ClockThứ Năm, 04/04/2013 13:32

Từ Nghinh Lương Đình, lại lo chuyện bảo tồn di sản

TTH - “Bảo vệ di sản cần đúng cách, đừng vì vội vàng mà làm sai lệch, làm mất đi giá trị thực của di sản...” Đó là khuyến nghị của Ts Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia khi đề cập đến hoạt động bảo tồn di sản hiện nay. Điều này lại thêm một lần đúng với trường hợp của Nghinh Lương Đình – một phần của di tích đặc biệt cấp quốc gia vừa bị xâm hại vào cuối tháng 3 vừa qua và đã kịp thời được khắc phục.

Có một thực tế, khi di sản văn hóa được công nhận danh hiệu cấp quốc gia hoặc quốc tế, không ít địa phương vội vàng tính đến chuyện làm du lịch. Với khu di sản Huế (trong đó có Nghinh Lương Đình), việc tính đến chuyện làm du lịch không thể nói là vội vàng, nhưng sự việc vừa qua lại khiến dư luận ít nhiều bất an về sự an nguy của di tích Cố đô Huế trong tương lai.

Nghinh Lương Đình đã được trả lại nguyên trạng

Với Quyết định 2295 ngày 5/12/2012 phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đang từng bước nỗ lực để cải thiện các hoạt động dịch vụ ở các khu di sản. Trong đó, ở khu vực Phu Văn Lâu – Nghinh Lương Đình (gắn liền với thuyền Cung đình) sẽ được đầu tư xây dựng bến thuyền Nghinh Lương Đình đảm bảo theo quy định, phù hợp với cảnh quan môi trường. Theo đó, để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của thuyền Cung đình, trung tâm sẽ nghiên cứu xây dựng nhà vệ sinh và hệ thống nhà dịch vụ ở khu vực Nghinh Lương Đình để bổ trợ cho các hoạt động trên thuyền... Nhiều hy vọng mới mở ra để dịch vụ du lịch Huế khởi sắc cùng di sản Cố đô.

Tuy nhiên, với sự việc lùm xùm diễn ra quanh việc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Giải Pháp Vàng đưa vật liệu đến xây dựng tại khu vực 1 bảo vệ Nghinh Lương Đình khi chưa được cấp phép đã gây phản ứng gay gắt của các cơ quan chức năng và tác động ngược đến nỗ lực cải thiện hoạt động dịch vụ ở các khu di sản. Đáng tiếc là trước đó, Trung tâm BTDTCĐ Huế - đơn vị quản lý các khu di sản Huế, lại là đơn vị đối tác của Giải Pháp Vàng. Phải chăng, các hoạt động xây dựng trên đã thiếu sự giám sát của Trung tâm BTDTCĐ Huế và thiếu cả sự đảm bảo tính phối hợp liên ngành?

Dù việc xâm hại di tích Nghinh Lương Đình đã được các bên liên quan khắc phục và trả lại nguyên trạng, nhưng điều đó không có nghĩa là di sản Huế đã hết những mối lo. Di sản Huế đã từng “ghi dấu” nhiều vết đau do các cấp quản lý trực tiếp can dự, như: xâm hại di tích Quốc Tử Giám, chỉnh trang bờ kè sông Ngự Hà không theo nguyên tắc bảo tồn di sản... và nay là Nghinh Lương Đình. Bảo vệ di sản cần đúng cách, đừng vì vội vàng mà làm sai lệch, làm mất đi giá trị thực của di sản... - đó là khuyến nghị chưa bao giờ cũ.

Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế

Có nhiều cách để có thể góp phần kế thừa và phát huy văn hóa ẩm thực Huế, trong đó, việc mỗi gia đình giáo dục cho các thế hệ sau những giá trị truyền thống nói chung, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Huế nói riêng là cách cần được quan tâm.

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế
Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử

Nếu tôi không nhầm, thì tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” của Châu La Việt là một trong ít tác phẩm sớm nhất hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024).

Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử
Return to top