ClockThứ Sáu, 16/12/2016 10:48

Tình cảm gia đình và tiếng Huế qua thủ bút của Nguyễn Trọng Đãng

TTH - Mới đây, chúng tôi tìm thấy thêm một tập thơ văn có bút tích của cụ Nguyễn Trọng Đãng viết bằng chữ Quốc ngữ.

Nguyễn Trọng Đãng (1883-1961), hiệu Da Am, quê huyện Phúc Lộc, tỉnh Gia Định. Sau khi ra làm quan ở Huế, cụ nhập tịch, tại thôn Nam Trung, tổng Sư Lỗ, huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên. Năm 1938 dưới triều vua Bảo Đại, cụ được thăng thực thụ chức Hồng Lô tự khanh, rồi về hưu. Trong thời gian làm quan, cụ đã sáng tác nhiều tập thơ văn bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ, trong đó phần lớn lời văn nặng về tình cảm với những người thân trong gia đình.

Trong Da Am thi văn tập (bản đánh máy), khổ 21x26cm gồm có: Da Am tạp cảm, Nam hành cảm tác, Gia đình tạp vịnh và 6 bài văn tế (gồm những bài quốc văn và Hán văn). Sau khi cụ qua đời (1961), các con là Nguyễn Trung Thoại, Nguyễn Trung Tuân thâu thập và phân loại xong năm 1962, hoàn tất năm 1967, trong đó có bài thơ sinh nhật.

Thơ sinh nhật

“Mới đó ăn chơi cãi lộn nhau/ Nay ngoài bảy chục bạc đầu râu/ Loanh quanh nhởn cợt cùng con cháu/ Thong thả rong chơi với bạn bầu/ Uống rượu tiêu sầu hiềm ít chén/ Ngâm thơ đắc ý cũng nhiều câu/ Hòa bình nghe nói vui đời sống/ Ngửa mặt trông trời lại nhớ đâu?” Khi tuổi “gần đất xa trời”, Da Am Nguyễn Trọng Đãng làm bài thơ “Bảy mươi tám tuổi”: Thấm thoát quang âm khít tám tuần. Trời cho mạnh khỏe sống lần lần. Nặng ơn cúc dục lòng chưa thỏa. Nhẹ gánh gia đình ý cũng ưng. Cao thấp nước cò tiêu nắng hạ. Nhạt nồng chén rượu đượm mùi Xuân. Phong lưu chút đỉnh phong lưu đã. Vui sướng màng chi sự nợ nần.

Trong tiểu sử Nguyễn Trọng Đãng, cụ có cho biết về mộ phần của mẹ mình: “Năm Giáp Thân (1884), niên hiệu Kiến Phúc nguyên niên, vào ngày mồng 3/3 tổ mẫu ta thọ chúng (mất). Mộ đất an tọa tại Động Cát thuộc làng Thai Dương Hạ”. Điều này còn được ghi lại trong tập Gia đình tạp vịnh, trong đó có bài thơ: Thăm mộ Thai Dương: Tình thế lâu nay cứ hiểu lầm/ Mộ bà bởi vậy ít hầu thăm/ Cỏ rêu rậm rạp hơn kỳ trước/ Bia cột trang hoàng giống mọi năm/ Tưởng tượng dung nghi còn hiển hiện/ Ngàn sau vượng khí cứ theo dằm/ Những lời tiên khảo nay còn nhớ/ Trước mộ khi không lụy nhỏ dầm.

