|
Ngọ Môn - Công trình di sản Triều Nguyễn và là biểu tượng của văn hóa Huế |
“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804 - 2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức diễn ra vào cuối tháng 4 với sự tham gia của đông đảo nhân sĩ, trí thức.
Tên gọi Việt Nam trường tồn trong khối óc của con dân đất Việt
Trong lịch sử nước ta, tên gọi Việt Nam đã xuất hiện từ lâu, nhưng chưa phải là quốc hiệu chính thức. Chính thức là phải đến năm Giáp Tý, ngày Đinh Sửu 17/2 (tức 28/3/1804), khi vua Gia Long làm lễ Khánh an kính cáo ở Thái Miếu, bên trong Hoàng thành, đặt tên nước là Việt Nam. Trong lời chiếu, nhà vua khẳng định: “Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống… Cải chính quốc hiệu là Việt Nam để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa”.
Dưới Triều Nguyễn, quốc hiệu Việt Nam được duy trì gần 4 thập kỷ qua 2 đời Vua Gia Long và Minh Mạng. Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhà vua đổi quốc hiệu từ Việt Nam sang Đại Nam. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Triều Nguyễn kết thúc. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập đã tuyên bố thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, kể từ khi Vua Gia Long chọn cuộc đất Huế để đóng Kinh đô, đặt tên nước là Việt Nam, đến khi Vua Minh Mạng cho đổi quốc hiệu sang Đại Nam vào năm 1838, là thời điểm lịch sử, mốc đánh dấu những thành tựu đạt được để nhà vua “công khai” tuyên bố với các nước trên thế giới vị thế hùng mạnh của quốc gia Việt Nam thông qua tên nước Đại Nam.
Theo ông Thu, trên thực tế quốc hiệu Việt Nam đã đổi sang Đại Nam nhưng vẫn có thể gọi là Đại Việt Nam. Và kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, hai tiếng Việt Nam thiêng liêng đã vang lên khắp hành tinh, ở các diễn đàn thế giới và được xem như biểu tượng tinh thần bất diệt.
Biểu trưng của quốc gia có chủ quyền lãnh thổ rộng lớn, thống nhất
TS. Võ Vinh Quang cho rằng, quốc hiệu của một quốc gia, dân tộc không chỉ mang tính pháp lý, tính quốc tế cao, là vị thế của đất nước, mà còn là niềm tự hào vô bờ bến của mỗi người dân của đất nước ấy. Tên gọi Việt Nam, kể từ khi được chọn làm quốc hiệu năm 1804, dẫu đã trải qua 220 năm với nhiều biến thiên dâu bể, vẫn không những không mất đi, mà chừng như vĩnh viễn trường tồn ở trong mỗi huyết quản, khối óc của con dân đất Việt.
Một số ý kiến từng cho rằng, danh xưng Việt Nam đã có từ trước năm 1804 nhưng đó chỉ là tên gọi không chính thức trong sử sách, văn thơ. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh khẳng định, tên gọi Việt Nam ra đời năm 1804 mới là quốc hiệu chính thức và đã được sử dụng trong các công văn, thư từ. Điều này cho thấy một nước Việt Nam với hình hài rõ ràng, với lãnh thổ và lãnh hải rộng lớn và thống nhất chưa từng có so với trước đó. Điều này khẳng định tính pháp lý về chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia độc lập.
Để làm rõ hơn điều này, TS. Nguyễn Quang Trung Tiến đưa ra nhiều dẫn chứng, quốc hiệu Việt Nam được đề cập trong các ấn phẩm quốc tế thời hai Vua Gia Long và Minh Mạng tuy khá ít ỏi, nhưng luôn nổi bật lên nội dung chính với sự công nhận An Nam hay Việt Nam là một đế chế thống nhất từ nhiều vùng lãnh thổ trước đó, trải khắp bán đảo Đông Dương và vùng Biển Đông, với Quần đảo Hoàng Sa, lúc đó còn bao gồm Trường Sa nằm trên lãnh hải của xứ Đàng Trong cũng là một bộ phận thuộc đế chế này.
Theo ông Tiến, việc công nhận lãnh thổ thống nhất bao gồm các Quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thuộc “Đế chế An Nam hay Việt Nam” trong các ấn bản quốc tế thời hai Vua Gia Long và Minh Mạng mang ý nghĩa và giá trị lịch sử sâu sắc: hai chữ Việt Nam từ đó trở thành biểu trưng cho một quốc gia có chủ quyền lãnh thổ rộng lớn và thống nhất cả trên đất liền và trên biển, trong đó bao gồm các Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.