Chí học và câu chuyện tự lực
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một chuyến bách bộ trên bờ biển Quảng Bình. |
Người làng An Xá các thế hệ vẫn mãi lắng đọng câu chuyện về chí học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một mẫu mực cho các thế hệ học trò của làng noi theo.
Các bậc cao niên làng An Xá kể lại rằng, những năm cụ Giáp hoạt động ở trường Quốc học Huế bị lộ, chính quyền Pháp buộc cụ về quê an trí hai năm. Thời gian ở quê nhà, người làng thấy cụ Giáp không hề rời sách vở. Nhiều cuộc tiếp xúc với bạn bè cụ chỉ giải quyết trong vòng 15 - 20 phút nhằm giành thời gian cho đọc sách, nghiền ngẫm các vấn đề thế sự.
Trong thời gian đó, có một chuyện xảy ra với vị tướng tương lai. Khi rời khỏi trường Quốc học Huế, thân sinh cụ Giáp có ý không cho cụ học nữa, nếu muốn học thì phải lấy vợ. Cụ Giáp đã trằn trọc nhiều đêm liền vì không muốn dừng học ngay giữa chừng, mà lấy vợ rồi học tiếp thì làm sao quán xuyến được hoạt động cách mạng.
Cuối cùng cụ Giáp chọn cách “hoãn binh” bằng việc hứa lấy vợ để được đi học. Khi được lên đường đi học lại, cụ Giáp nhắn với người nhà và đám dạm hỏi trong làng rằng: “Tôi phải học đã. Chuyện lấy vợ tính sau”. Từ ngày đó, người nhà cụ Giáp cũng nguôi dần ý định buộc cụ lấy vợ vì chí học của người con trai họ Võ lớn hơn mọi sự ràng buộc của hình ảnh gia đình trẻ.
|
Căn nhà xưa, nơi Đại tướng từng có tuổi thơ ấm áp. |
Căn nhà xưa của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiện được ông Võ Đại Hàm, người cháu của Đại tướng trông coi. Ông Hàm đã kể câu chuyện về đức tính tự lực của Đại tướng như một bài học cho con cháu noi gương.
Ông Võ Đại Hàm nhận rõ, trong cuộc đời cách mạng, có hai vấn đề xuyên suốt tư tưởng và hành động của Đại tướng qua đôi câu nói mà Bác Hồ từng căn dặn: “Chú Văn ạ! Làm cách mạng phải dĩ công vi thưởng” và “có dân là có tất cả”.
Chính từ những lời dặn dò thấu tình đó mà mọi ứng xử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không hề thấy bóng dáng tư lợi và thế giới càng nhìn rõ di sản Đại tướng để lại trong sáng, giản dị đến cao thượng.
Ông Võ Đại Hàm cho rằng, đó là xuất phát từ tính tự lực, không xin xỏ ai điều gì mà phải tự phấn đấu rèn luyện để phục vụ cách mạng, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.
Ông Hàm còn kể, mỗi lần Đại tướng về thăm nhà là luôn động viện, răn dạy mọi người từ cháu con, họ hàng phải tự lực, hết sức tự lực, không xin xỏ bất cứ việc gì vì ai cũng xin xỏ điều này điều kia thì ai phấn đấu.
Chính vì thế mà ba người con của ông Võ Đại Hàm ai cũng tự lực với cuộc sống, không nhờ vả bất cứ ai dù gia đình cũng “có thế” ở địa phương là cháu con Đại tướng.
Đứa đầu buôn bán hàng rau ngoài chợ, chồng làm thợ xây trong làng; đứa thứ hai học du lịch ra làm tại TP. Đồng Hới; đứa út đang đi học cấp 3 trong huyện.
Chuyện riêng về gia đình
|
Đại tướng trong một lần về thăm quê |
Ông Võ Đại Hàm kể, mỗi lần về thăm quê, Đại tướng thường cho dừng xe ở xa cổng nhà rồi đi bộ vào thôn để nắm tay ôm hôn bà con xóm làng.
Mỗi lần về thăm nhà, Đại tướng thường mời bạn đồng niên tới hàn huyên tâm sự. Những người bạn của Đại tướng nay không còn ai, nhưng trong ký ức dân làng An Xá vẫn còn nguyên hình ảnh mỗi lần Đại tướng về thăm quê là đối đãi với bạn rất ân nghĩa; trọng bạn, thương bạn và nhớ rõ gia cảnh từng người.
Dưới mái nhà xưa giản dị, Đại tướng nói chuyện với dân làng, trăn trở cùng dân làng về cách làm giàu để thoát nghèo, vui cùng niềm vui được mùa với bà con nông dân, lo cùng cái lo của người miền quê chân lấm tay bùn.
Mỗi bận về làng, Đại tướng thường khuyên mọi người nên khôi phục các làng nghề, con cháu cần được học hành để có kiến thức thoát nghèo vươn tới làm giàu.