Mới đây, chúng tôi tìm thấy thêm một tập thơ văn có bút tích của cụ Nguyễn Trọng Đãng viết bằng chữ Quốc ngữ. Tập thơ văn khổ 16x21cm, do con gái là Nguyễn Thị Hỷ Nguyên sưu tập, đề ngày 2/4/1955. Tuy chữ viết và màu giấy đã ố vàng nhưng những bài thơ văn của cụ thật xúc động, đầy lòng yêu thương đối với vợ con. Bài “Đạo nội ngâm”, viết về người vợ luôn luôn là người gánh vác mọi việc trong gia đình để chồng lo dùi mài kinh sử, có câu: Thức khuya dậy sớm siêng năng/ Nấu cơm buôn gạo tiện tằn lại dư/ Có khi nghe dựa trướng the/ Có khi cũng thủ án mi dịu dàng/ Anh em bầu bạn kỉnh thương/ Chi lan hương phức văn chương tiếng đồn/ Khuyên chồng gắng lấy công danh/ Khiêu đình vừa đậu hoàn trình vừa lên.../ Ngàn thu lộc ấm diên trường/ Con nhờ đức mẹ cháu nương phúc bà/ Dồi dào mấy vận nôm na/ Để cho con đọc biết ta với nường/ Trăm năm sau lại đoàn viên. Cuối bài thơ có đề tên tác giả “Nguyễn Trọng Đãng. Ngày 15/12/1928 - dương lịch”.

Riêng đối với con cái, cụ làm bài thơ lấy tên người con gái Nguyễn Thị Ninh Hinh.

Ninh Hinh

Nực cười ngồi quạt nói phì phà/ Vui vẻ thông minh gái thứ ba/ Đi học chỉ nguyền chung bất giã/ Gặp duyên ai ngợ tảo nghi gia/ Gia nương thương mến chồng yêu ấp/ Hương tộc đều khen gái nhậm nhà/ Nghe sắp mua hầu công việc đỡ/ Dạy con học nối nghiệp ông bà.

Tình cảm cha con sâu nặng còn được diễn tả qua bài thơ Trung Thị, tên người con trai trong gia đình.

Trung Thị

Mặt mày tinh tú tánh lôi thôi/ Nhật, nguyệt đồng minh mạng việt khôi/ Lối trước ngâm thơ hay được thưởng/ Ngày nay lớp học được ngồi côi/ Hầu non thường đã từng yêu ấp/ Tướng núi ai ngờ lại kéo lôi/ Kẻ ghét kẻ thương chi mặc kệ/ Văn chương con hãy gắng trau dồi.

Những bài thơ viết về vợ con của cụ Nguyễn Trọng Đãng làm xúc động lòng người bởi sự bình dị, chân thành mà sâu sắc. Chữ nghĩa tiếng Huế trong thơ của cụ gợi lên nhiều cảm xúc mang giá trị nhân văn trong đó mạch thơ bằng cách liên kết tiếng ấy với một sự việc đã biết. “Những từ trong thơ “thôi”, “côi”, “kệ”, người Huế gọi hiện tượng này là từ nguyên bình dân trong giọng nói của mình.

Hồ Vĩnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi bạo lực gia đình

Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp đã và đang có nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên cơ sở giới, các hoạt động vì phụ nữ yếu thế.

Đẩy lùi bạo lực gia đình
Thời hoa niên

Thời hoa niên, tôi dám cá rằng điều ước lớn lao nhất của đám học trò không phải là có thành tích học tập đứng “top”, mà là có một mối tình đẹp giống như những bộ phim thanh xuân vườn trường chúng nó hay xem.

Thời hoa niên
“Mẹ đừng lo lắng!”

Có lần, khi tôi bế mẹ từ giường ra nhà tắm, đặt mẹ lên tấm xốp mềm để chuẩn bị tắm rửa cho mẹ, thấy mẹ có vẻ rất hoang mang.

“Mẹ đừng lo lắng ”
Bạn “nợ đời”

Những cuộc gọi đi không có tín hiệu, mỗi một tiếng “tít” vang lên, trái tim Thư lại nhói lên một khắc. Thư hoảng hốt, rồi tức giận, rồi điên cuồng kiếm tìm sự giúp đỡ, cho đến lúc này thì chỉ muốn ngã khuỵu.

Bạn “nợ đời”
Trái ngọt khi ta thay đổi

Bà Diana và ông Andrea - người Hà Lan tới biệt thự Nhà Bống vào đầu mùa hạ năm nay. Khi gặp họ, chị thật ấn tượng với nụ cười gần như “bung xả” của bà Diana và sự điềm đạm, trầm tính của ông Andrea.

Trái ngọt khi ta thay đổi

TIN MỚI

Return to top