ClockThứ Năm, 10/09/2020 06:15

Trộm nghĩ về chuyện nam mặc áo dài

TTH - Nó đã là truyền thống thì khó có thể nói là xấu. Nó được hun đúc, kết tính, bổ sung… để đứng vững với thời gian. Chuyện Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế chủ trương nam mặc áo dài ngũ thân vào thứ hai hàng tuần đã tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều – người ủng hộ người không, người bảo đẹp người bảo không, người nói bất tiện người cho thoải mái, người bảo đây là một hành động tiên phong người cho rằng bảo thủ, phong kiến...

Sở Văn hóa và Thể thao mặc áo dài truyền thống chào cờ đầu tuần

Nó đã là truyền thống thì khó có thể nói là xấu. Nó được hun đúc, kết tính, bổ sung… để đứng vững với thời gian. Chuyện Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế chủ trương nam mặc áo dài ngũ thân vào thứ hai hàng tuần đã tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều – người ủng hộ người không, người bảo đẹp người bảo không, người nói bất tiện người cho thoải mái, người bảo đây là một hành động tiên phong người cho rằng bảo thủ, phong kiến...

Đúng là thế giới thông tin bây giờ quá nhạy bén, cho phép nhiều người bày tỏ quan điểm của mình. Nên nhiều khi, những người thiếu kiến thức về một lĩnh vực nào đó (mà đây thường là số đông, càng chuyên môn sâu càng đúng với điều này) đọc mà hoa cả mắt.

Chuyện phụ nữ mặc áo dài có lẽ cũng chả ai bình luận làm gì. Bởi vì ai cũng công nhận là nó đẹp, duyên dáng, truyền thống, quyến rũ. Không phải Việt Nam mình công nhận mà cả thế giới nữa! Điều này có lẽ khỏi bàn. Áo dài ngũ thân cho nam giới cũng như áo dài cho phái nữ cũng đã có trong lịch sử. Chuyện nam giới mặc áo dài trong nhiều sự kiện của đời sống cũng là chuyện thường. Thế nhưng tại sao, cũng là mặc áo dài ấy thôi, của một ngày trong công sở thì lại có dư luận trái chiều!?

Thiển nghĩ mấy điều sau:

Họ bàn luận nhiều là vì nó chưa có tiền lệ trong thời hiện đại. Thế thì trước khi bàn luận, ở đây cần ghi nhận một điều là tính tiên phong – dám làm những điều khác biệt, mới mẻ. Người viết bài này tin rằng, với những người làm văn hóa, có lẽ họ thừa biết rằng khi chủ trương làm việc này sẽ đón nhận nhiều luồng dư luận khác nhau. Bởi cái gì mới mẻ cũng đều như vậy cả, phải cần thời gian để nó định hình, thẩm định. Theo dõi các luồng dư luận, người viết nhận thấy họ đưa ra cảm nhận cá nhân (tức là chủ quan) là chủ yếu, ít thấy ai chứng minh tính khoa học, văn hóa, bản sắc… như thế này là hợp lý hay không hợp lý! Nếu được như vậy thì mọi vấn đề dễ được làm sáng tỏ hơn, tính cảm tính chủ quan sẽ ít hơn đi và vì thế nó tăng cao sự đồng thuận hay không đồng thuận. Đây là một vấn đề văn hóa cho nên rất cần những nhà nghiên cứu văn hóa góp ý. Mà thiết nghĩ, trước tiên, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết ý kiến của mình khi đưa ra thực hiện ý tưởng này. Nếu chúng ta cứ nói chung chung là góp phần quảng bá văn hóa thì nó rất dễ sa đà vào những tình huống, ví như: quảng bá thì tại sao không chọn cách này mà chọn cách kia. Nếu hình thức này quảng bá tốt về văn hóa truyền thống thì tại sao chỉ thực hiện một ngày trong tuần mà không nhiều ngày!? Sự truyền thống này nó có được tương tác hiệu quả với người dân bình thường khi tiếp xúc ở nơi công quyền hay không?...

Về phía dư luận, có lẽ chúng ta cũng không nên quá khắc khe với những điều gì đó mới mẻ. Nếu nó không phù hợp thì tự nó sẽ biến mất, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa. Nếu nó phù hợp thì nó sẽ tồn tại theo thời gian. Thế thì chúng ta cũng nên kiên trì để nhìn nhận thử nét văn hóa này nó vận hành như thế nào trong cuộc sống.

Riêng tôi thì nghĩ nó tốt ở mặt này.

Khi anh đã khoác một “cái vỏ bên ngoài” (áo dài truyền thống) thì có lẽ nó cũng góp phần điều chỉnh tính cách con người sao cho phù hợp! (ngoài những ràng buộc mang tính pháp lý, chuẩn mực đã quy định). Đã truyền thống rồi thì mình không thể không tận tình chu đáo, nói năng nhỏ nhẹ, truyền cảm, gần gũi, tận tình… khi tiếp xúc và giải quyết công việc cho dân; đã truyền thống rồi thì cái sự thờ ơ, hách dịch, và thậm chí là những biểu hiện vòi vĩnh (chẳng hạn) sẽ khó có lý do tồn tại. Anh mặc áo dài truyền thống mà cái bụng béo phì thì nó không đẹp trong mắt mọi người, nên có thể đó là động lực để anh chăm tập thể dục thể thao, thế thì nó tốt cho sức khỏe. Anh mặc áo dài tứ thân mà ra ngoài hàng hiên phì phèo điếu thuốc lá là một khuôn hình không mấy đẹp đẽ rồi, thế là có thể dẫn đến những ai đang hút thuốc có động lực để cai thuốc…

Nói chung, cái mới bao giờ cũng làm cho người ta chú ý, bình phẩm… là chuyện thường. Chỉ có cái đẹp, sự hợp lý mới có sức tồn tại dài lâu.

Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mặc áo dài ngũ thân tham quan Huế bằng xích lô

Sáng 21/3, các đại biểu đến Huế tham dự hội nghị “Phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trong trạng thái bình thường mới” đã có trải nghiệm độc đáo, thú vị khi mặc Áo dài Ngũ thân và tham quan Huế trên những chiếc xích lô.

Mặc áo dài ngũ thân tham quan Huế bằng xích lô
Mặc áo dài đi thăm di tích

Một cách nghĩ, một cách làm, một cách khuyến khích… rất hay! Nói một cách văn hoa là “một mũi tên trúng nhiều đích”.

Mặc áo dài đi thăm di tích

TIN MỚI

Return to top