ClockChủ Nhật, 16/06/2024 08:09

Trầm tích gốm cổ sông Hương

TTH - Nhắc đến sông Hương – con sông thơ mộng được xếp vào hàng đẹp nhất Việt Nam chắc hẳn ai cũng biết vô vàn giai thoại tuyệt đẹp, nhưng ít ai biết rằng ẩn tàng dưới con sông ấy là hằng hà sa số hiện vật phản chiếu lịch sử của vùng đất. Và trong muôn vạn hiện vật ấy, đồ gốm vẫn chiếm chủ đạo do tính phổ quát, tính bền vững cùng thời gian.

Bảo tàng gốm cổ sông Hương chính thức mở cửa đón khách tham quanKể câu chuyện về Huế thông qua gốm cổ

 Tham quan những hiện vật gốm được tìm thấy ở sông Hương

Ký ức của Huế

Vì trăm ngàn lý do khác nhau, những hiện vật ấy đã gửi gắm dưới dòng sông, làm nên một phần ký ức quan trọng của Huế. Ở dưới dòng sông ấy, con người đã phát hiện vô số chủng loại, có thể kể đến như bình, ché, hũ, vò, ấm, bát, chén, dĩa, tô, chân đế, bát bồng, nắp, bình vôi, nồi, chum, vại, chì lưới…

Đó là những di vật từng gắn bó mật thiết và phản ánh cụ thể, chân xác đời sống sinh hoạt của cư dân qua các thời kỳ lịch sử, từ khi con người biết làm gốm, trồng lúa từ hàng ngàn năm trước cho đến tận ngày nay. Chúng cũng phản ánh quá trình giao, lưu trao đổi giữa các vùng miền lẫn quốc tế.

Tiêu biểu nhất trong giới sưu tầm loại hiện vật độc đáo này không thể không kể đến cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan và anh em cố họa sĩ Thái Nguyên Bá, GS.TS Thái Kim Lan. Ông Phan bắt đầu quan tâm và sưu tầm đồ gốm sông Hương từ sau năm 1975. Với niềm đam mê đến kỳ lạ và nỗ lực không mệt mỏi, ông đã xây dựng được một bộ sưu tập vô cùng phong phú với hàng vạn hiện vật thuộc nhiều chủng loại có các niên đại khác nhau, từ thời tiền Chămpa (trước thế kỷ thứ II), thời Chămpa (thế kỷ II-XIV) đến thời Đại Việt (thế kỷ XIV-XVIII), thời kỳ Việt Nam và Đại Nam (1804-1945) và cả thời kỳ 1945-1975.

Cố họa sĩ Thái Nguyên Bá và em gái mình - GS.TS Thái Kim Lan đã bén duyên với đồ gốm sông Hương từ năm 1984, và trong gần 40 năm qua họ đã sưu tầm được hàng ngàn hiện vật quý trong hàng vạn món đồ được trục vớt từ lòng sông. Khác với cách sưu tầm của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, họ chỉ chọn những món đồ nguyên vẹn, có tính thẩm mỹ cao theo cách nhìn riêng của bản thân, người là họa sĩ, người là tiến sĩ triết học nhưng có tâm hồn nghệ sĩ. Cũng vì vậy, sưu tập gốm sông Hương của Thái Nguyên Bá - Thái Kim Lan không chỉ quý giá mà còn rất đẹp, rất ưa nhìn. Dẫu vậy, sưu tập này vẫn đầy đủ các loại hiện vật sành, gốm, bán sứ, sứ, tiêu biểu cho hầu hết các thời kỳ lịch sử. Và do những cơ duyên đặc biệt, một số hiện vật có giá trị của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã được tích hợp vào bộ sưu tập này, khiến nó càng thêm phong phú và quý giá.

Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Anh Thư (Đại học Văn hóa Hà Nội), tính từ khoảng 1975 đến nay, đã có hàng ngàn chiếc rìu đá mài, mũi tên đồng, vòng đồng, chuỗi hạt, khuyên tai... của con người thời tiền sơ - sử, hàng vạn đồ gốm Sa Huỳnh, Đông Sơn, gốm giai đoạn nghìn năm Bắc thuộc, gốm Champa, gốm Việt Nam giai đoạn thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn, gốm ngoại thương Trung Quốc, Nhật Bản, gốm Đông Nam Á, gốm châu Âu… được phát hiện và trục vớt khỏi lòng sông Hương cùng các con sông ở Huế.

Với trữ lượng cổ vật khổng lồ, dòng sông Hương xứng đáng là “di tích khảo cổ” lớn nhất ở Huế, là pho sử “sống” của vùng đất Cố đô xưa. Chứng tích của cuộc sống sôi động dọc đôi bờ sông Hương cách đây hàng ngàn năm đã phần nào được phản ánh qua những đồ gốm cổ được tìm thấy dưới lòng sông.