Nghe lời Đại tướng, các làng nghề trong vùng được khôi phục như làng nghề làm chiếu cói An Xá đã được hồi phục, thương hiệu chiếu cói An Xá đã đi xa khỏi biên giới Quảng Bình. Người ta nói Đại tướng giản dị, chân tình nên nói chuyện gì dân làng An Xá ai cũng ghi lòng.
Có một câu chuyện “riêng” về gia đình Đại tướng sẽ vẫn còn làm xúc động nhiều thế hệ ở vùng quê chiêm trũng Lệ Thủy. Vào năm 1983, sau khi đưa mộ cụ thân sinh Đại tướng từ Huế về nghĩa trang huyện Lệ Thủy, trong nghĩa trang có khu đất dành cho các anh hùng.
|
Đại tướng trong một lần thắp hương tại quê nhà. |
Địa phương như muốn ghi công lao người cha của Đại tướng nên định đặt mộ cụ ở khu đất này. Tuy nhiên, khi xin ý kiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khoát tay: “Bố tôi chỉ là liệt sĩ. Phải đặt đúng chỗ chứ”.
Năm 1993, mộ của mẹ Đại tướng cũng được đưa về quê hương. Những người trách nhiệm tại địa phương có ý muốn đưa mộ cụ bà vào nghĩa trang Lệ Thủy cho gần cụ ông nhưng Đại tướng dứt khoát: “Không được, mẹ tôi không phải là liệt sĩ nên không thể nằm trong nghĩa trang. Chuyện này để gia đình chúng tôi lo”.
Vậy là gia đình Đại tướng an táng mộ cụ bà gần cạnh nghĩa trang. Mọi người thấy vậy ai cũng cho là hợp tình hợp lý. Riêng địa phương muốn mở thêm cánh cửa thông từ nghĩa trang đến mộ cụ bà để mọi người thắp hương cho tiện, nhưng khi xin ý kiến, Đại tướng từ chối: “Chỉ có gia đình chúng tôi đi. Mọi người đừng bận tâm”. Vậy nên lúc còn khỏe, mỗi lần ra thắp hương cho thân mẫu, Đại tướng vẫn thường bắc gạch để đi.
Khi địa phương Quảng Bình phục dựng lại căn nhà xưa của gia đình Đại tướng, các cấp muốn dùng gỗ lim cho căn nhà nghiêm chỉnh và bền lâu thì Đại tướng kiên quyết không đồng ý vì theo ông làm thế sẽ trở thành tiền lệ cho mọi người dùng gỗ lim dựng nhà gây ảnh hưởng xấu đến rừng. Nên dùng gỗ mít vì gỗ mít cũng bền và nghiêm chỉnh thanh thoát chẳng kém gỗ lim.
Địa linh, nhân kiệt
|
Đại tướng trong một lần về thăm quê hương huyện Lệ Thủy. |
Theo người An Xá, làng có hình cây đàn nên sinh ra nhiều người tài cả văn lẫn võ. Thời nhà Mạc có võ tướng Đổng Hiền. Thời nhà Lê, An Xá có hai vị đỗ đại khoa là Phạm Đại Kháng và Lê Đa Năng. Sau này có các tiến sĩ như Lê Đại Nghĩa, Lê Thiếu Kỳ, Đào Viết Doãn, Lê Bá Huế, và ông Võ Văn Nho (Nguyên trưởng ban khoa giáo Trung ương)...
Làng cũng sinh ra các vị tướng như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đào Hữu Lưu, Thiếu tướng Nguyễn Tấn Định, Thiếu tướng Lê Đa Định... Làng cũng sinh ra Bùi Xuân Các, người viết chữ rất đẹp, khai sinh ra chữ hoa mẫu ngày nay. Chữ của Bùi Xuân Các đẹp đến kỳ lạ nên nhà văn Nguyễn Tuân đã gọi ông là: “Ông nghè bút thiếp thời nay”. Làng cũng có các vận động viên bơi lội nức tiếng Quốc gia như: Nguyễn Văn Nhất, Nguyễn Văn Tam, Nguyễn Thị Thoa...
Cạnh làng An Xá có làng Tuy Lộc cùng xã cũng là đất văn vật. Mảnh làng này xuất thế một người nổi tiếng là học giả Dương văn An, đỗ tiến sĩ ở tuổi 34. Người được muôn đời ca tụng với cuốn “Ô châu cận lục” được lưu danh muôn thuở.
Tuy Lộc cũng là nơi phát khởi của công thần nhà Mạc Nguyễn Đình Toản. Mảnh làng này cũng sinh ra Trung lương Đại phu Nguyễn Danh Cả có con cháu là 4 vị quận công thời nhà Lê.
Người ta nói rằng, đất trời văn vật như thế nên An Xá và Tuy Lộc “môn đăng hộ đối”, sinh cho đất nước vị tướng tài có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ XX không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới: Tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo Doanhnhansaigon