ClockChủ Nhật, 12/06/2022 09:07

Tiếp nối hành trình Trúc chỉ

TTH - Trên hành trình phát triển, Trúc chỉ luôn mang đến những bất ngờ với công chúng về khả năng sáng tạo và ứng dụng vào đời sống. Ở Trúc chỉ, sự sáng tạo luôn được trao truyền và tiếp nối bởi những nguồn năng lượng mới từ thế hệ trẻ.

Triển lãm 60 tác phẩm trúc chỉ

Các tác phẩm thiên về nghệ thuật ứng dụng

Đa sắc trong sáng tạo

“Không lời” là triển lãm mới nhất của Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam diễn ra từ ngày 27/5 đến 6/6 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, giới thiệu đến người xem những sáng tạo mới của nghệ thuật Trúc chỉ.

Với các tác phẩm về chủ đề Phật giáo, tranh thiền, tín ngưỡng dân gian, tranh hoa lá và các sản phẩm ứng dụng được tạo tác bởi các họa sĩ thuộc Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam, triển lãm là câu chuyện kể về hành trình Trúc chỉ, với kỹ thuật tạo tác và cách nhìn mới mẻ. Không quá cao siêu về nghệ thuật, tác phẩm Trúc chỉ gần gũi, mang đến những cảm xúc bình dị về cái đẹp.

Đa dạng từ nội dung, cách thức thể hiện, kỹ thuật tạo tác linh hoạt đến hiệu ứng sinh động trong toàn bộ tác phẩm, với “Không lời”, người xem có thể cảm nhận nghệ thuật, văn hóa, tín ngưỡng hòa quyện vào nhau, hướng con người đến sự an nhiên, tự tại khi thưởng lãm.

Tác phẩm “Thu sang” của họa sĩ Trần Quốc Duẫn, một tác phẩm được ứng dụng kỹ thuật mới không cần đèn

“Với dòng tranh tín ngưỡng dân gian, Trúc chỉ muốn thể hiện văn hóa truyền thống của người Việt với đạo thờ Phật, thờ ông bà, ông Táo, Thần tài… thể hiện lòng tin được truyền từ đời này sang đời khác”, họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi, quản lý dự án Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam chia sẻ.

Chọn chủ đề triển lãm là “Không lời” và mời công chúng đến nghe tranh hát, những người hoạt động tại Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam không muốn định hướng người xem đi vào câu chuyện cụ thể mà tự thưởng thức, cảm nhận sự sáng tạo của các nghệ sĩ. Tự mỗi tác phẩm có thể bày tỏ thông điệp, ý tưởng với người xem. Không gian cũng được trưng bày theo concept (ý tưởng), chẳng hạn không gian tiếp khách, không gian thờ có thể treo những tác phẩm nào, góc thư giãn có những bức tranh nào phù hợp…

Với “Không lời”, các tác phẩm Trúc chỉ mang tính ứng dụng cao. Ngoài tranh, còn có bình phong; các sản phẩm cầm tay, như quạt, dù; đèn; sản phẩm lưu niệm… Đây cũng là dịp trình làng kỹ thuật mới của Trúc chỉ với nhiều tác phẩm không cần đèn và người xem có thể xem tranh từ phía trước theo ánh sáng thuận. Từ trước đến nay, những người yêu mến Trúc chỉ đều biết tranh Trúc chỉ đẹp nhất khi có đèn. Nếu trước đây, các nghệ sĩ tạo tác chú ý phần ánh sáng ngược, thì triển lãm này đánh dấu mốc để khẳng định sự hoàn chỉnh của kỹ thuật mới.

Trúc chỉ không chỉ có tranh lưu niệm, sản phẩm thiên về nghệ thuật ứng dụng, mà còn có những tác phẩm nghệ thuật tạo hình được đánh giá cao. Triển lãm “Tín niệm tường minh” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào đầu năm nay đã giới thiệu với mọi người khả năng của Trúc chỉ qua những tác phẩm bày tỏ sự suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời, văn hóa, tín ngưỡng, cái đẹp của thiên nhiên đa sắc...

Với kỹ thuật tạo tác của Trúc chỉ, người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo với nhiều chủ đề, sắc thái biểu đạt phong phú, mang đến cho người xem sự mới mẻ, linh hoạt từ chất liệu, phương thức thể hiện cho đến các hiệu ứng với ánh sáng, nhất là hơi hướng và tinh thần của truyền thống.