Trầm tích văn hóa nhiều thời kỳ

TS. Anh Thư cho rằng, nhìn chung đồ gốm vớt sông Hương rất phong phú và đa dạng, cả về chất liệu, loại hình, chức năng, nguồn gốc và niên đại. Chất lượng đồ gốm có nhiều thang bậc từ bình dân đến cao cấp. Tuy nhiên, những đồ vật thường gặp hầu hết là các vật dụng cần thiết trong cuộc sống và sinh hoạt thường nhật của người dân như: đồ đun nấu, ăn uống, đồ dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và đồ đựng. Đáng chú ý, từ dưới lòng sông Hương có rất nhiều đồ sành xuất xứ từ khu lò sản xuất gốm sành ở Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền), niên đại thế kỷ XVII-XVIII. Diễn biến các loại hình đồ gốm ở đây đã phản ánh quá trình hình thành, tụ cư và tương tác của nhiều lớp dân cư từ giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh - Champa - Đại Việt ở vùng lưu vực sông Hương và gợi mở nhiều vấn đề nghiên cứu mới cho các nhà sử học, văn hóa học nghiên cứu vùng đất này, đặt vùng đất này trong mối quan hệ với những vùng đất khác ở Việt Nam và trong khu vực Nam Á.

Với hàng vạn hiện vật gốm đất nung, sành, sứ, đồ gốm men thuộc các giai đoạn từ thời thuộc Hán cho đến thời Nguyễn và hàng trăm đồ gốm có nguồn gốc ngoại nhập được vớt lên từ các con sông hiện hữu trong các sưu tập tiêu biểu của những nhà sưu tập như Hồ Tấn Phan, Thái Kim Lan… có thể thấy được bề dày lớp trầm tích văn hóa của vùng đất này được tái hiện rõ nét qua mỗi loại hình hiện vật.

Còn theo TS. Nguyễn Văn Quảng, Phó Trưởng khoa Lịch sử (Trường đại học Khoa học, Đại học Huế), sông Hương là con đường giao thông thủy quan trọng nối từ Tây sang Đông, từ núi – đồng bằng – biển cả (chiều dọc), cũng như kết nối đôi bờ Bắc – Nam (chiều ngang). Dựa vào những tư liệu khảo cổ học phát hiện được ở đôi bờ sông Hương, có thể thấy con đường giao thương này xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử vùng đất sông Hương – núi Ngự. Từ giai đoạn hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí đến văn hóa Sa Huỳnh – Champa – Đại Việt – Đại Nam và hiện nay.

Qua sông Hương, hàng hóa từ phía Tây xuống, phía Đông lên sẽ được tập kết ở các điểm giao thương (thường nằm ở ngã ba sông), trong đó, vị trí chợ Tuần (xã Thủy Bằng, TP. Huế) hiện nay được coi là một điểm tập kết và trao đổi hàng hóa quan trọng ở ven sông Hương trong quá khứ. Các thương phẩm rất phong phú, đa dạng, từ những lâm thổ sản ở vùng rừng núi phía tây, như: Trầm hương, ngà voi, mật ong, hồ tiêu, măng le… đến những sản phẩm từ vùng ven biển, đồng bằng lên như đồ gốm, đồ sắt, đồ đồng, hải sản, muối… Trong đó, đồ gốm là sản phẩm khá phổ biến, nhất là giai đoạn thế kỷ XVII-XIX (thời kỳ phát triển mạnh mẽ của các lò gốm sành). Ngoài ra, trong quá trình cư trú, sinh hoạt, nhiều đồ gốm đã rơi xuống dòng sông, tạo nên trầm tích văn hóa nhiều thời kỳ.

Phan Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những “Lan hiên” trong tâm tưởng

“Lan hiên” là tên gọi mang tính biểu tượng về một khu vườn xưa của những cô gái cùng tên Lan qua nhiều thế hệ, chỉ khác nhau về chữ đệm như: Ngọc Lan, Chi Lan, Tố Lan, Dạ Lan, Sơn Lan, Thanh Lan, Phương Lan, Thúy Lan, Kim Lan... ở thượng nguồn dòng Hương. Và “Lan viên” còn là một ký hiệu về những khu vườn Huế luôn nằm trong tâm tưởng của những người con xa Huế.

Những “Lan hiên” trong tâm tưởng
Làng quê trầm tích

Nguyễn Tri Phương tên là Nguyễn Văn Chương, sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân (1800). Tên Nguyễn Tri Phương là do vua Tự Đức đặt cho ông năm 1850.

Làng quê trầm tích

TIN MỚI

Gốm Sứ Bát Tràng Việt NamXem Thêm Hũ Đựng rượu 50 Lít
Return to top