ClockChủ Nhật, 20/09/2020 06:45

Về những mảnh đá vỡ còn lại ở lăng bà Từ Dụ

TTH - Thái hậu Từ Dụ tên húy là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1810 tại tỉnh Gò Công (nay thuộc Tiền Giang), bà nổi tiếng đẹp người và hiền thục. Năm 14 tuổi bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, mẹ vua Minh Mạng) tuyển vào cung cho cháu nội là Nguyễn Phúc Miên Tông.

Dấu tích hoa văn rồng tại lăng Từ Dụ qua các mảnh vỡ còn lại

Năm 1841, Miên Tông lên ngôi (tức Thiệu Trị), bà Từ Dụ trở thành bà hoàng quyền lực trong cung, song bà vẫn sống giản dị, nhân từ, hết lòng yêu thương dân, luôn lo toan, dốc lòng dạy dỗ, bảo ban con cháu, chăm lo cho sự hưng thịnh của nước nhà. Bà mất ngày 12 tháng 5 năm 1902, thọ 92 tuổi. Lăng Thái hậu Từ Dụ (Xương Thọ lăng) nằm trong quần thể không gian rộng lớn của lăng Thiệu Trị, giữa rừng thông, bên trái, cạnh phía sau Xương Lăng (Thiệu Trị) một cách bình yên, kín đáo. Bắt đầu từ hai trụ biểu được xây dựng bằng gạch với điểm nhấn là hồ bán nguyệt nằm phía trước.

Tại bửu thành, có các bậc nền, lan can xây bằng gạch, trát vữa cổ và có đường diềm hoa dây, mô típ cánh sen và tranh nề họa hoa văn chim phụng - biểu tượng của các bà hoàng. Hình ảnh các loại quả như đào, lựu, quả phật thủ biến thể thành đầu rồng, phụng, cũng được thể hiện rất trau chuốt.

Huyền cung lăng Từ Dụ

Nhưng đáng quý nhất là những mảnh đá vỡ trang trí chạm còn lại của phế tích vẫn ẩn chứa bao nét tinh hoa và giá trị tạo hình trong đó. Hiện tại còn lại 16 mảnh vỡ lớn và nhiều mảnh vụn nhỏ trang trí khác về đề tài rồng mây sóng và tạo được ấn tượng thẩm mỹ sinh động. Đây là những mảnh đá trang trí vốn đặt trên mái huyền cung của lăng, vị trí trung tâm quan trọng nhất của bửu thành. Với rất nhiều hình nét hoa văn chạm đá với các vết khắc chạm tỉ mỉ và tinh xảo, trau chuốt. Hình tượng long ẩn vân với nét chạm khắc trên đá khá chuẩn mực, với kỹ thuật điêu luyện.

Qua các kiểu thức trang trí tạo hình ở các mảnh vỡ còn lại, có thể nhận thấy hoa văn trang trí đa dạng về kiểu thức, khác biệt, tinh tế và rất phong phú về đề tài rồng - mây - sóng - hoa lá… Những mảnh đá còn lại với trang trí tinh xảo là nguồn tư liệu cần quan tâm khi trùng tu tôn tạo lăng Từ Dụ sau này. Từ đó có cơ sở để tạo nên một tổng thể tạo hình nhất quán hợp lý trên cùng một công trình kiến trúc, góp phần vào việc mở rộng hơn nữa về ngôn ngữ nghệ thuật trang trí tại lăng Từ Dụ nói riêng và trong mạch nguồn nền mỹ thuật truyền thống dân tộc nói chung.

Các mảnh vỡ còn lại dưới nền huyền cung lăng Từ Dụ

Hiện nay, lăng Thái hậu Từ Dụ, người được sử sách ghi danh là bậc mẫu nghi thiên hạ đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều thành lan can bao quanh đổ nát, cổng bửu thành sạt lở góc, toàn cảnh lăng lặng lẽ giữa ngàn thông reo. Với những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc đá tuyệt đẹp và cả những mảnh vỡ còn lại mang theo những giá trị nghệ thuật trang trí độc đáo, tin rằng khi được nghiên cứu đầy đủ hơn, trùng tu tốt hơn, lăng Từ Dụ sẽ là một trong những di tích có được những giá trị nghệ thuật phong phú, làm giàu hơn cho sự đa dạng và sinh động của mỹ thuật thời Nguyễn.

Bài, ảnh: PGS.TS PHAN THANH BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tính nữ trong tranh Đặng Thị Thu An

Họa sĩ Đặng Thị Thu An là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ họa sĩ 8X đầy triển vọng của xứ Huế. Với những tác phẩm mang đậm nét đặc trưng của văn hóa truyền thống, đặc biệt khắc họa hình tượng người phụ nữ, tà áo dài, chị đã góp phần tạo nên dấu ấn riêng trong nền hội họa đương đại Việt Nam.

Tính nữ trong tranh Đặng Thị Thu An
Dạo chơi vườn ngũ sắc

Hưởng ứng Festival Huế 2024, ngày 8/6 tới đây, các họa sĩ Huế và yêu Huế sẽ về miệt vườn Kim Long hoa trái để trưng bày tranh với chủ đề “Dạo chơi vườn Huế”. Cuộc dạo chơi sẽ được bài trí bởi 39 bức tranh của 7 tác giả, là những bước chân qua những góc vườn ngũ sắc, với những câu chuyện xao động sắc màu của nắng gió vườn xanh, những tự tình hàn huyên của lá và hoa trong những góc vườn Huế vừa tĩnh lặng vừa sôi động…

Dạo chơi vườn ngũ sắc
“Những người bạn” tụ hội về Huế

Họ dù ở nhiều thế hệ, sống ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với hội họa để rồi còn hẹn hò về Huế triển lãm. Với họ, Huế là vùng đất để lại rất nhiều kỷ niệm không chỉ trong sáng tác mà còn ở tình bằng hữu, tình của những người nghệ sĩ với nhau.

“Những người bạn” tụ hội về Huế
Return to top