|
PGS.TS. Trang Thanh Hiền giới thiệu về những tác phẩm tranh khắc gỗ lấy ý tưởng từ Cửu Đỉnh |
Sau hai năm lặng lẽ, miệt mài theo đuổi niềm đam mê, PGS.TS. Trang Thanh Hiền – Giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam và nhóm cộng sự vừa công bố những tác phẩm ấy ngay tại Huế - nơi sở hữu báu vật Cửu Đỉnh, khiến người xem không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên.
Để Cửu Đỉnh đến gần hơn với công chúng
Những ngày cuối tháng 3, nhiều người đặt chân vào không gian của Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng (thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, 15 Lê Lợi, TP. Huế) khá bất ngờ khi thấy hơn 60 tác phẩm tranh khắc gỗ được chuyển tiếp từ những hình ảnh trên Cửu Đỉnh. Ở đó, những hình ảnh về các đề tài thiên tượng, linh vật, lãnh hải, sông núi, cầm thú, côn trùng, thảo mộc, kiến trúc, xe kiệu, thuyền bè, vũ khí cũng như những chữ Hán khắc trên Cửu Đỉnh được nhóm thực hiện dự án khắc họa một cách sinh động, tỉ mỉ, điêu luyện qua tranh khắc gỗ.
Khi nghiên cứu và giảng dạy về mỹ thuật, PGS.TS. Trang Thanh Hiền đã tìm hiểu khá kỹ về mỹ thuật Triều Nguyễn và cho rằng đó là một pho lịch sử vô cùng đồ sộ. Ấn tượng nhất với vị giảng viên này đó là bảo vật quốc gia Cửu Đỉnh - 9 chiếc đỉnh đồng được vua Minh Mạng cho đúc năm 1835, được xem là biểu tượng về sức mạnh trường tồn của triều đại. Tất cả các bức chạm khắc đúc đồng trên Cửu Đỉnh dường như đã khái quát thành một “bách khoa toàn thư” về một quốc gia giàu có và cường thịnh dưới thời Minh Mạng như hớp hồn nữ chuyên gia cũng như nhóm họa sĩ đến từ Hà Nội.
|
Một trong những tác phẩm tranh khắc gỗ được sáng tác từ hình ảnh trên Cửu Đỉnh |
“Ai cũng biết đó là bảo vật quốc gia, nhưng để phổ quát nó thì chưa nhiều. Từ ý nghĩ đó, tôi và nhóm cộng sự quyết định tạo ra một bộ tranh khắc gỗ để đưa đi khắp đất nước, cũng như nước ngoài với mong muốn có thể giới thiệu đến với công chúng, giúp mọi người hiểu rõ hơn về di sản vô cùng độc đạo của Việt Nam”, PGS.TS. Trang Thanh Hiền nói về ý tưởng khởi nguồn khi bắt tay thực hiện dự án.
Quá trình thực hiện dự án này nhóm mất rất nhiều thời gian để thực địa, lấy tư liệu và đo đạc. Tranh khắc ở Cửu Đỉnh nằm trên đỉnh uốn tròn, do vậy hình khắc trên đấy uốn cong theo đỉnh. Vì thế nhóm thực hiện dự án đã chụp từng ảnh rồi phân mảng trước khi chuyển thể. “Việc chuyển thể từ khắc đồng sang khắc gỗ là hai ngôn ngữ tạo hình khác nhau, một là mảng khối, một thuần túy là nét. Vì thế công đoạn khó khăn nhất là chuyển thể làm sao cho hình ảnh nổi bật theo yêu cầu của bức tranh, tạo ra dáng nét mang tính chất nghệ thuật”, PGS.TS. Trang Thanh Hiền giải thích.
Cuộc “đối thoại thẩm mỹ” giữa quá khứ và hiện tại
Các bức tranh khắc gỗ này không chỉ cơ học là sự chuyển thể từ các tác phẩm đúc đồng trên Cửu Đỉnh, mà còn hướng tới sự tìm tòi về hình thức biểu đạt mới trong cái nhìn “đối thoại thẩm mỹ” giữa cái cũ ổn định và cái mới tiếp biến, giữa quá khứ và hiện tại. Hình thức này vừa dựa trên ngôn ngữ nghệ thuật khắc gỗ dân gian như lối cắt mảng, tạo nét, kết hợp với ngôn ngữ của nghệ thuật khắc gỗ hiện đại để tạo nên sự rung cảm khác biệt ở mỗi bức tranh khắc gỗ.
Họa sĩ Phạm Ngọc Linh - một trong những thành viên tham gia dự án cho rằng, nhóm không chỉ dừng lại ở việc chuyển thể hình mẫu đúc đồng sang thành những bức tranh khắc gỗ mà xa hơn còn hướng đến sự sáng tạo phát triển, nhằm tạo nên và gợi ý những giá trị tiếp cận mới. Theo họa sĩ Linh, thay vì xem Cửu Đỉnh là một di sản văn hóa gắn với một thời đại đã qua, thông qua nghệ thuật tranh khắc gỗ, những người thực hiện dự án mong muốn “tiếp thị” Cửu Đỉnh bằng các hình thức mới, nhằm quảng bá một di sản đặc biệt của lịch sử văn hóa Việt Nam.
Việc theo đuổi dự án và ra mắt triển lãm này cùng những định hướng phát triển trong thời gian tới, nhóm tác giả hy vọng sẽ góp một phần nhỏ để đồng hành với tiến trình đưa Cửu Đỉnh Triều Nguyễn đến với mục tiêu trở thành Di sản tư liệu thế giới trong tương lai - công việc đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nỗ lực xúc tiến. Sau Huế, bộ tranh sẽ tiếp tục được giới thiệu với công chúng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.