm mấy ống thuốc lào và mấy thanh kẹo lạc đều là những đặc sản có xuất xứ từ đất Bắc…

“Vĩ thanh” của cuộc trùng phùng bạn bè thời đại học sau hơn hai mươi năm lẻ ra trường đó là cuộc uống trà trên sân ga Huế. Dù đã là cư dân của Huế nhưng thú thật là tôi đã quên mất cái thú ẩm thực thời sinh viên này. Thời gian lâu như rứa, mà chừ trở lại vẫn thấy những quán trà khuya vẫn như ngày nào. Cho dù phố xá có nhiều đổi thay, đời sống thị thành cũng gấp gáp hơn nhiều thì những quán trà trên sân ga Huế vẫn bình lặng, chậm rãi nấp dưới bóng những góc cây bồ đề cổ thụ mà nghe những vị khách rì rào tâm sự và cũng trà, mấy thanh kẹo lạc; cũng thuốc lào rít khói và ánh sáng leo lét những ngọn đèn chai thắp bằng dầu hỏa dễ kéo lòng người về với những ký ức của thế hệ sinh viên nhiều khó khăn thời bao cấp…

Chúng tôi đã chia tay nhau, chia tay giảng đường đại học bằng tiếng còi tàu hun hút và cả tiếng bánh xe như nghiến vào màn đêm mùa hạ xứ Huế năm nao. Nay tóc đã điểm bạc, hẹn hò mà được ngồi lại với nhau vào một đêm xuân khi trời Huế đẫm sương đêm. Chúng tôi ngồi bên nhau không phải để nghe tiếng còi tàu, cũng chẳng phải để đưa tiễn hay chờ đợi ai; chỉ đơn giản là được nghe nhau nói chuyện của nhau. Chuyện nói rồi nói lại vẫn thấy vui, thấy thấm thía và đong đầy kỷ niệm…

Đã hơn hai mươi năm lẻ, nghe trên đầu tóc đã nhuốm sương! Chợt ngồi lại sân ga cùng nhau. Ký ức tưởng chừng đã phai nhòa theo thời gian chợt ùa về sau một câu nói, sau một ánh nhìn yêu thương của  bè bạn. Rồi ký ức bàng bạc theo người ánh đèn sân ga mơ màng để bịn rịn nói lời chia tay mà mong một ngày về…

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sắc phong quý về lại chốn xưa

Một ngày đầu năm năm 2024, khi “thỉnh” bức sắc phong sau bao nhiêu năm lưu lạc về lại phủ Vĩnh Quốc Công (thờ dòng tộc Nguyễn Hữu) - anh Nguyễn Hữu Hồng Quân - thủ từ ngôi phủ này đã rưng rưng cảm xúc, bởi không ngờ có ngày tìm lại được tư liệu quý từng thuộc về những bậc tiền nhân trong dòng tộc.

Sắc phong quý về lại chốn xưa
“Cổ tích của ba”: Bản hòa ca thương nhớ tuổi thơ

Quyển sách nhỏ, có lẽ là một thể loại mới - tản văn cho thiếu nhi - “Cổ tích của ba” của Lê Phi Tân chào bạn đọc vào lúc thời tiết Huế chắc cũng ở mức nắng nóng nhất của mùa hè. Phượng "thắp lửa" trên cây. Trời càng nóng, sắc phượng càng rực rỡ. “Cổ tích của ba” đến vào dịp hè, dù học trò có đi học thêm đủ thứ thì vẫn có nhiều thời gian rảnh để đọc. Và như thế “Cổ tích của ba” là một món quà chào hè 2023 của Nhà Xuất bản Trẻ cũng như của tác giả.

“Cổ tích của ba” Bản hòa ca thương nhớ tuổi thơ
Chiều Đông

Chiều xuống nhanh. Mạ tôi sai: “Mấy đứa con nghỉ chơi ra đụn rơm lôi cho mạ đầy hai trác rơm hí!”.

Chiều Đông
Rau trái vườn xưa

Rau quế có thân màu tím, lá màu xanh đậm, mùi thơm cũng đậm, ngon và thơm nhất khi làm món bóp với rau muống luộc.

Rau trái vườn xưa
Lao xao đồng chiều

Ở ngã ba đầu xóm, mạ tôi và mấy o, mấy dì trong xóm đang dên lúa.

Lao xao đồng chiều
Return to top