Họa sĩ Lê Bá Đảng miệt mài sáng tác nghệ thuật. Ảnh: Internet
Và có một hình ảnh, bất cứ nghĩ đến nội dung gì liên quan tới Lê Bá Đảng, đều hiện lên, đều từ từ hiện lên, mỗi lúc một rõ trong tôi, là một gốc trầu già.
Đó là gốc trầu già phía sau ngôi nhà của cha mẹ và anh chị em ông đã sống hơn 80 năm về trước ở làng Bích La Đông thuần Việt. Ngôi nhà xưa không còn nữa, nhưng những vành đá xanh kê cột nhà vẫn còn đây, được dồn lại quanh gốc trầu mà ngày nào mẹ ông vẫn hái ăn. Cây trầu vẫn oằn mình sống qua năm tháng, thân đã bằng bắp tay người mà vẫn xanh mướt những ngọn lá cay nồng. Bàn trà để đàm đạo với bà con láng giềng và bè bạn tới thăm mỗi lần ông về nhà, ông để ngay cạnh gốc trầu xưa của mạ. Giọng ông chùng xuống khi kể, mỗi lần ông về đều có một đôi bướm vàng to, đẹp rực rỡ bay về lượn quanh gốc trầu và vườn nhà. Nói như ông, đó là hồn cậu mạ tôi về, để tôi được cúi lạy…
Lá thư Paris một ngày đầu Xuân nhiều năm trước của anh, đọc mà thương…. “Anh ơi, nói về đời sáng tác của tôi thì nhiều đoạn lắm, đoạn này choàng qua đoạn kia, không hẳn như các người khác có đoạn vẽ chó có đoạn vẽ mèo….. còn tôi thì gay mà tìm ra đoạn. Con nhà nghèo mà thất học (học với sách vở, bằng cấp nhà trường), đời của tôi là đời con nhà nghèo, cái chi cũng nghèo (nên) cái nghề vẽ của tôi khác hẳn với các ngài khác. Sống kiếm ra ăn, sống làm người Việt Nam mài mỉ giữa bọn giặc, giữa một xã hội rất bỡ ngỡ với người nhà quê…Nhưng rồi may ra hình như có cái “linh hồn” của cậu mạ tôi cứ đi theo và giúp đỡ, nên ngày nay tôi tự hào đã đạt được mục đích như tôi muốn…”
Trước ngôi nhà xưa mới phục dựng sau này, ông có cho làm một bức bình phong người nông dân vác cuốc ra đồng, cái dáng đi, dáng vác cuốc của người nông dân là dáng đi dáng vác của chính cha ông, hình người đàn ông người đàn bà nơi tượng khắc gỗ nơi bàn thờ và cả ở Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, và cả hình những đứa con “trong bụng” họ, cả hình dạng của Bàn chân Giao Chỉ… chính là dáng hình, bàn chân cậu mạ ông và anh chị em ông. Bất cứ đề tài nào về con người đều từ hình dáng, từ hồn vía cậu mạ, anh chị em và sau này nữa, luôn có hình bóng đứa con trai tật nguyền và yểu mệnh của ông. Đề tài để ông tung hoành sáng tạo nghệ thuật thật dung dị, gần gũi: những con người ruột thịt, lá trầu quả cau, chó, mèo, ngựa… cho đến hình Phật cũng thật là người, như một Người-Phật-Bạn của ta, đang cười với ta, nụ cười rất Việt Nam ta.
*
Lại một đoạn thư mùa Xuân Paris…. “Từ ngày đầu kháng chiến chống Pháp rồi đến chống Mỹ là tôi toàn vẽ tranh chống giặc. May mà nhà tôi để cho tôi tự do, (ít tiền) mà có đủ sơn, cọ, giấy, vải để vẽ tranh chống giặc, những tranh người nghèo khổ chống giặc, các anh có ở Trung tâm khá nhiều. Còn ra tranh tôi trang trí cho Đại sứ quán miền Nam hồi ấy (Mặt trận Giải phóng), và tranh “chạy trốn” vào nhà những con người yêu nước và yêu cả tranh Lebadang về chuyện chống giặc.Cái may cho tôi, là nhà tôi cũng như tôi, cái chi cũng dựa vào chống giặc ngoại xâm…”. Ông đã không chỉ một lần đưa chúng tôi tới thăm nhà những người bạn, ta và Tây, đã mua, đã để cho nhiều tranh chống giặc của ông “chạy trốn” vào nhà mình (“trốn” những kẻ chống lại cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta). Họ treo các bức tranh vào nơi sang trọng nhất trong nhà và từ lâu đã thành gia bảo của họ.