Chuyển giao thế hệ

Họa sĩ Phan Hải Bằng, người khai sinh nghệ thuật Trúc chỉ chia sẻ, triển lãm “Không lời” là thành quả của các nghệ sĩ trẻ thuộc Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam. Họ tự sáng tác, xây dựng ý tưởng, tạo tác kỹ thuật…, hoàn toàn không có sự tham gia của những người “đầu tàu” như họa sĩ Phan Hải Bằng, họa sĩ Bảo Vi. Đây là một trong những bước đi đầu tiên đánh dấu sự chuyển giao của Trúc chỉ đối với các thế hệ nghệ sĩ.

Mong muốn tạo ra hiệu ứng lan tỏa có tính xã hội, ngay từ đầu, những người sáng lập và điều hành Trúc chỉ đặt ra ba tiêu chí: tính thẩm mỹ, giáo dục và xã hội, để nghệ thuật Trúc chỉ đi vào đời sống xã hội và người khác có thể sử dụng loại hình này để sáng tạo. Trúc chỉ luôn tìm kiếm, đào tạo thêm những người mới để tiếp nối giá trị.

Họa sĩ Bảo Vi giới thiệu: “Đây cũng là cách để chúng tôi tạo nên năng lượng mới cho nghệ thuật Trúc chỉ. Mỗi một giai đoạn, thế hệ sẽ có những tư duy mới phù hợp với xã hội đương đại. Để theo đuổi, gắn bó với nghệ thuật Trúc chỉ, chỉ cần sự tử tế và tận tâm với công việc”.

Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam hiện có 8 họa sĩ đang làm việc. Đây là những họa sĩ tốt nghiệp từ Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế. Sau nhiều năm gắn bó, điều đáng mừng là đam mê của họ không bị phai nhạt theo thời gian. Khi có những triển lãm của khu vực và toàn quốc, các họa sĩ đều được tạo điều kiện dành thời gian sáng tác tác phẩm tham gia hoặc khơi gợi sự sáng tạo, tìm tòi kỹ thuật, họa tiết mới.

Gắn bó 8 năm với Trúc chỉ khi vừa tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Phước Nhật chia sẻ: “Ban đầu, với Trúc chỉ là sự tò mò tìm hiểu một loại hình nghệ thuật, chất liệu mới nên em làm đồ án tốt nghiệp về nó. Dần dà, em bị cuốn hút và làm việc đầy say mê, hứng khởi. Trên nền tảng kỹ thuật đồ họa Trúc chỉ, nghệ sĩ có thể thỏa sức sáng tạo với nguyên liệu đa dạng có sẵn ở địa phương, như xơ của cây chuối, tre, rơm… Ưu thế của Trúc chỉ là sự linh hoạt trong biểu hiện, tạo ra những lớp lang, sắc độ, đặc biệt là tương tác với ánh sáng nên tác phẩm luôn thu hút”.

Nhiều người lầm tưởng Trúc chỉ là nghề thủ công. Nhưng, điểm mạnh nhất của Trúc chỉ chính là sự sáng tạo và những người họa sĩ chỉ dành một thời gian ngắn để học kỹ thuật. Càng làm việc nhiều, kỹ thuật của họ càng điêu luyện nhưng cái hồn thể hiện trên tranh chính là từ sự suy tưởng và sáng tạo của nghệ sĩ. Mỗi người một phong cách khác nhau, tạo nên sự đa sắc cho nghệ thuật Trúc chỉ.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau hành trình gần 30 năm; trong đó 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết (NQ) số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình

“Những chiếc chuông không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nghệ thuật đương đại” - nhận định này được PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra tại hội thảo “Chuông đồng thời Nguyễn – Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình”.

Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình
Cầu mây & hành trình phía trước

Hiện tại, không phải cầu chinh, không phải Jujitsu và càng không phải bắn cung, mà cầu mây mới là bộ môn non trẻ nhất của thể thao Huế.

Cầu mây  hành trình phía trước
Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo

Huyện miền núi A Lưới đã vinh dự khi được công nhận thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ chính quyền và cộng đồng, đặc biệt có vai trò của các già làng, người có uy tín (NCUT). Với tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, họ đã trở thành cầu nối, giúp bà con dân tộc thiểu số (DTTS) vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững.

Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo

TIN MỚI

Return to top