ClockThứ Tư, 05/07/2017 05:41

“Âm nhạc đường phố” không chỉ là âm nhạc

TTH - Khởi nguồn từ Festival Huế 2000, âm nhạc đường phố tại Huế bắt đầu xuất hiện với 2 ban nhạc biểu diễn 2 dòng nhạc flamenco, pop tại Nhà kèn (Công viên 3 /2) và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Ấn tượng để lại lớn nhất là du khách và người dân đến xem biểu diễn rất đông.

Biểu diễn âm nhạc đường phố tại Nhà Kèn của Học viện Âm nhạc Huế. Ảnh HK

Sức hút

Nhạc sĩ Lê Phùng – Chủ tịch Các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, người khởi xướng và từng đứng ra tổ chức biểu diễn âm nhạc đường phố nhớ lại: “Ấn tượng từ những lần sang Pháp chứng kiến những nhóm nhạc, ban nhạc chơi nhạc trên đường phố rất hay, thu hút đông đảo du khách khắp nơi đến xem và cổ vũ. Trở về nước, nhân sự kiện Festival Huế 2000, tôi đã đề xuất với Ban Tổ chức về tổ chức sự kiện âm nhạc này và được ủng hộ ngay. Không ngờ đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Từ sự thành công này, âm nhạc đường phố đã chính thức góp mặt trong chương trình của mỗi kỳ Festival Huế và đều nhận được sự ủng hộ rất lớn của khán giả”.

Đánh giá về hoạt động âm nhạc đường phố ở Huế, nhiều người dân cho rằng, hoạt động âm nhạc đường phố rất hấp dẫn, cuốn hút người xem. Các buổi diễn dù không mang màu sắc trình diễn quá chuyên nghiệp, không có những sân khấu quá xa cách với những trang trí rườm rà mà thay vào đó, nhạc sĩ và khán giả sẽ ở gần nhau, cũng giao lưu và chia sẻ âm nhạc. Tiếc là chỉ biểu diễn vào thời điểm Festival Huế mà không được duy trì thường xuyên để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân cũng như tạo sản phẩm hoạt động du lịch mới lạ cho du khách”.

Nhằm khơi dậy loại hình biểu diễn âm nhạc mới mẻ nhưng đầy hấp dẫn này, trong một thời gian khá dài, Nhạc viện Âm nhạc Huế đã đứng ra tổ chức trình tấu nhạc giao hưởng qua dàn kèn và dàn violon tại Nhà Kèn và Bia Quốc Học vào mỗi chiều thứ bảy hàng tuần đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến thưởng thức. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động này đã không còn tồn tại.  Đây thực sự là một điều đáng  tiếc đối với loại hình âm nhạc ngoài trời này.

Cần thường xuyên

Huế không thiếu những nhạc công, nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, cũng không thiếu cách thức tổ chức, biểu diễn loại hình âm nhạc đường phố. Vấn đề ở chỗ là tỉnh cần có cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động này được tổ chức thường xuyên hơn là ý kiến của nhiều nhạc sĩ, ca sĩ về việc tổ chức biểu diễn âm nhạc đường phố.

Ý kiến này hoàn toàn chính xác, bởi Huế có tiềm năng và thế mạnh rất lớn về đội ngũ những người làm nghệ thuật. Họ là những giảng viên, người nghệ sĩ, sinh viên ở Học viện Âm nhạc Huế, Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Khoa nhạc Trường cao đẳng Sư phạm, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh… Đây là điều kiện hết sức thuận lợi trong việc tổ chức thường xuyên các buổi biểu diễn âm nhạc đường phố với nhiều sắc thái âm nhạc khác nhau. Tuy nhiên, đến nay, việc tổ chức hoạt động âm nhạc mang tính cộng đồng này chưa được phát triển rộng rãi ở Huế.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế cho biết: “Trong một thời gian, Học viện đã cố gắng duy trì hai dàn nhạc giao hưởng để phục vụ cộng đồng vào các chiều thứ 7 hàng tuần. Tuy nhiên, sau đó, Học viện khó khăn về kinh phí nên đành tạm dừng, không thể tiếp tục tạo sân chơi âm nhạc cộng đồng phục vụ du lịch của tỉnh”.

Hiệu quả trong việc tổ chức biểu diễn âm nhạc đường phố đã rõ. Tỉnh cần có định hướng và tạo cơ chế, nhất là nguồn kinh phí để giúp các đơn vị nghệ thuật của tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật cộng đồng vào các buổi chiều cuối tuần và xem đây như là một sản phẩm du lịch để hấp dẫn khách đến Huế.

Gia Hân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bạn bè một thuở

Huế sáng nay vui hẳn. Là điểm hẹn gặp gỡ của lớp Văn K4 và Sử K4 niên khóa 1980-1984, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế) sau 40 năm xa cách. Cuộc gặp mặt đầy xúc động. Đa số các bạn đều trẻ trung hơn về tâm hồn và phong cách so với tuổi trên 60. Có những người xa nhau biền biệt cả 40 năm, nay gặp lại đầy cảm động.

Bạn bè một thuở
Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 2: Muốn lan tỏa, thôi phụ thuộc ngân sách

Bên cạnh việc lan tỏa ra thị trường đến rộng rãi hơn với bạn đọc không những trong nước mà xa hơn là quốc tế, những ấn phẩm Tủ sách Huế về lâu dài cần được nhân rộng số lượng phát hành thông qua hình thức xã hội hóa. Xa hơn cũng cần tính toán để Tủ sách Huế thích ứng với quá trình chuyển đổi số để mọi người dễ tiếp cận. Đây là hiến kế của các chuyên gia, những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản khi bàn về đường hướng phát triển Tủ sách Huế không chỉ trong tương lai, mà cần hành động ngay từ bây giờ.

Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 2 Muốn lan tỏa, thôi phụ thuộc ngân sách

TIN MỚI

Return to top