Ông kính cẩn treo cạnh gian thờ cậu mạ trong ngôi nhà xưa bức ảnh chụp ông đi cạnh Bác Hồ hồi Bác qua Pháp năm 1946 với tư cách bảo vệ. Và ông xin bày tranh lần đầu ở Huế tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông thủy chung với lý tưởng vì dân vì nước của Hồ Chí Minh. Ông thủy chung với làng quê nghèo khó của mình, thủy chung với đất nước giữa những ngày bom đạn ngút trời, với tinh thần Ngựa Gióng chiến thắng B52.Thủy chung với khát vọng tạo ra một trường phái nghệ thuật không ai có, Tây Tàu không có, chỉ Ta mới có. Ông có khát vọng làm cho Huế trở thành một kinh đô mỹ thuật độc đáo. Riêng đề tài này, Ông đã trao đổi với tôi và lãnh đạo tỉnh không biết bao nhiêu lần. Vẫn không yên tâm, sợ lãnh đạo chưa thấu hiểu, ông liên tục hối thúc tôi “nói cho các anh lãnh đạo Huế” hiểu được cái hay của dự án này. Cũng vì lý do tôi luôn là người phản biện đầu tiên của các dự định, các sáng kiến của ông trong một thời gian dài.
“…Tôi đã đọc lui đọc tới hai ba lượt thư của anh. Anh có lý, vì đây là “có một không hai”. Tôi cũng biết là tôi được ưu đãi hơn ai hết. Nhưng anh để tôi nói rõ ý kiến của tôi là: muốn làm một cái chi ở Huế chưa hề đâu có, để làm giàu cái văn hóa Huế và dựng lên một cái chi chưa ai có. Cho đến cả Trung Hoa, Thái Lan, Miến Điện, Nhật Bản cũng không có, là: Một tranh rất lớn nằm ngửa trên mặt đất. Con người có thể dạo chơi trên tranh (với giày mềm), tranh dãi nắng dầm mưa đón khách tứ xứ. Nếu mình có một cái mà các nước láng giềng không có thì ai ai cũng tìm đến. Mình sẽ làm giàu đủ mọi mặt: văn hóa và tiền của…”
*
Sáng nào, khi sương còn giăng mờ trên sông Hương, tôi và nhóm bạn già đã có mặt ở café phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, ngay phía sau Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng. Bạn bè và các cháu phục vụ luôn dành cho tôi chỗ ngồi nhìn lên căn phòng vốn dành riêng cho ông bà lưu trú mỗi lần về Huế. Tôi nhìn qua cửa sổ tầng lầu, thấy rõ chân dung kết hoa trắng tuyệt đẹp ngày làm lễ tiễn ông về cõi vĩnh hằng. Tôi nhìn xuống lòng đường, nơi còn không ít mảnh điêu khắc của ông áp xuống đường, bây giờ lỗ chỗ, cái bị đục mất, cái sứt mẻ… Mấy du khách Tây bất ngờ phát hiện những tác phẩm lạ lùng dưới chân họ. Họ gọi nhau. Họ xăm xoi. Và họ ngac nhiên. Và họ cùng lấy máy ảnh chụp lia lịa.
Ông đã từng đề nghị các chỗ qua đường ở thành phố này hãy dành cho ông thiết kế bằng những họa tiết mỹ thuật, theo kiểu của ông, để làm cho Huế không đâu có, từ những chuyện nhỏ. Và ông đã bắt đầu ý tưởng đó trên 1 đoạn của phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Nhưng bây giờ nhiều căn nhà rường đã được phép xây trùm lên các tác phẩm nghệ thuật. Một số đã bị cạy lấy đi.
Tôi nhớ lần tôi, đạo diễn Đặng Nhật Minh cùng chị Cẩm Tế qua Pháp quay phim về ông, ông đã yếu và lẫn nhiều lắm rồi. Nhưng mỗi lần tới nhà ông đã thấy ông ngồi như chờ sẵn, dưới chân là một gói nhỏ đựng bộ áo quần và vài thứ lặt vặt. Hỏi ông tính đi đâu đó, ông trả lời như ngạc nhiên:
Đi về quê chớ đi mô nữa!
Huế ngày 06/3/2016
Tô Nhuận Vỹ