Cách đây bốn năm, lúc nghe tay kéo vàng Wella bày tỏ ý tưởng, tôi nghĩ đơn giản rằng, đó là ước mơ của những người trẻ. Lần này, khi được tận mắt xem tranh, những tác phẩm ấy thực sự thuyết phục tôi. Nhân kể: “Mình đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều để biến ý tưởng thành hiện thực. Có lúc mình nằm mơ, trò chuyện cùng tóc, tỉnh dậy, liền gọi mẹ chia sẻ. Hai mẹ con bàn bạc, thử nghiệm cách vẽ, đến khi thấy đạt mới thôi”.
Tranh lên tóc người mẫu
Lý giải về chặng đường bốn năm theo đuổi ước mơ kỳ lạ này, anh nói rằng, đó là cách đến gần hơn niềm đam mê tóc, chất liệu gắn bó với nghiệp mưu sinh. Và niềm đam mê ấy còn chảy mãi nên sau những mẫu tóc cắt, bối độc đáo; những bức tranh tóc… sẽ là những tác phẩm nghệ thuật về tóc ấn tượng khác. Chúng ta hãy chờ xem…
|
Tuy chưa chuyên nghiệp trong bố cục, chuyển màu, nhưng những bức tranh trên tóc của anh thực sự tạo ấn tượng cho người xem. Đơn giản bởi sự sống động và cách lựa chọn chất liệu tranh khá độc đáo. Ngoài nghề tạo mẫu tóc được đào tạo bài bản, Mai Hoàng Nhân chưa hề qua một khóa học nào khác về hội họa, mỹ thuật. Những bức tranh trên tóc được anh thực hiện ngay tại căn phòng riêng chừng hơn 10m2. Tóc sau khi xử lý nhằm tạo màu phù hợp với nền tranh được xịt keo “dán” thành mảng, cố định vào tấm bảng mi ca. Với thước kẻ đo tỷ lệ, bút màu xạ, mực bút máy, màu luminer… Mai Hoàng Nhân cắm cúi trên nền nhà bắt đầu vẽ, pha màu, đổ mực. Trông ông chủ trẻ 8X lúc này chẳng khác gì một cậu họa sĩ thực thụ đang dồn hết tâm lực cho những đứa con tinh thần. Người thân của anh cho biết, khi đã bắt tay vào vẽ tranh, Nhân giao hẳn công việc tạo mẫu tóc cho người nhà, còn anh đóng kín cửa, mở nhạc Trịnh và “sáng tác”.
Phong cảnh Huế được vẽ trên tóc
“Tôi rất yêu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nên quyết vẽ bằng được một bức chân dung ông trên tóc. Sẽ là một thách thức vì tôi không phải là họa sĩ chuyên nghiệp. Chỉ mong là bức tranh có hồn, sống động. Đó là tặng phẩm kỷ niệm cho chính bản thân tôi sau những tháng ngày đấu tranh để vươn lên giữ nghề, nối nghiệp” – Mai Hoàng Nhân.
|
“Vì là dân nghiệp dư nên mình phải phác thảo sơ bộ hình ảnh ra giấy trắng trước rồi mới vẽ lên tóc sau. Mình vừa làm, vừa nghĩ; lúc nào bí về chuyên môn thì tìm đến hai “trợ lý” là Google và You tube. Để lên gân tình thần và tạo nguồn cảm hứng, mình đọc lại những bài viết về tóc và về chính mình”, “họa sĩ” tranh tóc cho hay. Một bức tranh từ khâu nhuộm tóc đến lúc pha màu mất khoảng một đến hai ngày. Đến nay, anh đã hoàn thiện các bức vẽ về cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, chợ Bến Thành, lăng Bác… Mai Hoàng Nhân đang nỗ lực thực hiện các tác phẩm còn lại trong chủ đề triển lãm tranh tóc “Đường xưa mây trắng về nơi cuối trời” cho đêm gala sắp tới.
“Một bức tranh cần khoảng 50g tóc dài. Để hoàn thiện số tranh như hiện nay, nó đã thử nghiệm rất nhiều tóc trong khi giá tóc xanh hiện nay không hề rẻ”, mẹ Mai Hoàng Nhân cho biết. Chuẩn bị cho bộ tranh tóc khá chu đáo, Hoàng Nhân dự định sẽ vẽ tranh phong cảnh và vẽ các mảng màu lên tóc thật của người mẫu nếu được sự đồng ý; còn không, anh sẽ kết “tranh” lên tóc người tình nguyện phục vụ trình diễn. Dưới sự hỗ trợ của ánh sáng thường và đèn sân khấu, các bức tranh trên tóc sẽ tạo cho người xem những hiệu ứng khác nhau.
Mai Hoàng Nhân với bức tranh vẽ Chùa Thiên Mụ
Khi biết Nhân đang thực hiện những bức tranh tóc độc đáo, một vài người ngỏ ý được mang tranh ký gửi tại các nhà hàng, khách sạn để bán cho du khách nhưng ông chủ trẻ của salon Ấn Tượng chối từ. Với anh, thú chơi nghệ thuật có sức hấp dẫn hơn là kinh doanh kiếm lợi nhuận. “Nếu du khách nước ngoài thích thú với dạng tranh này, tôi sẵn sàng vẽ tặng trên chính mái tóc họ. Những bức tranh tóc sau này sẽ được đóng khung, trưng bày và chuyển nhượng cho những ai thực sự yêu thích. Toàn bộ kinh phí chuyển nhượng sẽ phục vụ cho mục đích từ thiện”, Mai Hoàng Nhân chia sẻ.
Tuệ Ninh